Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục

(NTO) Nâng cao chất lượng giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm và là mục tiêu mà ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh nhà luôn hướng đến. Nhưng, nâng cao chất lượng như thế nào và giải pháp ra sao luôn là câu hỏi đặt ra đối với các trường học hiện nay.

Để nâng cao chất lượng giáo dục, phải thực hiện đồng bộ, có hiệu quả nhiều giải pháp - đó là ý kiến chung của cán bộ quản lý và giáo viên ở tất cả các cấp học trong tỉnh. Tuy nhiên, mỗi trường, mỗi cấp học cũng phải tùy theo tình hình thực tế của trường mình như: Điều kiện cơ sở vật chất, trình độ giáo viên, khả năng tiếp nhận của học sinh… để lựa chọn và thực hiện các giải pháp sao cho hiệu quả nhất.

Hướng dẫn học sinh thảo luận nhóm - một trong những phương pháp dạy học
giúp học sinh chủ động, thích thú học tập hơn của giáo viên
Trường THCS Nguyễn Văn Linh, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Trường THCS Trần Phú, Tp. Phan Rang Tháp Chàm được đánh giá là một trong những trường THCS có chất lượng ổn định của tỉnh. Điều này thể hiện qua kết quả thi tuyển sinh lớp 10 hàng năm của trường, tỷ lệ học sinh có điểm trung bình 2 môn thi Toán – Văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đều tăng từ năm học 2010-2011 đến 2012-2013. Cô giáo Nguyễn Thị Minh Trâm, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú, cho biết: “Để có được kết quả này, ngay từ đầu mỗi năm học, trường đều xây dựng và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp: chống lưu ban, bỏ học; tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, kết hợp triển khai thực hiện chặt chẽ việc kiểm tra- đánh giá – xếp loại học sinh theo chuẩn kiến thức kỹ năng; tổ chức tốt các hoạt động ngoài giờ lên lớp”.

Đó cũng là những giải pháp mà hầu hết các trường THPT trên địa bàn tỉnh ta đang thực hiện. Tuy nhiên, với điều kiện về cơ sở vật chất, thực tiễn ở mỗi địa phương khác nhau nên mỗi trường cũng đưa ra những phương án khác nhau để thực hiện. Đối với những trường ở vùng sâu, vùng xa, khi điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu thốn, đặc biệt là khả năng tiếp thu của học sinh còn nhiều hạn chế, đòi hỏi những giáo viên ở đây cũng phải có những giải pháp đặc thù. Muốn nâng cao được chất lượng giáo dục ở những trường này, trước hết thầy cô giáo phải khơi gợi được niềm đam mê, hứng thú học tập cho các em. Không tạo áp lực bài vở cho học sinh, không học nhồi nhét mà kết hợp kiểm tra kiến thức với các hoạt động ngoại khóa, đố vui học tập; đưa ra các danh hiệu thi đua để học sinh phấn đấu; biểu dương, khen thưởng học sinh hàng tuần, hàng tháng… đó là những phương án mà hầu hết các trường đang triển khai hiện nay.

Trong số những giải pháp đang được triển khai đồng bộ ở các trường, “Tăng cường đổi mới kiểm tra - đánh giá – xếp loại học sinh” được đánh giá là giải pháp phát huy hiệu quả nhất trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Năm học 2012-2013, hầu hết các Trường THPT trên địa bàn tỉnh đều triển khai thực hiện chung đề, chung đợt đối với bài kiểm 1 tiết ở tất cả các bộ môn và đối với bài kiểm tra 15 phút cho các môn thi tốt nghiệp. Riêng với các kỳ thi lên lớp, kiểm tra chất lượng đầu năm, cuối kỳ các trường đều tổ chức như kỳ thi tốt nghiệp THPT: đề chung, ngồi theo số báo danh, bài thi rọc phách, giáo viên bộ môn không tham gia coi thi bộ môn mình phụ trách, giáo viên giảng dạy không chấm bài kiểm tra lớp mình. Nhà trường không phát hành đề cương ôn thi học kỳ mà chỉ công bố ma trận nhận thức giúp học sinh làm quen với cách thức thi tốt nghiệp THPT và thi đại học sau này. Việc chấm, trả bài và vào điểm được thực hiện kịp thời, có biên bản chấm bài kiểm tra đảm bảo tính công bằng, chính xác, đánh giá đúng thực chất học lực của học sinh…

Theo thầy giáo Nguyễn Huệ Khải, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, cách làm này không chỉ giúp hạn chế được những tiêu cực trong kiểm tra; giúp học sinh chủ động hơn trong cách học, mà còn là một giải pháp hiệu quả để hạn chế những tiêu cực của việc dạy thêm – học thêm, học sinh không phải lo ngại “bị ép” đi học thêm với những môn học không có nhu cầu.

Tuy nhiên, giải pháp nào đi nữa thì để nâng cao chất lượng giáo dục quan trọng nhất vẫn là vai trò của người thầy. Ngoài trình độ, năng lực chuyên môn, bản thân mỗi giáo viên cũng phải thật sự tâm huyết, yêu nghề, nhiệt tình trong đổi mới phương pháp giảng dạy; tìm tòi, sáng tạo ra những đồ dùng dạy học thiết thực cho học sinh. Mỗi giải pháp đưa ra, cùng đòi hỏi phải có sự đoàn kết, thống nhất của tập thể sư phạm nhà trường… có như vậy mới thực sự tạo được sự chuyển biến trong cách dạy, cách học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.