Ngày xuân vãng cảnh Thiền Lâm

(NTO) Thiền Lâm có “tuổi đời” trên 200 năm được xem là một trong những ngôi chùa cổ xưa nhất tỉnh Ninh Thuận. Chùa Thiền Lâm có không gian xanh mát nằm bên bờ sông Dinh thơ mộng hữu tình thu hút đông đảo khách thập phương vãng cảnh vào dịp đầu xuân.

Từ Tp. Phan Rang- Tháp Chàm đi theo tuyến quốc lộ 27 khoảng 10 km, du khách gặp ngôi chùa Thiền Lâm nằm bên tay trái đường có biển đề “Sắc Tứ Thiền Lâm Tự”. Chùa Thiền Lâm có “tuổi đời” trên 220 năm được xem là một trong những ngôi chùa cổ xưa nhất tỉnh Ninh Thuận. Chùa Thiền Lâm có không gian xanh mát nằm bên bờ sông Dinh thơ mộng hữu tình.

Lối vào chùa Thiền Lâm thơ mộng

Toàn cảnh kiến trúc mặt tiền chánh điện chùa Thiền Lâm

Vào những ngày đại lễ, tiếng đại hồng chung chùa Thiền Lâm vang vọng đến các thôn xóm gần xa. Ít ai biết chiếc chuông đồng này được đúc từ năm thứ bảy đời vua Gia Long (1807) với đường kính 0,4 mét, cao gần 1 mét, nặng đến vài trăm ký. Chùa Thiền Lâm do tổ Liễu Minh hiệu Đức Tạng khởi lập vào triều vua Lê Chiêu Thống năm thứ 3 (Kỷ Dậu- 1789). Hoà thượng Đức Tạng từ đàng ngoài vượt đường thiên lý Bắc- Nam vân du vào đến Ma Nương thôn (Đắc Nhơn, Nhơn Sơn, Ninh Sơn ngày nay) lập thảo am tu hành, hoá độ chúng sinh. Lúc đầu chùa cất quay mặt về hướng đông. Đến thời Tây Sơn, chùa được xây cất bằng gạch ngói quay mặt về hướng Nam cho tới ngày nay.

Mái chùa được xây cất theo kiểu chồng diềm hai tầng tám mái

Họa tiết rồng bay phượng chầu trang trí trên mái chùa

Hơn 220 năm vật đổi sao dời, chùa Thiền Lâm đã qua nhiều lần trùng tu. Nhất là từ sau năm 1975 đến nay, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tự do tín ngưỡng, chùa Thiền Lâm được phật tử đóng góp công sức xây cất khang trang. Toạ lạc trên diện tích khoảng 1 ha, chùa xây theo kiểu chồng diềm hai tầng tám mái uốn lượn theo hình đầu đao cong vút. Đỉnh mái chùa trang trí hoạ tiết rồng bay, phụng chầu tạo nên dáng vẻ trang nghiêm, cổ kính. Cấu trúc chùa gồm điện chính thờ Phật, điện trung thờ tổ và các nhà ở dùng làm nơi sinh hoạt cho sư trụ trì, các sa di.

Đại hồng chung được đúc từ năm 1807, thời Gia Long

Cây bồ đề cổ thụ tỏa bóng rợp mát sân chùa Thiền Lâm

Chùa Thiền Lâm lưu giữ nhiều kinh sách cổ: Kinh Lăng Già A Bạt Đà La Bảo Kinh Tâm Ấn bản viết tay chữ Hán; Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Kinh bản viết tay chữ Hán; Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới do đại sư Chánh Thiện trụ trì chùa Thiền Lâm phát tâm tái bản in tại phủ Thừa Thiên in vào tháng 2 năm Đinh Hợi (1828), thời Minh Mạng; Kim Cang Chú Giải được khắc vào mùa thu năm mậu ngọ (1858), thời Tự Đức; Thập Niệm Tân Biên in vào năm 1923 thời Khải Định...

Các Sadi chăm sóc vườn hoa vạn thọ chuẩn bị đón tết Quý Tỵ.

Năm 1940, chùa Thiền Lâm do Hòa Thích Huyền Ân trụ trì được triều đình Huế ban “Sắc Tứ Thiền Lâm Tự”. Trước sân chùa Thiền Lâm hiện còn hai cây bồ đề cổ thụ toả bóng xanh mát quanh năm. Theo những người cao tuổi ở thôn Đắc Nhơn cho biết cặp bồ đề đại thụ này đã lớn lên cùng với “tuổi tác” của ngôi chùa. Thiền Lâm ngôi chùa cổ kính thơ mộng mời gọi du khách gần xa về vãng cảnh, cúng Phật vào dịp tết Nguyên đán Quý Tỵ- 2013.