Giao ban Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, Đề án đã triển khai một cách tổng thể và thu được những kinh nghiệm ban đầu rất quý giá, bộ máy vận hành khá ổn định ở quy mô quốc gia.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Chiều 21/9, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì giao ban Ban chỉ đạo quốc gia thực hiện Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020.

Bồi dưỡng đạt chuẩn cho hàng nghìn giáo viên tiếng Anh

Sau 5 năm triển khai, đến nay Ban chỉ đạo đã tiến hành nhiều hoạt động quan trọng đặt nền tảng vững chắc cho sự thành công các hoạt động tiếp theo của đề án và triển khai các hoạt động cụ thể như: biên soạn và triển khai chương trình, sách giáo khoa mới tương thích với khung chuẩn châu Âu áp dụng cho đối tượng người lớn; xây dựng và ban hành khung chương trình tiếng Anh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông thống nhất tương thích với các bậc trình độ ngoại ngữ quốc tế thông dụng…

Công tác đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, giáo viên được chú trọng. Năm 2011, số giáo viên tiếng Anh tiểu học do các sở giáo dục và đào tạo cử đi bồi dưỡng theo kế hoạch của đề án là 2.100 người. Năm 2012, đề án đang thực hiện bồi dưỡng đạt chuẩn cho gần 3.600 giáo viên tiếng Anh tiểu học, 1.760 giáo viên tiếng Anh trung học cơ sở và 300 giáo viên tiếng Anh trung cấp chuyên nghiệp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo chặt chẽ việc triển khai dạy các chương trình thí điểm cho tiếng Anh lớp 3 và lớp 4 tại 20 tỉnh, TP trong cả nước.

Theo nhận định của Ban chỉ đạo đây là một đề án lớn, kéo dài trong nhiều năm, liên quan đến nhiều địa phương, bộ, ngành, đến gần 80.000 giáo viên và hơn 20 triệu học sinh, sinh viên hưởng thụ các kết quả và tác động của đề án trong 10 năm. Khác với các đề án, dự án khác, đề án ngoại ngữ quốc gia áp dụng chuẩn đánh giá kết quả đầu ra cho giáo viên và học sinh, sinh viên theo khung chuẩn năng lực ngoại ngữ châu Âu.

Việc triển khai đề án nhằm chấm dứt tình trạng trong nhiều năm việc thi, kiểm tra đánh giá trình độ ngoại ngữ mỗi nơi làm một kiểu, không có cơ chế kiểm tra, giám sát chất lượng, nơi nào cũng được phép ra đề thi, chấm thi…

Trong các giải pháp thực hiện sắp tới, Ban chỉ đạo kiến nghị Chính phủ cho xây dựng cơ chế tăng cường phối hợp với bộ, ngành, kiểm tra, giám sát tiến độ và hiệu quả đề án cũng như trách nhiệm tham gia, báo cáo của các bộ, ngành và cơ sở giáo dục; cho phép bổ sung vào đề án nội dung thành lập các trung tâm đánh giá trình độ năng lực ngoại ngữ của Việt Nam và ngân hàng câu hỏi thi quốc gia, ban hành dạng thức đề thi để đánh giá trình độ năng lực ngoại ngữ áp dụng chung cho cả nước, làm cơ sở để hội nhập năng lực ngôn ngữ với quốc tế.

Cho phép hợp tác với các doanh nghiệp trong việc số hóa sách giáo khoa, phát triển các phần mềm dạy và học tiếng Anh như: phần mềm học tiếng Anh theo chương trình sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học tiếng Anh tăng cường, các phần mềm luyện thi tiếng Anh, học ngữ pháp, phát âm tiếng Anh…

Khuyến khích sử dụng thiết bị giảng dạy có sẵn

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đề án đã triển khai một cách tổng thể và thu được những kinh nghiệm ban đầu rất quý giá, bộ máy vận hành khá ổn định ở quy mô quốc gia.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đề án nhằm đạt mục tiêu đến năm 2015 đạt được một bước tiến rõ rệt về trình độ năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực, nhất là đối với một số lĩnh vực ưu tiên; phấn đấu đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa, biến ngoại ngữ thành thế mạnh của người dân Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay đề án vẫn còn một số hạn chế như tiến độ thực hiện đề án chậm, sự phối hợp với các Bộ ngành, địa phương chưa tốt… Phó Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có phương thức hỗ trợ 23 tỉnh chưa triển khai đề án này đề việc thực hiện được đồng bộ trên cả nước.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ LĐ-TB-XH để cụ thể hóa nội dung dạy ngoại ngữ trong hệ thống dạy nghề toàn quốc; sớm báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ Đề án giai đoạn 2013-2015 thực hiện đào tạo bồi dưỡng cho hệ thống giáo viên ngoại ngữ khối giáo dục phổ thông; hoàn thiện và nâng cao chất lượng của giáo trình; chậm nhất đến ngày 20/11 phải công bố cụ thể lộ trình dạy và học ngoại ngữ…

Đối với khối đại học, cao đẳng từ năm 2013 phải có quy định bắt buộc đối với sinh viên đại học ngoại ngữ khi tốt nghiệp phải đạt chuẩn ngoại ngữ.

Về thiết bị giáo dục, Phó Thủ tướng đề nghị cần khuyến khích thiết bị giảng dạy có sẵn và tương thích với chương trình, đồng thời cung cấp các chương trình, phần mềm để học sinh, sinh viên có môi trường tự học, tự nâng cao trình độ và sử dụng ngoại ngữ.

Nguồn www.chinhphu.vn