Giới thiệu sách: Nghề gốm của người Chăm Bàu Trúc

(NTO) Nói về nghề gốm của người Chăm Bàu Trúc, chúng tôi xin giới thiệu đến cuốn sách: “Nghề gốm cổ truyền của người Chăm Bàu Trúc – Ninh Thuận” khổ 15 x 21cm do Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin ấn hành năm 2001. Với 147 trang nội dung, cuốn sách được chia thành 3 phần chính.

Phần thứ nhất: Giới thiệu khái quát về làng gốm Bầu Trúc từ tên gọi, địa danh; quá trình hình thành làng đến điều kiện tự nhiên và xã hội, sự hình thành và phát triển gốm Chăm. Làng Gốm Bàu Trúc có tên gốc theo địa danh Chăm là “Paley Hamu Trok”, có nghĩa là “ Làng trũng, nhô ra ở phần cuối của triền sông”. Sau trận lũ lụt lớn xảy ra năm 1964 làng được dời đến địa điểm mới cách làng cũ 3 km về hướng Bắc, nằm cạnh một hồ nước lớn có mọc nhiều cây Trúc nên gọi là làng Bàu Trúc, tên hành chính gọi là thôn Vĩnh Thuận. Nhưng hiện nay tên làng Bàu Trúc được người dân sử dụng phổ biến hơn để chỉ một làng của người Chăm ở Ninh Thuận.

 
Các nghệ nhân làng Bàu Trúc tham gia hội thi nặn gốm Chăm
nhân Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm - Ninh Thuận 2012. Ảnh: Sơn Ngọc

Gắn liền với làng Chăm Bàu Trúc là đời sống kinh tế, văn hoá, tín ngưỡng, phong tục diễn ra hàng năm hướng về vị Thần làng, vị tổ sư nghề nghiệp – một vị thần đã có công to lớn phù hộ độ trì cho dân làng. Vị thần ấy đã ăn sâu vào tâm thức của người Chăm Bàu Trúc suốt bao thế hệ.

Phần thứ hai: Mô tả quy trình làm gốm từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, tạo hình dáng gốm, trang trí hoa văn đến nung gốm. Mỗi quy trình làm gốm, ngoài việc mô tả chi tiết còn khai thác được những kinh nghiệm làm gốm, tri thức dân gian, bí quyết nghề nghiệp…Qua đó cho chúng ta thấy được nét độc đáo của gốm Chăm Bàu Trúc, đồng thời là cơ sở khoa học để tổ chức truyền dạy nghề gốm cho thế hệ mai sau và trình bày cách tổ chức sản xuất, những nghi lễ, kiêng kỵ… liên quan đến gốm mà tự bao đời nay không thể thiếu trong mọi mặt đời sống của người Chăm Ninh Thuận.

Phần thứ ba: Những nhận xét chung về gốm Chăm Bàu Trúc. Từ đó so sánh gốm Chăm Bàu Trúc với gốm Sa Huỳnh và gốm ở khu vực và vai trò, vị trí của gốm Chăm Bàu Trúc trong nền thủ công truyền thống Chăm. Đồng thời đưa ra những giải pháp, kiến nghị, những dự án cụ thể để bảo tồn và phát triển gốm Chăm Bàu Trúc trong cơ chế thị trường hiện nay. Khép lại nội dung sách là những hình ảnh về làng gốm và quá trình làm gốm để tạo nên những sản phẩm độc đáo mà chúng ta được biết đến ngày hôm nay.