Báo Tây Ninh 66 năm xây dựng và trưởng thành

LTS: Ngày 5-10-2012, Báo Tây Ninh  kỷ niệm 66 năm thành lập và phát triển. Cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh Tây Ninh đã góp phần cùng quân dân địa phương thực hiện thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Nhân dịp này, Ban Biên tập Báo Ninh Thuận chúc mừng cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Tây Ninh- Người bạn thân thiết của Báo Ninh Thuận. Báo điện tử Ninh Thuận trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc chặng đường 66 năm xây dựng và trưởng thành của Báo Tây Ninh.

Cách nay 66 năm, sau cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945, nước Việt Nam thoát khỏi ách đô hộ của thực dân, phong kiến; Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập công bố với thế giới chủ quyền của đất nước, dân tộc Việt Nam, nhưng không bao lâu sau đó, thực dân Pháp lại đổ quân tái xâm lược nước ta. Tỉnh uỷ Tây Ninh đã lãnh đạo chính quyền cách mạng cùng quân, dân Tây Ninh kéo ra bưng biền, lập căn cứ kháng chiến. Để có được phương tiện vận động nhân dân trong tỉnh hưởng ứng, tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp, Tỉnh uỷ chủ trương lập ra tờ báo của Đảng bộ để làm nhiệm vụ tuyên truyền, cổ vũ quần chúng đứng lên đánh đuổi quân xâm lược.

Đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Tây Ninh ngày nay

Theo dòng lịch sử, hết đánh Pháp, đến đuổi Mỹ và xây dựng đất nước, tờ báo của Đảng bộ tỉnh nhà vẫn duy trì hoạt động xuất bản liên tục để thực hiện tôn chỉ mục đích là Tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Ninh. Tuy nhiên trong suốt 30 năm làm nhiệm vụ tuyên truyền phục vụ hai cuộc tháng chiến, do hoàn cảnh lịch sử của thời chiến, tờ báo vẫn chưa có văn bản chính thức thành lập. Một năm sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, ngày 5 tháng 10 năm 1976, Thường vụ Tỉnh uỷ Tây Ninh đã ban hành Quyết định thành lập cơ quan Báo Tây Ninh trực thuộc Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Tây Ninh. Do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt đó, từ trước đến nay Báo Tây Ninh chưa có được ngày truyền thống của giới báo chí cách mạng tỉnh nhà. Thể theo nguyện vọng của những người làm báo, trên cơ sở nhiều lần hội thảo khoa học với sự có mặt của nhiều nhân chứng lịch sử, ngày 22 tháng 2 năm 2012, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Tây Ninh đã ban hành Quyết định số 222 về việc chọn ngày 5 tháng 10 hằng năm làm Ngày truyền thống Báo Tây Ninh.

VÀI NÉT VỀ ĐỜI SỐNG VĂN HOÁ XÃ HỘI

Hiện nay, bước sang thập niên thứ 2 của thế kỷ 21, thế kỷ được mệnh danh là “Kỷ nguyên thông tin”, tại Tây Ninh - một tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, khu vực phát triển năng động nhất trong cả nước, đang tích cực đẩy mạnh công nghiệp hoá hiện đại hoá. Trong đời sống xã hội, Tây Ninh đã có được sinh hoạt văn hoá tình thần khá phong phú, nhất là trên mặt trận thông tin với thói quen đọc báo trong dân cư đã có từ lâu đời, vì nằm sát thành phố Hồ Chí Minh, tức thành phố Sài Gòn, nơi được xem là cái nôi của báo chí Việt Nam với sự xuất hiện của những tờ báo đầu tiên trong lịch sử báo chí của đất nước, và cho đến nay thành phố này vẫn là trung tâm báo chí của cả nước với khá nhiều tờ báo có uy tín không chỉ ở trong nước mà còn lan toả trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Đã từ rất lâu, báo chí xuất bản ở thành phố, chỉ vài giờ sau là đã có mặt và nằm trên tay người đọc tại Tây Ninh. Cũng đã từ rất lâu người Tây Ninh xem báo chí là món ăn tinh thần không thể thiếu được. Nếp sinh hoạt văn hoá này được duy trì, nuôi dưỡng và phát triển không ngừng, với hình ảnh những đại lý, quày, sạp bán báo có ở khắp nơi trong tỉnh. Tại thị xã Tây Ninh có những con đường chỉ vài trăm mét lại thấy có một sạp báo với những ấn phẩm đủ loại, xuất bản ở khắp nơi trong nước.

Về người đọc báo là như thế, riêng về việc làm báo Tây Ninh cũng được xem là tỉnh có tờ báo cách mạng, tờ báo Đảng địa phương khá sớm, từ sau Cách mạng tháng Tám - năm 1945. Đặc biệt, tờ báo mang tên quê hương Tây Ninh đã được duy trì xuất bản gần như liên tục từ khi ra mắt số báo đầu tiên cho đến nay. Và hiện nay, trên thị trường báo chí tỉnh nhà, tràn ngập các đầu báo, Báo Tây Ninh vẫn giữ được thị phần cao nhất với số lượng phát hành trên địa bàn tỉnh gần 8.000 bản mỗi kỳ. Điều này thể hiện sự tín nhiệm, lòng yêu mến của người đọc với tờ báo xuất bản tại tỉnh nhà, chuyển tải những thông tin cập nhật sâu sát với mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh.

CUỘC HỘI THẢO LỊCH SỬ:

Tờ báo đã hiện diện khá lâu, hơn nửa thế kỷ, việc sưu tầm, biên soạn lịch sử báo chí không thể không đặt ra, để duy trì và tiếp nối truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng tại địa phương. Ngày 19.1.2001, nhằm ngày 25 tháng Chạp năm Canh Thìn, lần đầu tiên Báo Tây Ninh tổ chức một cuộc hội thảo về truyền thống lịch sử của tờ báo Đảng bộ tỉnh. Cuộc họp mặt khá đầy đủ các thế hệ làm báo, cộng tác với báo, lãnh đạo báo chí từ khi tỉnh Tây Ninh xuất bản ấn phẩm báo chí đầu tiên cho đến nay. Đó là các vị cán bộ lãnh đạo tỉnh trong hai thời kỳ thời chống Pháp, chống Mỹ như các ông Nguyễn Văn Hải (Bảy Hải, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ), Phan Minh Chọn (Phan Văn, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh), Võ Trí Dũng (nguyên Giám đốc Sở VH-TT), Nguyễn Tấn (Năm Choàng, nguyên Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn tỉnh, nguyên Giám đốc nhà in Hoàng Lê Kha), Đào Văn Thanh (Xuân Phát, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT), Nguyễn Song Nam (Chín Nam, nguyên Giám đốc Trường Đảng tỉnh), Trần Văn Hoàng (Mười Hoàng, nguyên Bí thư huyện uỷ Hoà Thành, nguyên Giám đốc nhà in Hoàng Lê Kha) Nguyễn Tần (Tư Tần, nguyên Phó ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ), Hồ Văn Đông (Chín Đông, nguyên Phó ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ, nguyên Giám đốc Đài PTTH tỉnh), Đặng Hoàng Hoạnh (Tư Hoạnh, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT); các nhà báo lão thành Quách Tỷ, Xuân Sắc, nhà báo Phương Hùng (phụ trách tờ Nước Vinh Đạo Sáng, phụ bản báo Tây Ninh thời chống Mỹ), cùng đông đảo biên tập viên, phóng viên Báo, Đài, hội viên Hội NBVN tỉnh. Chủ trì hội nghị là nhà báo Nguyễn Đức Tâm, Chủ tịch Hội nhà báo tỉnh, lúc bấy giờ là Tổng Biên tập báo Tây Ninh.

Sở dĩ trong bài phát biểu này phải nêu đầy đủ những người có mặt, là vì cuộc hội thào ấy có tính khoa học về lịch sử, mà những người tham gia hội thảọ là những nhân chứng, là những người trong cuộc. Và cho đến ngày nay đã có những người quá cố, những người còn sống thì cũng tuổi cao sức yếu. Một điều rất quan trọng, mà các nhân chứng lịch sử khẳng định trong cuộc hội thảo là “Báo Tây Ninh ra đời vào tháng 10 năm 1946”, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mới nổ vừa được một năm.

