Tự học - bí quyết để bạn luôn thành công

1. Lên kế hoạch học tập

Mỗi người sẽ có nhu cầu học tập koác nhau. Người muốn nâng cao kỹ năng ngoại ngữ, người muốn bước vào đại học với điểm cao, người đơn giản chỉ cần kéo điểm phẩy môn Toán lên 8. Bạn cần phải xác định mục tiêu của mình trước khi bắt đầu lên kế hoạch chi tiết cho quá trình học tập của mình.

Điều quan trọng là đừng đặt ra những mục tiêu quá xa vời và ngoài tầm với, vì khi thực hiện không nổi, bạn dễ rơi vào tình cảnh chán nản và bỏ cuộc giữa chừng lắm đấy.

 

Đôi bạn tự học. Ảnh: Minh họa

2. “Làm chủ” thời gian của mình

Khi đã có kế hoạch cụ thể, bạn nên chú tâm vào thực hiện.

Nên nhớ, kế hoạch học tập là do bạn viết ra theo khả năng của mình, nên phải nghiêm túc chấp hành, đừng nuông chiều bản thân rồi cứ cho qua hết ngày này đến ngày khác.

Bên cạnh đó, tránh bị tác động bởi xung quanh. Tập cách nói không với những việc không cần thiết để dành tâm trí và thời gian cho việc học của mình nhé!

3. Học có tư duy

Học không đúng phương pháp dễ dẫn tới tình trạng mất thời gian mà không hiệu quả. Do đó, hãy bắt đầu bài học của bạn bằng trình tự sau:

Quan sát tổng thể: Bạn nên dành 5 -10 phút trước mỗi bài học để đọc sơ qua, dù có thể không hiểu, nhưng ít ra bạn sẽ nắm được khung sườn và những điểm chính của vấn đề.

Tự hỏi, tự trả lời: Đừng chỉ hí hoáy ghi chép thụ động, việc bạn tự đặt ra câu hỏi và tìm cách trả lời chúng sẽ giúp kiến thức được ghi sâu hơn. Nếu cảm thấy khó khăn nhờ đến sự giúp sức của thầy cô bạn bè.

Đọc: Ngay sau mỗi buổi học, bạn nên dành thời gian đọc lại bài chứ đừng để dành tới tuần sau có môn đó mới đem ra học. Việc này giúp bạn dễ nhớ bài và nhớ lâu hơn rất nhiều đấy.

Nhớ là học thông minh, chứ đừng học một cách khổ sở, teen nhé!

 4. Ghi chép khoa học

Ảnh hưởng không nhỏ tới việc học của bạn chính là kỹ năng ghi chép bài một cách khoa học. Việc bạn nên nhớ là:

- Đặt tựa đề riêng cho đề mục để nắm được những ý chính của bài học.

- Ghi lùi từng chi tiết liên quan với đề mục để xác định ý chính ý phụ.

- Dùng những chấm riêng cho từng dòng.

- Xuống dòng cho mỗi chi tiết để bài học thông thoáng và dễ hiểu hơn.

- Chừa chỗ trống nhiều để bổ sung những ý còn thiếu

- Chừa lề trái rộng 1/3 chiều ngang tờ giấy để ghi những câu hỏi, những giảng giải cần thiết.

- Sử dụng những kí hiệu tốc kí để theo kịp bài giảng.

- Đánh dấu bằng bút màu hay bút highlight những đoạn quan trọng cần chú ý.

5. Ôn tập

Cuối cùng là nên dành thời gian ôn tập lại bài học dẫu bạn đã nắm rõ thế nào đi nữa.

Đọc đi đọc lại những gì đã ghi chép sau buổi học hay trước khi đi ngủ sẽ giúp nhớ bài tốt hơn. Sau 9 tuần, những sinh viên xem lại bài trong ngày còn nhớ đến 75% bài, trong khi những sinh viên không làm điều đó thì quên đến 50% chỉ sau một ngày.

Bạn hiểu tầm quan trọng của việc ôn tập mỗi ngày rồi chứ!

Đừng để việc học hành trở thành gánh nặng. Hãy xem đó là niềm vui thu nhận kiến thức mỗi ngày và xây dựng cho mình những nấc thang vững chắc đến thành công bạn nhé!

Nguồn www.hocduong.vn