Thông tư liên tịch số 102/2012/TTLT ngày 19-10-2012 của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội, Bộ Tài chính

Hướng dẫn thực hiện một số chế độ đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-Pu-Chi-a, giúp bạn Lào sau ngày 30/04/1975 có từ đủ 20 năm trở lên phục vụ trong quân đội, cơ yếu đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thực hiện chế độ hưu trí, trợ cấp một lần, chế độ bảo hiểm y tế, mai táng phí đối với đối tượng trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chi-a, giúp bạn Lào (sau đây gọi chung là đối tượng trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế) sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 thuộc địa bàn và thời gian quy định tại Điều 3 Nghị định số 23/2012/NĐ-CP, có từ đủ 20 năm trở lên phục vụ trong quân đội, cơ yếu đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.

2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc quân đội nhân dân (gọi tắt là quân nhân); người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân (gọi tắt là cơ yếu), nhập ngũ, tuyển dụng sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế có từ đủ 20 năm trở lên phục vụ trong quân đội, cơ yếu hiện không thuộc diện đang hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động hoặc chế độ bệnh binh hàng tháng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 01 tháng 4 năm 2000;

b) Thương binh bị suy giảm khả năng lao động lừ 81% trở lên đang điều dưỡng tại các đoàn điều dưỡng thương binh hoặc từ các đoàn điều dưỡng thương binh đã về gia đình;

c) Quân nhân, cơ yếu đã có quyết định chuyển ngành truớc ngày 01 tháng 4 năm 2000 nhưng không thực hiện được chế độ chuyên ngành hoặc đã thôi phục vụ tại ngũ về địa phương mà chưa giải quyết chế độ phục viên, xuất ngũ, thôi việc;

d) Quân nhân, cơ yếu đã được giải quyết chế độ phục viên, xuất ngũ, thôi việc rồi đi lao động hợp tác quốc tế hoặc được đơn vị cử đi lao động hợp tác quốc tế về nước và đã được giải quyết chế độ phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 01 tháng 4 năm 2000.

3. Đối tượng không áp dụng

Thông tư này không áp dụng đối với các đối tượng sau đây:

a) Đối tượng không đủ điều kiện hướng dẫn tại Khoản 2 Điều này;

b) Đối tượng đang hưởng chế độ hưu trí hoặc đang công tác hưởng lương từ ngân sách nhà nước có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc đang hưởng chế độ mất sức lao động, chế độ bệnh binh hàng tháng;

c) Đào ngũ, đầu hàng, phản bội, chiêu hồi;

d) Vi phạm pháp luật đang chấp hành án tù giam, tù chung thân hoặc đã bị kết án về một trong các tội về xâm phạm an ninh quốc gia mà chưa được xóa án tích; bị tước danh hiệu quân nhân, bị buộc thôi việc;

đ) Xuất cảnh trái phép, đang định cư ở nước ngoài bất hợp pháp hoặc bị tòa án tuyên bố là mất tích;

e) Quân nhân nhập ngũ trước ngày 30 tháng 4 năm 1975;

g) Đối tượng hướng dẫn tại Khoản 2 Điều này đã từ trần nhưng không còn vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi; bố đẻ, mẹ đẻ hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp.

Điều 2. Chế độ hưu trí

1. Thời gian công tác thực tế trong quân đội, cơ yếu có đóng bảo hiểm xã hội hoặc được coi là đã đóng bảo hiểm xã hội để tính hưởng chế độ hưu trí, bao gồm: thời gian là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân viên chức quốc phòng, người làm công tác cơ yếu (kể cả thời gian công tác trong lực lượng công an nhân dân sau đó chuyển sang quân đội nhân dân, cơ yếu, nếu có). Thời gian công tác trên nếu có gián đoạn thì được cộng dồn.

Đối với các trường hợp chuyển ngành sang làm việc ở cơ quan, đơn vị, tổ chức ngoài quân đội, cơ yếu sau đó thôi việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 hoặc đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc đi lao động hợp tác quốc tế hoặc được cử đi lao động hợp tác quốc tế sau đó phục viên, xuất ngũ, thôi việc hoặc thương binh điều dưỡng tại các đoàn điều dưỡng thương binh nặng do ngành Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý thì thời gian công tác ngoài quân đội, cơ yếu, thời gian lao động hợp tác quốc tế, thời gian điều dưỡng tại các đoàn điều dưỡng thương binh nặng do ngành Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý không được tính hưởng chế độ hưu trí theo hướng dẫn tại Thông tư này.

Ví dụ 1: Ông Nguyễn Văn A, tuyển dụng vào công an nhân dân tháng 5/1975, tháng 4/1978 chuyển sang quân đội nhân dân, đến tháng 9/1980 xuất ngũ; tháng 02/1982 tái ngũ (làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chi-a từ tháng 02/1982 đến tháng 8/1989), được phục viên về địa phương kể từ ngày 01/01/2000. Theo quy định, thời gian công tác trong quân đội, công an được tính hưởng chế độ hưu trí của ông A là 23 năm 4 tháng (tháng 5/1975 đến tháng 9/1980; tháng 02/1982 đến tháng 12/1999).

Ví dụ 2: Ông Trần Công K, nhập ngũ tháng 8/1975 (tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam từ tháng 11/1975 đến ngày 07/01/1979), đến tháng 9/1979 chuyển sang công nhân viên chức quốc phòng; tháng 01/1993 chuyển công tác sang Ban Cơ yếu Chính phủ hưởng lương như đối với quân nhân; tháng 01/1995 chuyển về Bộ Quốc phòng công tác; đến tháng 12/1996 ông K thôi phục vụ tại ngũ, hưởng chế độ phục viên. Theo quy định, thời gian phục vụ trong quân đội, cơ yếu được tính hưởng chế độ hưu trí của ông K là 21 năm 5 tháng (từ tháng 8/1975 đến tháng 12/1996).

2. Mức lương hưu hàng tháng của đối tượng hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư này được tính theo số năm thực tế phục vụ trong quân đội, cơ yếu. Mức lương hưu và mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thực hiện như sau:

a) Mức lương hưu: cứ đủ 15 năm tính bằng 45% mức bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội; sau đó, cứ thêm một năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 3% đối với nữ và 2% đối với nam. Mức lương hưu hàng tháng tối đa bằng 75% mức bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Trường hợp đối tượng thuộc diện hưởng sinh hoạt phí thì mức lương hưu hàng tháng được tính bằng 01 tháng lương tối thiểu chung theo quy định của Chính phủ cho từng thời kỳ.

b) Khi tính mức lương hưu hàng tháng nếu có tháng lẻ dưới 3 tháng thì không tính; từ đủ 3 tháng đến đủ 6 tháng được tính bằng một nửa (1/2) mức hưởng của một năm đóng bảo hiểm xã hội; từ trên 6 tháng đến 12 tháng được tính bằng mức hưởng của một năm đóng bảo hiểm xã hội.

Ví dụ 3: Ông Nguyễn Văn A, nêu tại ví dụ 1, có thời gian công tác trong quân đội, công an được tính hưởng chế độ hưu trí là 23 năm 4 tháng. Theo quy định, cách tính tỷ lệ % lương hưu của ông A như sau:

- Đủ 15 năm = 45%;

- Từ năm thứ 16 đến năm thứ 23 (8 năm): 2% x 8 năm = 16%;

- Có 4 tháng lẻ được tính (1/2 năm) thêm: 2% x 0,5 = 1%;

- Tỷ lệ lương hưu của ông A là: 45% + 16% + 1% = 62%.

c) Mức bình quân liền lương tháng đóng bảo hiềm xã hội để tính lương hưu hàng tháng là bình quân tiền lương tháng của 5 năm cuối (60 tháng) trước khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc, chuyển ngành hoặc chuyển sang đoàn điều dưỡng thương binh thuộc ngành Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý hoặc trước khi đi lao động hợp tác quốc tế.

d) Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm cuối, bao gồm: tiền lương theo cấp bậc quân hàm, ngạch, bậc và các khoản phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) được chuyển đổi thành hệ số lương tương ứng quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Mức lương quân hàm Chuẩn úy tính bằng hệ số 3,90; tiền lương tối thiểu để tính lương hưu của đối tượng từ ngày 01/01/2012 là 830.000 đồng/tháng, khi Chính phủ điều chỉnh lương hưu thì các đối tượng trên cũng được điều chỉnh tương ứng.