RA ĐỜI TRONG BÃO TÁP…

Theo lời ông Nguyễn Văn Hải, thì người đầu tiên chủ trương xuất bản tờ báo kháng chiến của tỉnh Tây Ninh là ông Huỳnh Văn Thanh, người thay mặt Xứ uỷ Nam bộ trực tiếp lãnh đạo cuộc Cách mạng tháng Tám - 1945 tại Tây Ninh. Thông tin này có căn cứ xác đáng vì các tài liệu lịch sử của đảng bộ tỉnh cũng ghi rõ, trước khi lên Tây Ninh ông Huỳnh Văn Thanh nguyên là một ký giả ở Sài Gòn, từng tham gia khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940. Là một nhà báo làm cách mạng, hẳn ông Huỳnh Văn Thanh ý thức rất rõ vai trò, tác dụng, sự cần thiết của báo chí đối với cuộc đấu tranh cách mạng như thế nào. Cách mạng tháng Tám thành công ở Tây Ninh, ông Huỳnh Văn Thanh là Chủ tịch Uỷ ban hành chính đầu tiên của tỉnh. Nhiệm vụ thực hiện việc xuất bản báo được giao cho Ban tuyên truyền tỉnh, do ông Lê Đình Nhơn làm trưởng ban, Lãnh đạo Ban tuyên truyền còn có luật sư Dương Minh Châu (về sau là Chủ tịch Uỷ ban Hành chính Kháng chiến của tỉnh) từ thành phố Phnom Pênh (Campuchia) về Tây Ninh tham gia kháng chiến. Các nhà lãnh đạo kháng chiến nhận thức rằng bên cạnh hoạt động vũ trang đánh địch, chống càn quét, cần phải đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phục vụ kháng chiến, mà muốn cho hoạt động này đạt hiệu quả cao cần thiết phải có tờ báo. Lúc đầu Ban Tuyên truyền tổ chức thực hiện tờ Tin Tức, dạng bản tin nội bộ, in thô sơ bằng cách in đất sét, số đầu tiên phát hành vào tháng 10 năm 1946. Nội dung chủ yếu của Tờ Tin Tức là phổ biến tin tức chiến sự, đường lối kháng chiến, kêu gọi dân chúng ủng hộ kháng chiến và thực hiện khẩu hiệu “vườn không nhà trống” để tỏ thái độ bất hợp tác với thực dân Pháp.

Tờ Tin Tức ra mỗi tháng một số, in khoảng 50 tờ, sau khi ra được 3 số thì nâng lên thành tờ báo, lấy tên là “Báo Dân Quyền”. Báo không chỉ phát hành trong vùng kháng chiến, mà còn được tổ chức đưa ra các vùng giặc Pháp tạm chiếm. Luật sư Dương Minh Châu, giao cho một người cháu của ông ở thị xã Tây Ninh là bà Việt Nữ, cơ sở hậu cần tiếp tế của Ban Tuyên truyền, tìm cách móc nối với ông Phan Minh Chọn (tức Phan Văn) là cơ sở cách mạng đang làm việc trong xưởng in Sở Trường Tiền của Pháp tại Tây Ninh. Hai tờ Dân Quyền số 1 và 2 in bằng đất sét được chuyển đến cho ông Phan Văn. Ông đem báo về Sở Trường Tiền in lại bằng sương sa và bí mật phổ biến trong hàng ngũ Nam Thanh đoàn, một tổ chức tiến bộ của tầng lớp trí thức, công chức, học sinh, tiểu tư sản thành thị.

Những cây bút đầu tiên tham gia viết báo Dân Quyền là: Huỳnh Văn Thanh, Lê Đình Nhơn, Dương Minh Châu, Trương Văn Uyển, Lê Sơn Đảnh, Phan Văn, Võ Trí Dũng, Quách Tỷ…Phụ trách trình bày, ấn loát là các ông Nguyễn Văn Thệ, Hoàng Hiệp, Nguyễn Văn Choàng (tức Nguyễn Tấn, Năm Choàng). Tờ Tin Tức mỗi kỳ xuất bản được khoảng 40 bản, tờ Dân Quyền đầu tiên tăng lên được 100 bản, về sau theo sự phát triển lớn mạnh của kháng chiến, nhà in của Ban tuyên truyền trang bị được công nghệ in chữ chì (typo), tờ Dân Quyền được in đến hàng ngàn bản.

