Tư tưởng của Bác Hồ trong tự phê bình và phê bình

(NTO) Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, là vũ khí sắc bén để Đảng trở nên trong sạch, vững mạnh.

Bác nhấn mạnh: “Đảng ta gồm những người có tài, có đức, phần đông là những người hăng hái nhất, thông minh nhất, yêu nước nhất, kiên quyết, dũng cảm nhất. Tuy nhiên trong Đảng hiện nay không phải người người đều tốt, việc việc đều hay. Hơn nữa, cán bộ, đảng viên cũng là những con người, có các mối quan hệ xã hội, sống trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể, cho nên không thể tránh được những sai sót. Do vậy, đảng viên, cán bộ phải thường xuyên tự phê bình và phê bình như con người luôn cần không khí để sống, để làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân, phần xấu dần dần mất đi. Bản chất của tự phê bình và phê bình là hướng tới cái đẹp, cái tốt. Mục đích phê bình cốt là để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ, sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Đồng thời để đoàn kết thống nhất trong nội bộ Đảng, chứ không phải lợi dụng phê bình để đấu đá, hạ bệ lẫn nhau, xúc phạm danh dự, làm ảnh hưởng xấu đến khối đoàn kết nội bộ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên ngày nay phải kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Đó là thang thuốc hay nhất bởi nếu không thực hiện điều này thì cũng như người có bệnh giấu giếm bệnh tật, không chịu uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm nguy đến tính mạng”.

Theo tư tưởng của Bác: Tự phê bình và phê bình cần có thái độ thành khẩn, phản ánh đúng sự thật, không thổi phồng, không bóp méo, không nể nang né tránh, không ngại va chạm, có sự tự giác cao và phải xuất phát từ tình đồng chí yêu thương lẫn nhau. Bác nhấn mạnh: “Một Đảng giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắc, chân chính…”. Bác còn chỉ rõ: “Việc phê bình phải từ trên xuống, từ dưới lên. Cấp trên phê bình, chưa đủ. Đồng chí, đồng sự phê bình, chưa đủ. Phải hoan nghênh quần chúng phê bình nữa, thì sự phê bình mới hoàn toàn…” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2002, tập 5, tr.261, 584-585).

Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Bác, Đảng ta luôn nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, thể hiện rõ ở Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Lần này, tự phê bình và phê bình được xem là một trong những giải pháp để xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đây chính là khâu mở đầu có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Với tinh thần nhìn thẳng, đánh giá đúng sự thật, nhất là những mặt còn yếu kém, không nể nang, né tránh đồng thời đề ra các biện pháp khắc phục, sửa chữa thiết thực. Nhưng điều đáng nói là ở một số người trong phê bình, cấp dưới không dám thẳng thắn phê bình cấp trên. Cấp trên có người không lắng nghe ý kiến phê bình của quần chúng. Thậm chí còn trù úm, trả thù, coi đó là luận điệu của kẻ xấu… Những điều đó làm cho việc tự phê bình và phê bình không được đến nơi đến chốn, có khi biến thành một việc làm mang tính hình thức.

Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được gắn với các giải pháp xây dựng Đảng mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã chỉ ra. Song, dù với các hình thức và biện pháp cụ thể nào cũng phải nắm vững nguyên tắc xây dựng đạo đức cách mạng mà Bác Hồ đã chỉ ra, đó là: “Nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức; Xây đi đôi với chống; Phải tu dưỡng đạo đức suốt đời”.