Ví dụ 4: Ông Nguyễn Văn A, nêu tại ví dụ 1, được hưởng chế độ hưu trí từ ngày 01/01/2012; diễn biến tiền lương 5 năm cuối (60 tháng) của ông A như sau:

- Từ tháng 01/1995 đến tháng 12/1995 là 12 tháng, cấp bậc Đại úy, phiên theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP hệ số lương: 5,40; chức vụ: 0,5; thâm niên: 19%,

830.000 đồng x (5,40 + 0,5) x 1,19 x 12 tháng = 69.929.160 đồng.

- Từ tháng 01/1996 đến tháng 12/1999 là 48 tháng, cấp bậc Thiếu tá, phiên theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP hệ số lượng: 6,0; chức vụ: 0,5; thâm niên: 23%,

830.000 đồng x (6,0 + 0,5) x 1,23 x 48 tháng = 318.520.800 đồng.

Mức lương làm căn cứ tính lương hưu của ông A là:

(69.929.160 đồng + 318.520.800 đồng) : 60 tháng = 6.474.166 đồng/tháng.

- Lương hưu hàng tháng của ông A từ ngày 01/01/2012 đến 30/4/2012 là: 6.474.166 đồng x 62% = 4.013.983 đồng/tháng;

- Từ ngày 01/5/2012 lương hưu của ông A được điều chỉnh (tăng thêm 26,5%) theo Nghị định số 35/2012/NĐ-CP ngày18/4/2012 của Chính phủ là:

4.013.983 đồng/tháng x 26,5 % = 5.077.688 đồng/tháng.

đ) Trường hợp đối tượng có thời gian hưởng lương chưa đủ 5 năm (dưới 60 tháng) thì mức lương tháng làm căn cứ tính lương hưu được tính bình quân của tổng số tháng hưởng lương.

Ví dụ 5: Ông Nguyễn Văn B, nhập ngũ tháng 02/1978, phục viên ngày 01/7/1998, có 20 năm, 05 tháng công tác trong quân đội (tháng 7/1994 thăng quân hàm Thiếu úy; tháng 7/1996 thăng quân hàm Trung úy).

- Từ tháng 7/1994 đến tháng 6/1996 là 24 tháng, cấp bậc Thiếu uý, phiên theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP hệ số lương: 4,20; thâm niên: 18%,

830.000 đồng x 4,20 x 1,18 x 24 tháng = 98.723.520 đồng.

- Từ tháng 7/1996 đến tháng 6/1998 là 24 tháng, cấp bậc Trung úy, phiên theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP hệ số lương: 4,60; thâm niên: 20%,

830.000 đồng x 4,60 x 1,20 x 24 tháng = 109.958.400 đồng.

Mức lương làm căn cứ tính lương hưu của ông A là:

(98.723.520 đồng + 109.958.400 đồng): 48 tháng = 4.347.540 đồng/tháng.

e) Trường hợp cá biệt, hồ sơ của đối tượng chỉ chứng minh được mức quân hàm hoặc mức lương cuối cùng trước khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc, chuyển ngành thì áp dụng thời gian giữ cấp bậc quân hàm theo quy định của Luật Sĩ quan Quân dội nhân dân Việt Nam (1999) hoặc thời gian giữ bậc lương theo quy định của Nhà nước để xác định diễn biến tiền lương 5 năm cuối và chuyển đổi thành hệ số lương tương ứng quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP để tính lương hưu.

