Cô Trần Ngọc Hảo, yêu nghề, mến trẻ

(NTO) Chúng tôi đến thăm lớp 33, Trường TH Văn Lâm, xã Phước Nam (Thuận Nam) khi lớp đang giờ học môn Toán. Cô giáo Trần Ngọc Hảo (ảnh), chủ nhiệm lớp hướng dẫn học sinh trò chơi đố vui toán học. Sau mỗi câu hỏi là những mái đầu nhỏ chụm lại cùng thảo luận, rồi hàng loạt cánh tay giơ lên, tiếng trả lời giõng dạc, những cánh tay khác giơ lên xin được bổ sung…

Lớp 33 là một trong 10 lớp của Trường TH Văn Lâm được lựa chọn tham gia mô hình “Trường học mới Việt Nam” (VNEN) trong năm học 2012-2013. Mô hình áp dụng các phương pháp học mới, đòi hỏi cả giáo viên và học sinh đều phải chủ động, linh hoạt hơn.

Cô Trần Ngọc Hảo, yêu nghề, mến trẻ.

Và để có được những tiết học sôi nổi, buộc 100% học sinh trong lớp phải suy nghĩ và tham gia vào bài học; những giáo viên như cô giáo Hảo cũng không tránh khỏi những băn khoăn, tìm tòi. Cô cho biết, dù đã được tập huấn và có giáo trình hướng dẫn nhưng để phù hợp với thực tế học sinh ở địa phương và áp dụng đúng khả năng tiếp thu của từng đối tượng học sinh, những giáo viên như cô cũng phải thật sự linh hoạt, hiểu học sinh của mình.

Chính nhờ gắn bó, hiểu học sinh nên cô giáo Trần Ngọc Hảo rất được học sinh yêu quý. Không chỉ vậy, cô còn là tấm gương sáng được các đồng nghiệp ở trường quý mến và nể phục. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm năm 2002, cô về nhận công tác tại Trường TH Phước Thành, huyện Bác Ái. Qua 3 năm gắn bó với học sinh miền núi Phước Thành, cô giáo đã có những ngày cuối tuần đầy ý nghĩa khi tình nguyện ở lại kèm cặp, phụ đạo thêm cho học sinh yếu kém và hạnh phúc khi chứng kiến sự tiến bộ từng ngày của các em. Đó cũng là khoảng thời gian đáng nhớ khi được đón nhận những tình cảm trong sáng, đáng yêu của học trò vùng cao dành cho cô. Sau khi chuyển công tác về Trường TH Văn Lâm, tuy điều kiện thuận lợi hơn, nhưng học sinh của cô phần đông cha mẹ đi làm ăn xa, vì thế, thiếu sự quan tâm, động viên trong việc học. Xuất phát từ lòng yêu nghề, mến trẻ, cô giáo Trần Ngọc Hảo không ngừng học hỏi, tìm ra các phương pháp dạy học hiệu quả, phù hợp với học sinh, thu hút được các em, giúp các em ghi nhớ bài học một cách tốt nhất. Ngoài thời gian lên lớp 2 buổi/ngày, cô Hảo còn sáng tạo, tự tay làm nên các đồ dùng dạy học phục vụ thiết thực cho việc học của học sinh. Năm học 2011-2012, cô giáo Trần Ngọc Hảo đoạt giải nhì kỳ thi Giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học, huyện Thuận Nam và được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.