Thức ăn hỗ trợ bệnh thận hư nhiễm mỡ

Thức ăn có thể giúp bạn phòng chống thận hư nhiễm mỡ.

Thận hư nhiễm mỡ còn gọi là hội chứng thận hư có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Ở trẻ em, hội chứng thận hư thường xảy ra ở tuổi từ 2 - 6 tuổi. Đàn ông ít mắc bệnh này hơn phụ nữ.

Đây là tình trạng có biểu hiện như: nước tiểu có protein (trên 3,5g/ngày), giảm protein trong máu, tăng cholesterol máu, phù. Nước tiểu còn có chứa mỡ có thể thấy được dưới kính hiển vi.

Đông y chia bệnh chứng này ra làm 2 giai đoạn là cấp và mãn. Trong cấp tính có 3 thể là phong nhiệt nhiễu lạc, hạ tiêu thấp nhiệt và tâm hỏa cang thịnh. Là bệnh chứng khó trị, nên cách trị liệu cần dựa theo thể bệnh. Đặc biệt có những món ăn thuốc có thể sử dụng hỗ trợ cho việc trị liệu chứng bệnh này, xin giới thiệu cụ thể dưới đây.

Canh cật heo, bí đao (bổ thận, lợi thấp, hạ áp, thích hợp cho người bị hội chứng thận do thấp nhiệt bên trong, viêm, tiểu cầu thận, lưng gối mỏi nhừ, chi dưới sưng phù, cao huyết áp, choáng đầu ù tai): bí đao 250g, cật heo 1 quả, ý dĩ, hoài sơn dược, hoàng kỳ mỗi thứ 9g, nấm hương 5 cái, nước dùng 10 cốc. Bí đao gọt vỏ, bỏ hạt, rửa sạch, cắt miếng. Nấm hương bỏ cuống, rửa sạch. Cật heo cắt hai, lấy bỏ phần gân trắng, rửa sạch, cắt miếng mỏng, chần qua nước sôi. Đổ nước dùng vào nồi nấu sôi, cho hành, gừng vào rồi cho ý dĩ, hoàng kỳ và bí đao vào, dùng lửa vừa nấu khoảng 40 phút, sau đó bỏ cật heo, nấm hương, hoài sơn dược vào nấu chín, nêm gia vị là được. Món này ăn không hoặc dùng cho bữa cơm đều được.

Canh đuôi heo, đậu phộng thích hợp cho người bị tỳ thận lâu ngày không khỏi (Ảnh minh họa)

Canh cật heo bí đao giúp bổ thận

Canh hạt súng, đậu cô ve, sơn dược (kiện tỳ bổ thận, khử thấp tiêu thũng, thu nhiếp protein, thích hợp cho người bị hội chứng thận hư, hai chân sưng phù, lưng đau nhức, tiểu protein, sắc mặt trắng nhợt, tứ chi lạnh, tinh thần mệt mỏi, chán ăn): sơn dược khô, hạt súng mỗi thứ 25g, đậu cô ve 15g, hạt sen 20g, đường trắng một ít. Lấy các vị thuốc bỏ vào nồi, thêm vào lượng nước thích hợp, nấu chín, cho đường vào hòa tan là được. Món này dùng mỗi ngày một thang, dùng liên tiếp 5 ngày là một liệu trình.

Canh ruột gà, thung dung, ba kích (ấm thận, thích hợp cho người bị hội chứng bệnh thận thận dương suy hư, liệt dương, xuất tinh sớm, di tinh, hoạt tinh, đái són, ban đêm tiểu nhiều, thiếu hơi thở): ruột gà 100g, ba kích thiên 12g, nhục thung dung 15g, gừng sống vài miếng. Ruột gà làm thật sạch, cắt đoạn. Ba kích thiên, nhục thung dung chia ra rửa sạch, cho vào trong túi vải, cột chặt miệng túi lại. Lấy ruột gà và túi thuốc bỏ vào nồi đất, thêm vào lượng nước thích hợp, cho gừng và muối vào, dùng lửa lớn nấu sôi, hạ lửa nấu thêm 1 giờ, vớt túi thuốc ra, nêm gia vị là được. Món này chia ra ăn hết trong ngày.

Canh thịt gà, rễ tranh, kim anh tử (bổ thận tráng dương, cố tinh, thích hợp cho người bị hội chứng bệnh thận thận dương suy hư, liệt dương, hoạt tinh, tiểu nhiều lần, tiểu nhiều hoặc đái són): thịt gà 300g, rễ tranh 10g, kim anh tử 15g. Rễ tranh dùng nước vo gạo ngâm 3 ngày, vớt ra. Kim anh tử rửa sạch. Thịt gà rửa sạch, cắt miếng, bỏ vào nồi đất, thêm vào lượng nước thích hợp, dùng lửa lớn nấu sôi, bớt lửa nấu thêm 1 giờ, cho rễ tranh và kim anh tử vào, nấu thêm 1 giờ nữa, nêm gia vị là được. Món này chia ra dùng hết trong ngày.

Canh đậu phộng và tỏi cũng tốt cho những người mắc các bệnh do gan nhiễm mỡ (Ảnh minh họa)

Canh đuôi heo, đậu phộng (kiện tỳ hòa vị, ích thận lợi thủy, thích hợp cho người bị tỳ thận đều hư do các bệnh thận lâu ngày không khỏi, triệu chứng thường thấy: sắc mặt trắng bệch, lưng đau, không có sức, chi dưới sưng phù): đuôi heo 1 cái, đậu phộng hạt 60g. Đuôi heo rửa sạch, chặt khúc nhỏ. Đậu phộng rửa sạch, cùng đuôi heo bỏ vào nồi đất, thêm vào lượng nước thích hợp, dùng lửa lớn nấu sôi, bớt lửa hầm đến khi đậu phộng mềm rụp, nêm gia vị là được. Món này chia ra dùng hết trong ngày.

Canh đậu phộng và tỏi (kiện tỳ, khử thấp, tiêu thũng, giải độc, thích hợp cho người bị phù thũng do bệnh thận, tỳ hư thấp thanh, triệu chứng thường thấy: tứ chi nặng nề, chi dưới sưng phù, ăn uống không ngon, tinh thần mệt mỏi, khó tiểu): đậu phộng hạt 150g, tỏi lớn 100g. Đậu phộng rửa sạch. Tỏi lột vỏ, rửa sạch. Cho cả 2 vào nồi đất, thêm vào lượng nước thích hợp, dùng lửa lớn nấu sôi, bớt lửa hầm đến khi đậu phộng mềm rụt, nêm gia vị là được. Món này chia ra dùng hết trong ngày.

Cháo phục linh, đậu đỏ (hỗ trợ điều trị hội chứng bệnh thận): phục linh 25g, đậu đỏ 30g, táo lớn 10 quả, gạo 100g. Ngâm đậu đỏ nửa ngày, vớt ra rửa sạch, cùng phục linh, táo và gạo nấu cháo. Món này ăn thay cơm sáng và tối, nên ăn nóng.

Cháo đậu đỏ, rễ tranh (hỗ trợ điều trị hội chứng bệnh thận): rễ tranh tươi, đậu đỏ, gạo mỗi thứ 200g. Rễ tranh rửa sạch, bỏ vào nồi thêm vào lượng nước thích hợp nấu lấy nước bỏ bã. Gạo và đậu đỏ vo sạch, đổ nước rễ tranh vào nấu cháo. Món này chia 3 - 4 lần ăn hết trong ngày. Cháo ngô, đậu cô ve, táo (công dụng: hỗ trợ điều trị hội chứng bệnh thận): hạt ngô, táo lớn mỗi thứ 50g, đậu cô ve 25g. Đậu cô ve rửa sạch, cắt đoạn nhỏ, cùng với ngô và táo nấu cháo. Món này mỗi ngày ăn 1 lần.

Nguồn EVA.VN