Điều 3. Chế độ trợ cấp một lần và chế độ bảo hiểm y tế, mai táng phí

1. Đối tượng hướng dẫn tại Điểm a, Điểm c và Điểm d Khoản 2 Điều 1 Thông tư này đã từ trần trước ngày 01 tháng 01 năm 2012, bao gồm cả đối tượng từ trần khi đang tại ngũ hoặc đang công tác thì một trong những thân nhân sau đây của đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp một lần bằng 3.600.000 đồng: vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi; bố đẻ, mẹ đẻ hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp.

2. Đối tượng hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư này, nếu từ trần sau ngày 01 tháng 01 năm 2012 thì một trong những thân nhân sau đây của đối tượng được truy lĩnh tiền lương hưu từ 01/01/2012 đến tháng đối tượng từ trần: con đẻ, con nuôi; bố đẻ, mẹ đẻ hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp.

3. Đối tượng hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư này, nếu chưa được hưởng chế độ bảo hiểm y tế thì được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; khi từ trần, người lo mai táng được hưởng chế độ mai táng phí, thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần và các chế độ, chính sách khác như người hưởng lương hưu theo quy định hiện hành của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Điều 4. Nguồn kinh phí thực hiện

Kinh phí chi trả lương hưu hàng tháng, trợ cấp một lần, bảo hiềm y tế, trợ cấp tuất, mai táng phí do ngân sách Trung ương đảm bảo. Bộ Tài chính chuyển Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện.

Điều 5. Hồ sơ xét hưởng chế độ

1. Giấy tờ làm căn cứ xét hưởng chế độ gồm một hoặc một số giấy tờ gốc hoặc được coi như giấy tờ gốc hoặc giấy tờ liên quan, cụ thể:

Quyết định phục viên, xuất ngũ, thôi việc, chuyển ngành, chuyển sang công tác khác trong tổ chức cơ yếu hoặc chuyển sang công nhân viên chức quốc phòng, quyết định của cơ quan có thẩm quyền cử đi lao động hợp tác quốc tế; lý lịch quân nhân, lý lịch cán bộ công chức, viên chức, lý lịch cán bộ hoặc bản trích yếu 63 đối với sĩ quan; lý lịch đảng viên; phiếu lập sổ trợ cấp phục viên, xuất ngũ, chuyên ngành; sổ bảo hiểm xã hội (nếu có); quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp thương tật hoặc bản trích lục hồ sơ thương tật (đối với thương binh).

Giấy xác nhận quá trình công tác của cơ quan, đơn vị cũ trước khi quân nhân, cơ yếu phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành, thôi việc do thủ trưởng cơ quan, đơn vị từ cấp Trung đoàn và tương tương trở lên theo phân cấp quản lý đối tượng trước khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc hoặc cử đi lao động hợp tác quốc tế, chuyển ngành hoặc chuyển sang công nhân viên chức quốc phòng cấp, ký, đóng dấu, kèm theo bản photocoppy hồ sơ của đối tượng hoặc danh sách đăng ký, quản lý đối tượng mà cơ quan, đơn vị đang lưu trữ để làm căn cứ xác nhận; đối với các đối tượng còn giấy tờ, hồ sơ gốc tại đơn vị cũ thì đơn vị cũ thực hiện việc cấp lại cho đối tượng theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực hiện hành. Trường hợp cơ quan, đơn vị cũ đã sáp nhập hoặc giải thể thì do cơ quan, đơn vị mới được thành lập sau sáp nhập hoặc cấp trên trực tiếp của cơ quan, đơn vị đã giải thể xác nhận, cấp lại.

Các giấy tờ làm căn cứ xét hưởng chế độ nêu trên (bao gồm bản chính hoặc bản sao của cấp có thẩm quyền) phải chứng minh đúng đối tượng, đủ điều kiện hưởng chế độ theo hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư này và Điều 3 Nghị định số 23/2012/NĐ-CP; xác định được tháng, năm nhập ngũ, tái ngũ, tuyển dụng, phục viên, xuất ngũ, thôi việc, đi lao động hợp tác quốc tế, chuyển ngành, chuyển sang công nhân viên chức quốc phòng, thời gian công tác thực tế trong quân đội, cơ yếu.

