Cần quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức để xảy ra lãng phí

Sáng 19-9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2012 và việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII.

Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày nêu rõ, Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ về tình hình, kết quả thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2012 và cho rằng, trong năm 2012, tình hình THTK, CLP có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, phần lớn dung lượng của bản Báo cáo được dành để phân tích 4 mặt tồn tại cơ bản trong công tác này, thể hiện qua các lĩnh vực: quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước; đầu tư công; quản lý, sử dụng đất đai; tình trạng sử dụng vốn và tài sản tại các doanh nghiệp nhà nước. Báo cáo của Chính phủ chưa làm nổi bật được những mặt tích cực cũng như những tồn tại, hạn chế và những nguyên nhân trong từng lĩnh vực, trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và giải pháp khắc phục.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển, công tác quản lý thu ngân sách nhà nước vừa qua còn hạn chế, vấn đề nổi lên là tình trạng trốn lậu, nợ đọng thuế còn lớn và tiếp tục gia tăng. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng tình hình khó khăn chung cố tình chây ỳ không nộp đầy đủ tiền thuế vào ngân sách nhà nước. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, số nợ đọng tiền thuế đến cuối tháng 7-2012 tăng 939 tỷ đồng so với năm 2011.

Trong khi đó, việc chi ngân sách nhà nước còn biểu hiện chấp hành kỷ luật tài chính không nghiêm, sai phạm vẫn còn nhiều. Việc phân bổ, giao dự toán ngân sách nhà nước, nhất là Chương trình mục tiêu Quốc gia, Chương trình trái phiếu Chính phủ rất chậm so với quy định và so với năm 2011 ở các cấp ngân sách. Tổng số vốn trái phiếu Chính phủ bố trí của 5 năm chỉ đáp ứng được khoảng dưới 36% số công trình, dự án đã và đang dở dang. Nhu cầu vốn để hoàn thành 20.921 dự án đang triển khai theo tổng mức đầu tư là 512.230 tỷ đồng. Ngoài ra còn 7.335 dự án đã có quyết định đầu tư, với tổng mức đầu tư là 273.469 tỷ đồng nhưng hết năm 2011 chưa được bố trí vốn…

Đáng lưu ý, lãng phí, thất thoát trong đầu tư công năm 2012 vẫn là vấn đề nổi lên được dư luận xã hội quan tâm. Cụ thể, lãng phí lớn do chất lượng xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội một số ngành, vùng còn hạn chế, nhiều công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước gây lãng phí phần lớn do quy hoạch thiếu tính chiến lược (nhu cầu đến đâu phát triển đến đó); chưa đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội với quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất...

Bên cạnh đó, tình trạng phê duyệt, quyết định nhiều dự án đầu tư không tính đến khả năng cân đối về nguồn vốn dẫn đến tình trạng đầu tư bị phân tán, dàn trải, nhiều dự án, công trình thi công kéo dài, gây lãng phí nguồn lực. Cùng với đó là do thực hiện tái cơ cấu đầu tư công theo hướng cắt giảm nên nhiều dự án, công trình phải giãn, hoãn, ngừng thi công do quyết định đầu tư dàn trải trong những năm trước cũng gây nên tình trạng công trình dở dang nhiều, nợ khối lượng xây dựng cơ bản cao và lãng phí lớn.

Đặc biệt, lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai còn lãng phí, nhiều hạn chế, bất cập chưa được xử lý kịp thời làm phát sinh những vấn đề phức tạp trong xã hội. Cụ thể, trong 2 năm 2011, 2012 đã thu hồi đất của 792 tổ chức với diện tích 12.550,4 ha; đang lập hồ sơ thu hồi đất của 163 tổ chức với diện tích 1.502 ha; chưa xử lý 3.738 tổ chức với diện tích 60.073 ha. Riêng 6 tháng đầu năm 2012, hệ thống thanh tra nhà nước đã phát hiện và kiến nghị xử lý thu hồi 1.610 ha đất do quản lý, sử dụng không đúng quy định.

Về sử dụng vốn và tài sản tại các doanh nghiệp nhà nước, cơ quan thẩm tra cũng lưu ý hiệu quả kinh doanh của khối doanh nghiệp nhà nước thấp, chưa tương xứng với lợi thế của loại hình doanh nghiệp này, chưa đảm bảo vị trí, vai trò trong nền kinh tế. Nhiều tập đoàn, tổng công ty sản xuất kinh doanh thua lỗ (như Tập đoàn Xăng dầu, Tập đoàn Điện lực, Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam...).

Từ những phân tích trên, Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đề xuất với Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung Luật THTK, CLP, trong đó, cần quy định rõ những nội dung về THTK, CLP, trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức để xảy ra lãng phí và có chế tài xử lý cụ thể, phù hợp, vừa mang tính răn đe, vừa mang tính giáo dục, thuyết phục. Đồng thời, cần rà soát về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước, xác định rõ thẩm quyền, hạn chế tối đa những lỗ hổng trong thực thi pháp luật, nhằm nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, tạo sự thống nhất.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng: Lãng phí, thất thoát trong đầu tư công vẫn là vấn đề nổi lên trong năm 2012 được dư luận xã hội quan tâm và đây là mảnh đất màu mỡ đối với các hành vi tham nhũng. Ông Hiển truy vấn, báo cáo Chính phủ kiến nghị thu hồi hơn 3.500 tỷ thất thoát chiếm bao nhiêu % trong tỷ lệ lãng phí của nhà nước, việc thu hồi sẽ được triển khai thực hiện ra sao? Trong 20 vụ vi phạm gây lãng phí đã được phanh phui thì xử lý được bao nhiêu đối tượng và xử lý thế nào?

Còn Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nêu quan điểm, vấn đề lãng phí trong hoạt động quản lý tài chính ngân sách của nhà nước, đặc biệt là việc nợ xấu ngân hàng thì giải quyết thế nào? Để thực hiện Luật THTK,CLP thì việc cải cách hành chính có giảm được lãng phí hay không chưa được báo cáo đề cập đến. Vấn đề lãng phí cũng có nguyên nhân lớn trong việc xây dựng các công trình kéo dài.

Đồng quan điểm trên, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, việc đấu thầu các công trình trong xây dựng cơ bản vẫn chỉ là hình thức, thủ tục rườm rà, khi khởi công, động thổ thì tổ chức rùm beng gây lãng phí.

Cũng trong phiên họp sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét Tờ trình của Văn phòng Quốc hội về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XIII. Sau khi tiếp thu ý kiến góp ý tại phiên họp này, Văn phòng Quốc hội tiếp tục hoàn thiện Tờ trình, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần cuối tại phiên họp thứ 12 (tháng 10/2012).

Tại kỳ họp thứ 4, ngoài những nội dung như thông lệ (phiên khai mạc, bế mạc, kinh tế-xã hội, giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn), dự kiến có thêm nhiều nội dung được truyền hình, phát thanh trực tiếp để nhân dân tiện theo dõi. Đó là các phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân. Theo dự kiến, kỳ họp thứ 4 của Quốc hội sẽ diễn ra từ ngày 22/10-23/11./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam