Thuận Nam: Tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới

(NTO) Là huyện vừa mới được tái lập năm 2009, Thuận Nam có tổng diện tích đất tự nhiên trên 56.452 ha, với dân số trên 55.000 người. Địa bàn có 3 xã ven biển, 4 xã cận sơn và 1 xã miền núi. Được đánh giá là huyện có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, nhưng hiện tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn do điểm xuất phát thấp. Bằng sự đồng thuận, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, Thuận Nam đang quyết tâm xây dựng nông thôn mới (NTM).

Qua rà soát, đánh giá thực trạng xây dựng NTM theo 19 bộ tiêu chí quốc gia, thực trạng các xã trên địa bàn huyện đạt thấp. Cụ thể, 6 xã đạt từ 4 đến 5 tiêu chí, 2 xã đạt từ 5 đến 8 tiêu chí. Các tiêu chí đạt được chủ yếu: điện, bưu điện, hệ thống chính trị và an ninh trật tự. Các tiêu chí còn lại như: giao thông, thủy lợi, cơ sở hạ tầng và các nhóm tiêu chí về kinh tế… đạt thấp. Thực tế đòi hỏi những năm tới, các xã phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đạt những tiêu chí tiếp theo. Tuy nhiên, vấn đề địa phương quan tâm nhất trong xây dựng NTM hiện nay là nâng cao mức sống cho người dân, bởi chỉ có kinh tế khá giả, bà con mới toàn tâm, toàn lực hưởng ứng chương trình.

 
Sau một thời gian ngắn thực hiện Chương trình xây dựng NTM, xã Phước Nam có nhiều thay đổi.
Ảnh: Thanh Quang

Đồng chí Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: “Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, từ năm 2011 đến nay huyện chú trọng nhân rộng các mô hình tiên tiến, kết hợp chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp nhân dân thoát nghèo nhanh”. Đối với các xã ven biển, tranh thủ các chính sách ưu đãi của Nhà nước, địa phương xây dựng chiến lược cải hoán, nâng cấp đội tàu, tạo điều kiện cho các chủ tàu vay vốn với số tiền lớn để đóng tàu, mua sắm ngư cụ vươn ra đánh bắt xa bờ. Nhờ đó, đội tàu của ngư dân ở các xã Cà Ná, Phước Diêm, Phước Dinh ngày càng lớn mạnh. Hiện tại, tổng số tàu, thuyền ở những xã này là 1.017 chiếc, trong đó có 507 chiếc công suất trên 90 CV. Để tạo sự gắn kết trong khai thác thủy sản, đánh bắt dài ngày trên biển, địa phương tích cực vận động ngư dân liên kết làm nghề, qua đó đã thành lập được 32 tổ đánh bắt thủy sản và 7 tổ cộng đồng nuôi tôm. Từ nguồn vốn khuyến nông - khuyến ngư, cơ quan chức năng cũng đã hỗ trợ ngư dân xã Cà Ná một máy dò ngang, triển khai mô hình nuôi trồng thủy sản theo tiêu chí VietGap tại thôn Sơn Hải (Phước Dinh)…, hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản nhờ vậy đã có nhiều khởi sắc. Từ đầu năm đến nay, ngư dân khai thác được 38.500 tấn hải sản, đạt 95,5% kế hoạch năm, tăng 42,2% so với cùng kỳ năm trước. Nghề nuôi tôm giống có dấu hiệu phát triển mạnh, đã xuất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh 1.266 triệu con tôm post, đạt gần 94% kế hoạch, tăng 1,5 lần so với cùng kỳ. Làm ăn thuận lợi, đời sống của ngư dân được nâng lên đáng kể.

Đối với những xã cận sơn như: Phước Minh, Phước Ninh, Nhị Hà, Phước Nam, để từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao mức thu nhập đầu người, bên cạnh làm tốt công tác tuyên truyền đến từng người dân xóa bỏ tập quán sản xuất lạc hậu, huyện tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn mở các lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, nâng giá trị trên đơn vị sản xuất. Từ năm 2011 đến nay, nhiều mô hình được triển khai trên địa bàn, như: mô hình sản xuất lúa giống thuần chủng; mô hình trồng nho an toàn; khí sinh học (Biogas); mô hình cải tạo đàn cừu. Việc thực hiện các mô hình tiên tiến có hiệu quả đã góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, nhất là lĩnh vực chăn nuôi. Hiện tổng đàn gia súc có sừng trên địa bàn lên đến 61.350 con, đàn heo trên 3.700 con, nhiều hộ thành lập được các trang trại chăn nuôi với quy mô đàn hàng trăm con.

Riêng xã miền núi Phước Hà khó khăn nhất huyện, nên được ưu tiên thực hiện nhiều mô hình hơn. Để giảm hộ nghèo từ 43% hiện nay xuống còn 28% năm 2015 theo như lộ trình của đề án xây dựng NTM, huyện đã tranh thủ các chương trình, dự án triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất như: Mô hình thâm canh lúa nước; mô hình nuôi cừu sinh sản, bò thịt; đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.

Nhờ sự nỗ lực phấn đấu, huyện Thuận Nam đã đạt được những kết quả ban đầu trong xây dựng NTM đáng ghi nhận. Từ chỗ hộ nghèo chiếm tỷ lệ 13,79% trong năm 2011, nay giảm xuống còn 12,17%. Bà con ngày càng tin tưởng vào chủ trương xây dựng NTM, đồng sức, đồng lòng cùng với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.