Phát biểu tại cuộc hội thảo, ông Phan Văn còn nhớ rất rõ, nội dung báo Dân Quyền số đầu tiên có bài xã luận giải thích “Dân Quyền là gì” và nêu rõ mục đích tôn chỉ của tờ báo; có bài viết đề cao thành tích của “Bộ đội Tư Đẩu” đánh thắng trận đầu khi giặc Pháp trở lại xâm chiếm Tây Ninh; có các tin bài tuyên truyền vận động thanh niên xung phong vào bộ đội tham gia kháng chiến. Tờ Dân Quyền số 2 đề cao hoạt động “Hội thề quyết tử giữ quê hương” của thanh niên Rừng Rong (An Tịnh- Trảng Bàng), kêu gọi thanh niên toàn tỉnh học tập, làm theo gương thanh niên Rừng Rong; đề cao chiến công của lực lượng vũ trang Tây Ninh, thành tích chiến đấu của “Bộ đội Năm Bằng”…Tờ Dân Quyền số 3 được phát hành sau khi đoàn đại biểu Dân Chính Đảng của tỉnh vào Toà thánh hội đàm với số chức sắc trong tôn giáo Cao Đài bàn việc hợp tác đánh Tây. Luật sư Dương Minh Châu nhìn thấy khẩu hiệu của họ treo trước Đền thánh: “Lấy súng Tây, đánh Tây”, khi trở về chiến khu, ông viết bài vạch trần âm mưu thủ đoạn của các phần tử phản động, lập lờ giả danh kháng chiến để lừa mị đồng bào, giúp đồng bào có đạo nhận ra sự bịp bợm, không nghe theo họ. Được tổ chức phát hành tới các khu vực tập trung dân cư trong vùng Pháp tạm chiếm, tờ báo Dân Quyền tạo ra được hiệu quả xã hội, có tác dụng rất lớn. Lần đầu tiên được nhìn thấy, được đọc, được nghe đọc báo cách mạng, nhân dân Tây Ninh rất phấn khởi, tin tưởng kháng chiến nhất định thắng lợi.

Cuối năm 1947, sau gần hai năm tiến hành kháng chiến, lực lượng cách mạng ngày càng phát triển lớn mạnh. Lúc này Sở Thông tin tuyên truyền Nam bộ chỉ đạo Ban Tuyên truyền tỉnh thành lập Ty Thông tin - Tuyên truyền Tây Ninh. Ban Tuyên truyền trước đây trực thuộc Tỉnh uỷ, nay Ty Thông tin - Tuyên truyền thuộc chính quyền tỉnh, do ông Lê Đình Nhơn làm Trưởng ty. Ty thành lập Phòng Thông tin - Tuyền truyền - Văn nghệ do ông Trần Vạn An (nhà văn Vân An) vừa phụ trách Phòng vừa làm Trưởng ban biên tập báo, ông Võ Sáng là Phó ban, các cán bộ trong ban có ông Hồng Minh Lý (anh ruột của ông Hồng Minh Phương) và ông Phan Văn (phụ trách điêu khắc, hội hoạ và trình bày báo).

Khi có bộ phận chuyên trách, hoạt động báo chí phát triển mạnh mẽ hơn, số lượng phát hành Báo Dân Quyền tăng lên từ 1000tờ/kỳ, lên 2.000 tờ/kỳ, đặc biệt có kỳ báo Xuân in tới 5.000 tờ. Báo in xong được đóng gói chuyển xuống cơ sở. Bạn đọc ở cơ sở đọc báo rồi viết thư góp ý, hoặc gởi bài cộng tác. Ông Phan Văn khẳng định, trong giai đoạn này có lúc tờ báo mang tên “Báo Tây Ninh”. Báo phát hành liên tục cho đến khi sáp nhập hai tỉnh Gia Định và Tây Ninh thành tỉnh Gia Định Ninh (1951). Sau khi sáp nhập tỉnh, bộ phận báo chí chuyên trách được chuyển về trên, và tờ báo được chuyển thành dạng tờ tin, qui mô thu hẹp, bài vở không được phong phú như trước. Từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1951, Báo Dân Quyền, tiền thân của Báo Tây Ninh ra được 60 số; Từ năm 1951 đến 1954, tờ tin phát hành trên 200 số. Lực lượng viết báo chuyên trách khoảng 10 người.

Bộ phận chuyên trách làm báo tuy rất ít, nhưng đã đóng góp nhiều công sức góp phần tạo khí thế trong vùng kháng chiến sinh động, vui tươi, phấn khởi hơn. Sự xuất hiện của tờ báo kháng chiến có tác động rất lớn trong việc phát động phong trào cách mạng trên toàn tỉnh, nhân dân rất phấn khởi, tin tưởng vào sự lớn mạnh của kháng chiến, tin vào thắng lợi tất yếu của cách mạng, từ đó hăng hái tham gia, không ngại hy sinh gian khổ, góp phần đẩy mạnh cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi.

