Xuân về nhớ Bác

(NTO) Mùa xuân là khoảng thời gian khởi đầu của một năm, thiên nhiên giao hòa sinh sôi nảy nở trong không gian ngọt ngào, ấm áp và lòng người cũng rạo rực những niềm vui, chứa chan bao ước mơ, hy vọng. Đối với dân tộc Việt Nam ta, mùa xuân về lại càng thiêng liêng, ý nghĩa hơn bởi chúng ta có Bác. Bác đã mang về những mùa xuân ấm no, hạnh phúc cho Đảng, cho dân và chính Người cũng là mùa xuân trường tồn tươi đẹp nhất trong trái tim dân tộc.

Mùa xuân năm 1930, ngày 3 tháng 2 (tức ngày mùng 5 tết Canh Ngọ), hoa Mộc Miên đua nhau khoe sắc, đỏ rực cả thành phố Cửu Long - Hương Cảng- Trung Quốc. Trong ngôi nhà cũ nhỏ bé của một đồng chí công nhân, Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước ta để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chiều ngày cuối cùng của hội nghị, Bác tổ chức một bữa liên hoan nhỏ ngay tại phòng ở của Người. Khi các đại biểu đã ngồi chung quanh bàn, Bác xúc động nói: “Các đồng chí, hôm nay, ngày lịch sử của chúng ta! Lê-nin vĩ đại đã nói, chỉ có đảng nào có được một lý luận tiên phong mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiên phong. Bây giờ chúng ta đã có một đảng như thế rồi. Nhân dân ta từ xưa đã có truyền thống đấu tranh anh dũng nhưng suốt những năm ấy, nhân dân ta thiếu người cầm lái sáng suốt. Giờ đây, Đảng của chúng ta phải gánh lấy vai trò này và tôi tin rằng Đảng ta sẽ dẫn dắt nhân dân ta đi đến thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do cho Tổ quốc thân yêu”.

Mùa xuân năm 1930, đối với Bác là “mùa xuân sung sướng nhất của cuộc đời”, riêng với dân tộc ta, còn một mùa xuân kỳ diệu nữa đó ngày Người trở về Tổ quốc sau ba mươi năm xa cách mang theo sắc xuân bất diệt cho đất nước Việt Nam:

“Ôi, sáng xuân nay, xuân 41

Trắng rừng biên giới nở hoa mơ

Bác về. Im lặng. Con chim hót

Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ”

(Tố Hữu)

Mùng 2 Tết Tân Tỵ ( ngày 28 tháng 1 năm 1941), sau ba mươi năm đón xuân nơi "đất khách, quê người", Bác Hồ đã về đến Tổ quốc thân yêu. Sáng hôm đó, sau khi đi thăm, tặng quà và chúc tết bà con hai thôn Nậm Quang, Nậm Tẩy (Trung Quốc), Người lên đường về nước. Đến cột mốc biên giới 108, Bác dừng lại cúi đọc những dòng chữ khắc sâu trên đá rồi đứng lặng hồi lâu hướng tầm mắt nhìn về phía dải đất Tổ quốc điệp trùng. Đất trời đang vào xuân, hoa nở thắm núi rừng. Đất nước trải qua bao đau thương mà vẫn đẹp một cách kỳ lạ, vẫn hồng hào sức sống bất diệt của hàng ngàn năm lịch sử.

Và cũng chính mùa xuân đầu tiên ấy, từ nơi đầu nguồn thiêng liêng, Người đã cho ra đời bài thơ xuân tuyệt tác:

Non xa xa, nước xa xa

Nào phải thênh thang mới gọi là

Đây suối Lê-nin kia núi Mác

Hai tay xây dựng một sơn hà.

Đúng như lời khẳng định của Người, chỉ hơn bốn năm sau, giang sơn Tổ quốc đã thu về một mối. Ngày 2-9-1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời và Người chính là vị Chủ tịch nước đầu tiên. Mùa xuân năm 1946- xuân Bính Tuất là mùa xuân độc lập đầu tiên của toàn dân tộc Việt Nam. Lần đầu tiên nhân dân Hà Nội, nhân dân cả nước được hưởng một mùa xuân mới mẻ, trọn vẹn và ý nghĩa. Khắp mọi nơi người dân đều nghĩ đến Tết sớm hơn mọi năm. Đối với Bác, mặc dù bận trăm công nghìn việc của Chính phủ mới, nhưng Người vẫn không quên lo Tết cho đồng bào, chiến sĩ.