2. Hồ sơ xét hưởng chế độ hưu trí

a) Đối với đối tượng hoặc thân nhân của đối tượng đã từ trần sau ngày 01 tháng 01 năm 2012 trở đi lập 01 bộ hồ sơ, gồm:

- Đơn đề nghị của đối tượng hoặc thân đối tượng (Mẫu số 01, bản chính);

- Một hoặc một số giấy tờ làm căn cứ xét hưởng chế độ hướng dẫn tại Khoản 1 Điều này.

Đối với các trường hợp hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư này bị kết án tù giam, nhưng đã chấp hành xong án phạt tù, chuyển về địa phương mà chưa được giải quyết chế độ phục viên, xuất ngũ, thôi việc thì bổ sung thêm Giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù giam (bản chính hoặc bản sao của cơ quan có thẩm quyền). Đối với trường hợp bị kết án tù giam trước ngày 01/01/1995 đã chấp hành xong án phạt tù chuyển về địa phương, chưa được giải quyết chế độ, chính sách, Bộ Quốc phòng cân nhắc mức độ sai phạm và quá trình cống hiến đối với từng trường hợp cụ thể để xem xét, vận dụng giải quyết chế độ hưu trí theo quy định tại Nghị định số 23/2012/NĐ-CP sau khi thống nhất với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

b) Đối với các cấp: xét duyệt, hoàn thiện hồ sơ theo hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư này, hồ sơ gồm 05 bộ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam 01 bộ; Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố 01 bộ; Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng 01 bộ; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội 01 bộ; cá nhân đối tượng 01 bộ).

3. Hồ sơ xét hưởng chế độ trợ cấp một lần

a) Thân nhân của đối tượng từ trần trước ngày 01/01/2012 lập 01 bộ hồ sơ, gồm:

- Đơn đề nghị của thân nhân đối tượng (Mẫu số 02, bản chính);

- 01 giấy chứng từ (bản chính hoặc bản sao); 01 giấy ủy quyền (nếu có) (Mẫu số 03, bản chính);

- Một hoặc một số giấy tờ làm căn cứ xét hưởng chế độ hướng dẫn tại Khoản 1 Điều này.

b) Đối với các cấp: xét duyệt, hoàn thiện hồ sơ theo hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư này, hồ sơ gồm 05 bộ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam 01 bộ; Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố 01 bộ; Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng 01 bộ; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội 01 bộ, cá nhân đối tượng 01 bộ).

Điều 6. Trình tự và trách nhiệm thực hiện

1. Đối tượng, thân nhân đối tượng thuộc diện hưởng chế độ hưu trí hoặc chế độ trợ cấp một lần nộp hồ sơ cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú theo từng đợt, mỗi đợt vào ngày đầu tuần trong tuần đầu, tháng đầu của mỗi quý; số lượng 01 bộ theo hướng dẫn tại Điểm a Khoản 2, Điểm a Khoản 3 Điều 5 Thông tư này.

2. Trình tự, trách nhiệm và quy định thời gian xét duyệt ở các cấp được thực hiện như sau:

a) Đối với Ủy ban nhân dân cấp xã

Trong thời hạn không quá 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của đối tượng theo quy định (theo từng đợt), hoàn thành việc tổng hợp, lập hồ sơ đối tượng là quân nhân, cơ yếu báo cáo Ban chỉ huy quân sự cấp huyện.

b) Đối với Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện

Trong thời hạn không quá 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định (theo từng đợt), hoàn thành việc xét duyệt, tổng hợp, báo cáo đề nghị Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh (Mẫu số 04).

c) Đối với Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh

Trong thời hạn không quá 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định (theo từng đợt), hoàn thành việc xét duyệt, hoàn thiện hồ sơ (05 bộ), báo cáo đề nghị Bộ Tư lệnh quân khu (qua Cục Chính trị) (Mẫu số 04).

d) Đối với Bộ Tư lệnh các quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội

Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định (theo từng đợt), hoàn thành việc thẩm đinh, ra Quyết định về việc thực hiện chế độ hưu trí (Mẫu số 05), công văn đề nghị (Mẫu số 06), chuyển Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng.