VỮNG VÀNG ĐI QUA CHIẾN TRANH

Sau Hiệp định Genève (7.1954), phần lớn lực lượng kháng chiến tập kết ra Bắc, số cán bộ cốt cán còn lại tạm thời lui vào hoạt động bí mật, Xứ uỷ chỉ định các ông Nguyễn Trọng Cát (Ba Cát), Võ Văn Truyện (Tám Hoà) làm Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh uỷ lâm thời. Ông Võ Văn Truyện rút hai ông Phan Văn và Năm Choàng về căn cứ Tỉnh uỷ chuẩn bị cho ra tờ tin của tỉnh. Giai đoạn này, địch tăng cường khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng rất ráo riết, bộ phận nhà in thời trước phải sơ tán chôn dấu máy móc, chữ chì ở các căn cứ cũ ven sông Sài Gòn và vùng rừng Trà Vong. Bộ phận báo chí tuyên truyền lúc này chỉ có hai người, nên tờ tin đầu tiên phải in bột, sau đó nhờ cơ sở mua giúp giấy sáp (stencil), giấy in về in ronéo, mỗi kỳ in được khoảng 100 tờ.

Không khí ngột ngạt bao trùm cả miền Nam trong những năm đen tối dưới sự thống trị của chính quyền Ngô Đình Diệm, tay sai đế quốc Mỹ, nhân dân rất hoang mang, nhưng khi nhận được tờ tin thì dân chúng rất phấn khởi tình thần, vì biết rằng “Đảng mình còn, cách mạng còn” ở lại miền Nam để lãnh đạo nhân dân đấu tranh. Trong “đêm trường trung cổ”, Tỉnh uỷ Tây Ninh vẫn kiên cường lãnh đạo nhân dân đấu tranh chính trị, đòi thi hành Hiệp định Genève, hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Tờ tin, tiếng nói của Đảng bộ tỉnh tiếp tục ra đời. Ông Năm Choàng kể lại, để tái lập nhà in hai ông Tư Văn và Năm Choàng đã phải hai lần cải trang, dũng cảm đột nhập vào tận Sài Gòn – Chợ Lớn, mua thêm thiết bị, chữ chì, đưa vào căn cứ ở xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng. Có nhà in, tài liệu, truyền đơn của cách mạng lại được tung ra tận các vùng tạm chiếm, gây men, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Cách mạng, đến khi ngọn lửa Đồng Khởi bùng lên, báo chí cách mạng ở Tây Ninh lại xuất hiện tiếp tục đồng hành cùng nhân dân, cán bộ chiến sĩ của tỉnh đi suốt cuộc trường chinh đánh Mỹ.

Ngày 20-12-1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam được thành lập, ra mắt quốc dân đồng bào tại chiến khu Dương Minh Châu trên đất Tây Ninh. Chào mừng sự kiện này Tỉnh uỷ Tây Ninh quyết định cho ra đời số đặc biệt của tờ báo Giải Phóng. Nhà báo Nguyễn Đức Tâm còn nhớ, số báo này được chăm chút từ nội dung đến hình thức, bìa báo được in nhiều màu với hình tượng các tầng lớp nhân dân miền Nam vùng lên phất cao ngọn cờ Mặt trận xanh đỏ sao vàng, số lượng in đến 5.000 tờ. Báo Giải Phóng của tỉnh Tây Ninh xuất bản tại căn cứ Tỉnh uỷ ở Bời Lời  thuộc huyện Trảng Bàng, ven sông Sài Gòn, chỉ cách thủ đô của chính quyền Ngô Đình Diệm chừng 30 Km đường chim bay. Báo đưa tin Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, đăng chính sách, lời kêu gọi của Mặt Trận, danh sách các nhân sĩ trí thức yêu nước, đại biểu mọi thành phần xã hội, tôn giáo, dân tộc ở miền Nam tham gia trong Uỷ ban Mặt trận, báo còn đưa tin khởi nghĩa, chiến thắng ở các địa phương… Sự ra đời của tờ báo kháng chiến với kỹ thuật in hiện đại không kém báo chí ở Sài Gòn, làm nức lòng nhân dân trong và ngoài tỉnh Tây Ninh, khiến cho Mỹ Ngụy rất lo lắng sợ hãi, chúng cố tìm mọi cách để phát hiện nơi ấn loát, xuất bản của “tờ báo Việt cộng” để tiêu diệt, nhưng từ đó cho đến khi cách mạng hoàn toàn chiến thắng, mùa xuân 1975, chúng vẫn không phát hiện, tiêu diệt được, và tờ báo vẫn xuất bản liên tục suốt 15 năm kháng chiến chống Mỹ.