Sáng 20-1-1946, Bác viết thư kêu gọi đồng bào nhân dịp Tết sắp đến. “ Dân ta là một dân tộc giàu tình bác ái. Trong lúc này, toàn Tổ quốc, đồng bào ta, từ giàu đến nghèo, từ già đến trẻ, ai cũng sửa soạn ăn tết mừng xuân. Tôi kêu gọi đồng bào và các đoàn thể làm thế nào để chia sẻ cuộc vui Xuân mừng Tết với những chiến sĩ oanh liệt ở trước mặt trận, những gia quyến các chiến sĩ, những đồng bào nghèo nàn, sao cho mọi người đều được hưởng các thú vui về Tết Xuân đầu tiên của nước Việt Nam độc lập”.

Chiều hôm đó, Bác lại viết thư gửi các thanh niên và nhi đồng toàn quốc- những mầm non của Đảng, chủ nhân tương lai của đất nước. Bức thư ngắn gọn nhưng phơi phới sắc xuân, căng tràn sức trẻ :”Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội… Năm mới, chúng ta thực hành đời sống mới để trở nên những công dân mới, xứng đáng với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

Đêm 30 Tết, ngày 1-2-1946, khi đồng bào thủ đô quây quần đoàn tụ bên gia đình chuẩn bị đón giao thừa thì Bác kính yêu của chúng ta cũng “bí mật” đi đón tết với nhân dân. Người đã cùng các đồng chí cán bộ đến từng con phố, ngõ hẻm ở phố Sinh Từ, Hàng Lọng, Hàng Vải… để thăm và chúc tết đồng bào. Cũng chính trong đêm ba mươi đó Bác đã tận mắt chứng kiến cảnh một người đạp xích lô ngoại tỉnh không có tiền về quê ăn tết, trên bàn thờ chỉ có duy nhất một nén nhang đang cháy dở còn chủ nhà thì đắp chiếu nằm rên vì sốt cao mê mệt. Người lặng lẽ kéo chăn đắp cho anh, lau nước mắt và khẽ đóng cửa bước ra. Trên đường đi, Bác khẽ nói “Ba mươi Tết mà không có tết” như để tự nhắc nhở mình về trách nhiệm chăm lo tết cho những người nghèo. Người còn dặn đồng chí Vũ Kỳ nhớ ghi địa chỉ để ngày mai mang thuốc và quà tết đến thăm hỏi người bệnh.

Cũng chính trong thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới của Tết Độc lập đầu tiên ấy, có ai ngờ rằng khi Đài tiếng nói Việt Nam trang trọng truyền đi khắp đất nước lời chúc mừng năm mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì chính Người lại đang vui xuân cùng nhân dân ở đền Ngọc Sơn, trong vai một cụ già cùng cháu đi hái lộc.

Kể từ năm 1946 cho đến khi qua đời, trong suốt 24 năm giữ cương vị là người đứng đầu Đảng và Chính phủ, không một phút nào Người không nghĩ đến dân tộc, đến nhân dân. Người suốt ngày làm việc, suốt đời làm việc vì độc lập của dân tộc và hạnh phúc của đồng bào. Kể cả trong những ngày Tết, Bác cũng không ngơi nghỉ. Thường thì trước Tết ba tháng, Bác đã nhắc nhở các cơ quan, ban, ngành chuẩn bị Tết cho nhân dân. Riêng Bác cũng tự mình chuẩn bị sớm ba việc: tìm ý thơ cho bài thơ mừng năm mới; nhắc văn phòng chuẩn bị thiếp “Chúc mừng năm mới” để kịp gửi đến những nơi xa xôi nhất, kể cả bộ đội ở các vùng rừng núi, hải đảo và cán bộ công tác ở nước ngoài, và cuối cùng là một chương trình đi thăm hỏi, chúc tết nhân dân, các cơ quan, đơn vị, một chương trình riêng mà chỉ Bác và các đồng chí cảnh vệ biết.

