Giới thiệu về nhóm ngành luật

Ngành Luật Quốc tế

Nơi đào tạo: Học viện Quan hệ quốc tế, Trường ĐH Luật TP.Hồ Chí Minh, trường ĐH Luật Hà Nội, Học viện Ngoại giao, Viện ĐH Mở Hà Nội.

Mục tiêu đào tạo: Đào tạo các chuyên gia có kiến thức cơ bản về ngành Luật và kiến thức chuyên sâu về Luật quốc tế, về giao thương quốc tế.

Cơ hội nghề nghiệp: Cử nhân Luật quốc tế có thể đảm nhận các vị trí ở các bộ phận về luật pháp quốc tế, hợp tác quốc tế, hoặc luật pháp nói chung của các bộ, ngành hoặc các doanh nghiệp; các cơ quan thông tin đại chúng trong và ngoài nước; các trường đại học, viện nghiên cứu; các tổ chức quốc tế liên chính phủ và phi chính phủ, các công ty Luật, thương mại, dịch vụ quốc tế…

Ngành Luật Kinh doanh

Trong nền kinh tế thị trường theo định hướng chủ nghĩa xã hội, pháp luật kinh doanh ngày càng trở nên cấp thiết và quan trọng vì từng lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế thị trường phải phát triển trên nền tảng pháp luật. Lĩnh vực pháp luật kinh doanh đã trở thành lĩnh vực pháp luật chuyên ngành, đòi hỏi các nhà làm luật, luật sư, nhà tư vấn trong lĩnh vực này phải được trang bị những kỹ năng hành nghề riêng biệt. Bên cạnh kiến thức pháp luật, trong thực tiễn hoạt động kinh doanh đòi hỏi phải có những chuyên gia pháp lý không những hiểu biết về pháp luật mà còn phải nắm vững các quy luật kinh tế. Do đó nhu cầu đào tạo mang tính liên ngành kinh tế và pháp luật là đáp ứng nhu cầu sử dụng của thị trường lao động Việt Nam hiện tại và trong tương lai.

Nơi đào tạo: Trường Đại học Kinh tế - Luật ĐHQG-Hồ Chí Minh (Luật Kinh doanh), Trường ĐH Kinh tế TP.Hồ Chí Minh (chuyên ngành Luật Kinh tế thuộc khoa QTKD), Trường ĐH An Giang, Trường ĐH Ngoại Thương, Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng.

Mục tiêu đào tạo: Đào tạo các chuyên gia trong lĩnh vực Luật Kinh doanh, nắm vững kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành, khả năng phát hiện và giải quyết những vấn đề chuyên ngành đào tạo.

Cơ hội nghề nghiệp: Cử nhân ngành Luật kinh doanh có thể làm việc tại các cơ quan nhà nước như tòa án, viện kiểm sát, ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan tư pháp…, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các văn phòng tư vấn pháp luật, công ty luật Việt nam và công ty luật nước ngoài…

Ngành Luật Thương mại quốc tế

Nơi đào tạo: Trường Đại học Kinh tế - Luật ĐHQG-Hồ Chí Minh, trường ĐH Luật Hà Nội…

Mục tiêu đào tạo: Đào tạo các cử nhân trong lĩnh vực Luật Thương mại quốc tế có chất lượng cao, nắm vững kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành, có khả năng phát hiện và giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành đào tạo.

Cơ hội nghề nghiệp: Cử nhân ngành Luật Thương mại quốc tế có thể làm việc tại các cơ quan, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các văn phòng tư vấn pháp luật, công ty luật Việt Nam và Công ty luật nước ngoài, tòa án, viện kiểm sát, UBND các cấp, cơ quan tư pháp, cơ quan đại diện ngoại giao…

Ngành Luật Hành chính

Nơi đào tạo: Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh, Trường ĐH Cần Thơ, Học viện Hành chính Quốc gia…

Mục tiêu đào tạo: Đào tạo cử nhân ngành Luật Hành chính nắm vững những kiến thức cơ bản về bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương, những kiến thức về đô thị và nông thôn dưới góc độ quy hoạch và xây dựng, cũng như những vấn đề cơ bản trong quản lý nhà nước như: quản lý đất đai, quản lý nguồn nhân lực… và những kiến thức chuyên sâu về tố tụng hành chính, các biện pháp kiểm tra, giám sát các hoạt động quản lý hành chính nhà nước, cũng như có kỹ năng giao tiếp hành chính, soạn thảo văn bản hành chính v.v…

Cơ hội nghề nghiệp: Cử nhân ngành Luật Hành chính có thể làm việc tại các cơ quan hành chính nhà nước như: Văn phòng UBND các cấp, các sở, phòng, ban trực thuộc UBND như: tư pháp, địa chính, xây dựng, thanh tra, công an, Lao động - Thương binh & Xã hội, có khả năng làm việc ở các cơ quan khác như: cơ quan thi hành án, Tòa hành chính, Viện kiểm sát nhân dân, Phòng công chức nhà nước, cơ quan báo chí, đài phát thanh, truyền hình, Đoàn Luật sư, các công ty, doanh nghiệp …