Vì sao các nguồn kinh phí hỗ trợ cho học sinh bị chậm?

(NTO) Ngày 21-12-2010, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg Ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT). Theo đó, học sinh bán trú đang học tại các trường PTDTBT trên địa bàn tỉnh ta sẽ được hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng bằng 40% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.

Đây là một chính sách ưu đãi của Nhà nước, giúp các trường PTDTBT tháo gỡ khó khăn để duy trì mô hình bán trú, đảm bảo sĩ số học sinh lên lớp và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 8-2-2011, chế độ hỗ trợ học sinh bán trú được tính hưởng kể từ ngày 01-01-2011. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, năm học 2012-2013 được triển khai gần 2 tháng nhưng các trường PTDTBT trên địa bàn huyện Bác Ái vẫn chưa nhận được hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú của năm học 2011-2012.

Trong lúc chờ nguồn hỗ trợ, bữa ăn của học sinh các trường PTDTBT
dựa vào sự đóng góp, tài trợ của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm

Để giữ chân học sinh lại trường, ngành Giáo dục và Đào tạo Bác Ái và các trường vẫn đang phải tự “xoay xở” tiền ăn cho các em. Thầy Hoàng Văn Lợi, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Ngô Quyền, xã Phước Tiến (Bác Ái) cho biết, nhà trường được chuyển đổi thành Trường PTDTBT THCS Ngô Quyền theo quyết định của Chủ tịch UBND huyện Bác Ái từ tháng 10-2011. Hiện trường có 90 học sinh bán trú. Nếu theo Quyết định 85 của Thủ tướng Chính phủ thì tất cả các em học sinh học bán trú trên sẽ được nhận hỗ trợ tiền ăn 140.000 đồng/tháng/học sinh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, nghĩa là đã bước sang năm thứ 2 trường hoạt động dưới mô hình trường PTDTBT nhưng số tiền hỗ trợ của năm học 2011-2012 vẫn chưa nhận được. “Để duy trì mô hình bán trú, giữ chân học sinh ở lại trường, chúng tôi phải vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ, thậm chí là mua chịu gạo, thức ăn của tiểu thương” – Thầy Lợi nói thêm.

Khó khăn này không chỉ của riêng trường Ngô Quyền mà cũng là nỗi niềm chung của các trường PTDTBT trên địa bàn huyện Bác Ái khi chưa nhận được nguồn hỗ trợ.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Mai, Phó Trưởng phòng Quản lý ngân sách, Sở Tài chính cho biết: “Nguyên nhân của sự chậm trễ này là do công tác lập và phê duyệt danh sách của các trường và địa phương thực hiện quá chậm. Theo quy định, các trường hoàn thành thủ tục gửi lên bộ phận tài chính của huyện, mỗi huyện tổng hợp gửi lên Sở Tài chính. Nếu hồ sơ, danh sách học sinh huyện nào gửi lên đầy đủ và đúng yêu cầu thì Sở Tài chính giải quyết rất nhanh chóng”. Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Mai cũng cho biết thêm, có thể do chưa nắm rõ quy định nên hồ sơ của một số trường gửi lên thường thiếu sót nhiều, phải làm lại từ đầu. Việc chi ngân sách không thể thực hiện riêng lẻ từng trường một mà phải đồng bộ theo huyện. Do đó cũng có tình trạng “một trường làm sai, cả huyện phải chờ đợi” gây chậm trễ chung.

Cũng do nhiều vướng mắc trong việc lập danh sách, hồ sơ học sinh nên hiện nay, các trường mẫu giáo trên địa bàn tỉnh ta vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em 5 tuổi theo Thông tư liên tịch số 29, hướng dẫn thực hiện chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em 5 tuổi của Bộ GD&ĐT và Bộ Tài chính. Theo đó, trẻ em 5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa, bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế; có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định hiện hành của Nhà nước được hỗ trợ 120.000 đồng/tháng/cháu.

Theo phản ánh của các trường mầm non thì nguồn hỗ trợ tiền ăn cho trẻ 5 tuổi của năm học 2011-2012 đến cuối năm học mới nhận được. Khi đó, học sinh 5 tuổi đã bước vào lớp 1 nên nguồn hỗ trợ này không còn ý nghĩa. Rút kinh nghiệm từ năm học trước, năm học này, Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố đã chỉ đạo các trường lập danh sách, hoàn thành hồ sơ trẻ 5 tuổi được hỗ trợ tiền ăn theo Thông tư 29 gửi về Phòng GD&ĐT để trình lên UBND huyện ngay từ đầu năm học. Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ninh Phước cho biết: “Do thủ tục làm hồ sơ cho các cháu được nhận hỗ trợ đòi hỏi nhiều giấy tờ, đồng thời phải đợi chính thức bước vào năm học các trường mới ổn định số trẻ nên công tác lập danh sách, hồ sơ của các trường thường rất chậm. Một số trường khi trình lên mới phát hiện thiếu sót, cần bổ sung nên lại kéo dài thời gian. Phòng GD&ĐT Ninh Phước cũng chỉ mới hoàn thành hồ sơ và trình lên UBND huyện cách đây không lâu”.

Cùng với giải pháp chỉ đạo quyết liệt, hướng dẫn cụ thể cho các trường trong việc lập danh sách, hoàn thiện hồ sơ học sinh để các em có được nguồn hỗ trợ một cách sớm nhất, đồng chí Trần Thùy Vân, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bác Ái đưa ra đề xuất, UBND tỉnh cho các trường tạm ứng các nguồn hỗ trợ từ đầu năm học để giải quyết khó khăn. Đồng tình với đề xuất này, đồng chí Nguyễn Ngọc Mai, Phó Trưởng phòng Quản lý Ngân sách, Sở Tài chính cho biết: “Vì nguồn ngân sách đã có sẵn nên từ những năm học sau, Sở Tài chính sẽ đề xuất thực hiện tạm ứng nguồn hỗ trợ cho các trường từ đầu năm học, để chính sách thực sự phát huy hiệu quả, mang lại ý nghĩa thiết thực”.