Đối với Bác, việc đi thăm và chúc Tết đồng bào, chiến sĩ là một lẽ tự nhiên bởi Người luôn quan niệm nước Việt Nam là đại gia đình của Người. Người về với nhân dân cũng là về với gia đình ruột thịt của mình. Không chỉ có vậy, Bác còn luôn xác định việc đón tết cùng với đồng bào sẽ là cơ hội tốt để Người tận mắt chứng kiến những niềm vui, nỗi buồn cũng như trực tiếp lắng nghe những tâm tư, tình cảm, ước mơ, khát vọng của nhân dân trước thềm năm mới. Đó là một niềm vui, niềm hạnh phúc lớn của Người.

Có rất nhiều những câu chuyện cảm động kể việc niềm vui bất ngờ của những gia đình nghèo khổ khi được đón Bác đến vui xuân. Trong đó có câu chuyện của gia đình chị Tín, một người gánh nước thuê ở ngõ 16 phố Lý Thái Tổ, Hà Nội. Năm đó là tết Nhâm Dần (1962). Chồng chị mất sớm, một mình chị Tín gánh nước thuê lấy tiền nuôi bốn con còn nhỏ. Chính vì thế dù trong đêm 30 mưa phùn gió rét chị vẫn chưa được nghỉ. Với đôi thùng trên vai, chị vừa ra đến ngõ thì gặp Bác. Quá bất ngờ trước sự xuất hiện của Người, đôi thùng trên vai chị rơi xuống đất. Tay chị run run trong bàn tay ấm áp của Bác, chị nói trong tiếng nấc nghẹn ngào:“Có bao giờ Chủ tịch nước lại đến thăm mẹ con cháu!”.Bác cười hiền từ an ủi chị:“Bác không đến thăm những người như mẹ con cô thì còn thăm ai”.

Không chỉ đón tết cùng với các gia đình, Bác còn đến với các cơ quan, đơn vị vừa là để thăm hỏi, động viên, đồng thời Người cũng chỉ ra phương hướng, kế hoạch hành động, tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho một năm mới phát triển và thắng lợi. Những chuyến viếng thăm của Bác thường là không báo trước, có khi Người ghé thăm công nhân nhà máy điện Yên Phụ, nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Dệt kim Đông Xuân; có lúc lại về vui tết cùng nông dân các Hợp tác xã Nông nghiệp vùng ngoại thành Hà Nội, Văn Phú (Hà Tây), hay vịnh thơ xuân cùng cán bộ và chiến sỹ bộ đội phòng không và không quân ở sân bay Bạch Mai...

Tết Kỷ Dậu (1969), có lẽ linh cảm đây là cái Tết cuối cùng của mình nên dù sức khỏe giảm sút nhiều, Bác Hồ vẫn đặt chương trình đi thăm, chúc Tết nhiều nơi và đi trồng cây. Để không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của Bác, các đồng chí ở văn phòng phục vụ Bác đã khéo sắp xếp theo mong muốn của Người. Sáng ngày 16-2-1969 (tức ngày mùng 1 Tết Kỷ Dậu), Bác đi thăm bộ đội Quân chủng Phòng không - Không quân ở Bạch Mai. Tiếp đó, Người về thăm và trồng một cây đa ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Tây. Những người trực tiếp phục vụ Bác Hồ có kể lại rằng, hôm ấy, trồng cây xong đã gần trưa, đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã đã xin mời bác ăn bữa cơm Tết cùng địa phương. Nhưng Bác bảo, Bác cảm ơn, vì những người giúp việc đã chuẩn bị cơm cho Bác rồi. Và Bác mời đồng chí Bí thư, Chủ tịch, chị Phó Chủ tịch xã sang ăn cơm cùng Bác. Đây cũng là lần cuối cùng và là cây cuối cùng Bác trồng để gieo mầm cho sự sống đời sau.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, cũng đã hơn 40 cái tết, đồng bào và chiến sĩ cả nước không được nghe thơ xuân của Bác, không được đón Bác đến thăm và chúc Tết. Nhưng trong trái tim và khối óc của triệu triệu người dân Việt Nam, lời nói trầm lắng, ánh mắt dịu hiền, nụ cười nhân hậu và những việc làm đầy ý nghĩa của Người từ những mùa xuân lịch sử vẫn sáng mãi, ấm mãi đến hôm nay và mãi mãi mai sau, tiếp thêm sức mạnh, nghị lực, niềm tin để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vững bước trên con đường xây dựng đất nước văn minh, giàu mạnh.