Trong giai đoạn đánh Mỹ quyết liệt, hoạt động báo chí ở Tây Ninh được cấp trên đánh giá cao. Tại Hội nghị thông tấn báo chí các tỉnh miền Đông, tháng 2 năm 1967, Tiểu ban tuyên truyền báo chí của Tây Ninh được Uỷ ban Mặt trận DTGP miền Đông Nam Bộ tặng Bằng khen với lời khen như sau: “Ở một chiến trường gay go, đã nỗ lực vượt bậc ra tin tức, báo chí tương đối đều, số lượng nhiều so với các tỉnh. Ra tờ báo đô thị “Cờ giải phóng” và “Bản tin diệt Mỹ” sớm hơn các tỉnh thành, trình bày tờ báo, bản tin tương đối đẹp” Bằng khen đề ngày 2-1-1967 (tư liệu do ông Quách Tỷ cung cấp). Đặc biệt, khi các vị chức sắc yêu nước trong đạo Cao Đài hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận thoát ly ra chiến khu, thành lập Ban Củng cố Hoà bình chung sống đạo Cao Đài, Tỉnh uỷ đã chỉ đạo Ban tuyên huấn hỗ trợ Ban củng cố HBCS ra tờ báo làm phương tiện vận động quần chúng vùng đạo. Đó là Tờ Nước Vinh Đạo Sáng, một phụ bản đặc biệt của Báo Giải Phóng.

Những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, toà soạn báo Giải Phóng của tỉnh Tây Ninh đóng căn cứ ven núi Bà Đen, cán bộ, phóng viên có điều kiện thuận lợi để tiếp cận, thâm nhập các địa phương trong tỉnh, nhất là các vùng địch chiếm đóng; thu thập nhiều tư liệu quý báu về cuộc sống, chiến đấu của quân dân Tây Ninh, làm giàu cho nội dung tờ báo. Lúc này bầu trời, mặt đất đều thuộc về ta, toà soạn báo, nhà in hoạt động gần như công khai, báo xuất bản đều đặn, nội dung, hình thức khá phong phú sinh động. Báo in ra được đưa về tới các vùng tạm chiếm của địch, góp phần tích cực trong việc vận động các tầng lớp nhân dân hướng về cách mạng, tích cực tham gia vào lực lượng cách mạng trong giai đoạn nhảy vọt, tiến đến đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng trận sau cùng.

TỰ HÀO TRUYỀN THỐNG, HƯỚNG ĐẾN TƯƠNG LAI

Đại thắng mùa Xuân 1975 đem lại độc lập tự do cho Tổ quốc, giải phóng dân tộc thoát khỏi ách xâm lược, Báo Giải Phóng của Tỉnh uỷ Tây Ninh chính thức được mang tên quê hương mình, từ đó Báo Tây Ninh được in ấn, phát hành công khai, rộng rãi trong tỉnh. Là tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Tây Ninh, từ ngày giải phóng đến nay Báo đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chuyển tải chủ trương đường lối của Đảng, phương hướng kế hoạch kinh tế xã hội của tỉnh đến nhân dân Tây Ninh, và làm cầu nối giữa nhân dân với Đảng, với Chính quyền cách mạng trong điều kiện hoà bình, tự do, độc lập.

66 năm hoạt động liên tục, Báo chí cách mạng ở Tây Ninh với bề dày truyền thống đáng tự hào từ thời kháng chiến, đã không ngừng phát triển trong xây dựng và bảo vệ đất nước, quê hương cho đến ngày nay. Trong chiến tranh, người làm báo ở Tây Ninh là người chiến sĩ xung kích trên trận tuyến đấu tranh chính trị và chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Trong hòa bình, người làm báo Tây Ninh vẫn giữ vững phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, vẫn là người chiến sĩ xung kích trên mặt trận đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, góp phần xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Hiện nay, trong bối cảnh thế giới bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên thông tin, Báo Tây Ninh luôn hết sức cố gắng tự nâng cao mọi mặt, nắm bắt công nghệ tiên tiến của thời đại để ứng dụng trong hoạt động nghề nghiệp; giữ vững tôn chỉ, mục đích, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo, xứng đáng là cơ quan truyền thông đại chúng chính thống của tỉnh.

Nguồn Báo Tây Ninh