đ) Đối với Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng

- Trong thời hạn không quá 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đù hồ sơ (theo từng đợt), hoàn thành việc xét duyệt, hoàn thiện thủ tục, ra quyết định hưởng chế độ hưu trí (Mẫu số 07) hoặc chế độ trợ cấp một lần (Mẫu số 08) và các giấy tờ khác theo quy định đối với đối tượng là quân nhân, cơ yếu, chuyển Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện;

- Lưu giữ hồ sơ xét hưởng chế độ và chuyển hồ sơ tới các cơ quan, đơn vị, đối tượng theo quy định.

3. Trách nhiệm của các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng

a) Cục Chính sách/Tổng cục Chính trị

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng chỉ đạo triển khai, kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách đối với các đối tượng hướng dẫn tại Thông tư này; phối hợp giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.

b) Cục Cán bộ/Tổng cục Chính trị; Cục Quân lực/Bộ Tổng Tham mưu

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị theo phân cấp quản lý xác nhận quá trình công tác trong quân đội cho đối tượng theo quy định, bảo đảm chặt chẽ, chính xác; chỉ đạo cơ quan cán bộ, quân lực các đơn vị trực thuộc Bộ tiếp nhận, xét duyệt hồ sơ, báo cáo Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng theo quy định; phối hợp chỉ đạo, kiểm tra và giải quyết các vướng mắc, phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.

c) Cục Tài chính/Bộ Quốc phòng

Phối hợp với các cơ quan chức năng chỉ dạo, kiểm tra và giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Quốc phòng

a) Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện các chế độ hướng dẫn tại Thông tư này;

b) Chủ trì phối hợp giải quyết các vướng mắc, phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

2. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội

a) Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính hướng dẫn, kiểm tra và giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện;

b) Hướng dẫn điều chỉnh lương hưu hàng tháng theo quy định của Chính phủ đối với quân nhân, cơ yếu đã được hưởng lương hưu theo hướng dẫn tại Thông tư này.

3. Bộ Tài chính

a) Bố trí kinh phí hàng năm để thực hiện chế độ, chính sách quy định tại Nghị định số 23/2012/NĐ-CP và Thông tư này theo quy dịnh của pháp luật về ngân sách nhà nước;

b) Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn, kiểm tra và giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện.

4. Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Hướng dẫn Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp nhận hồ sơ hưởng chế độ hưu trí, chế độ trợ cấp một lần do Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng chuyển đến; chi trả lương hưu hàng tháng, chế độ trợ cấp một lần và các chế độ khác đối với người hưởng chế độ hưu trí theo hướng dẫn tại Thông tư này.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2012.

2. Chế độ hưu trí hàng tháng hướng dẫn tại Thông tư này được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2012.

3. Khi hưởng chế độ hưu trí hàng tháng, đối tượng không phải nộp lại số tiền trợ cấp phục viên, xuất ngũ, thôi việc đã nhận.

4. Trường hợp đối tượng vừa có thời gian công tác trong quân đội nhân dân, vừa có thời gian công tác trong ngành cơ yếu, vừa có thời gian công tác trong công an nhân dân thì đơn vị công tác cuối cùng giải quyết chế độ phục viên, xuất ngũ, thôi việc chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ và giải quyết chế độ hưu trí hoặc chế độ một lần đối với các đối tượng theo quy định; đối tượng là cơ yếu do quân đội tiếp nhận hồ sơ và giải quyết chế độ theo quy định.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh về liên Bộ (qua Cục Chính sách - Bộ Quốc phòng) để xem xét, giải quyết.