Cần quy định cụ thể hơn về giá đất

Sáng 17/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Luật đất đai (sửa đổi). Một nội dung được các đại biểu và người dân đặc biệt quan tâm trong Dự thảo lần này là giá đất.

Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) có 14 chương, 190 điều, so với Luật hiện hành thì có 21 điều giữ nguyên, 101 điều sửa đổi, bổ sung, 68 điều bổ sung mới, quy định về quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Theo tờ trình của Chính phủ, Dự thảo quy định nguyên tắc định giá đất do Nhà nước quyết định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường để thuận lợi hơn cho việc triển khai công tác định giá đất (Điều 96).

Cũng theo Dự thảo, Chính phủ quy định khung giá các loại đất, khi giá đất trên thị trường có biến động lớn thì điều chỉnh cho phù hợp. Căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất, khung giá các loại đất và giá đất chuẩn của vùng giá trị đất thuộc khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng bảng giá đất tại địa phương; khi giá đất trên thị trường có sự thay đổi lớn thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp; trường hợp chưa kịp điều chỉnh thì Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể để áp dụng. Bỏ quy định bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành và công bố vào ngày 01 tháng 01 hằng năm. Giá đất trong Bảng giá đất được sử dụng để làm căn cứ tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; tính tiền thuê đất khi Nhà nước cho thuê đất; tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; tính các khoản thuế liên quan đến đất đai; tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai; tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (Điều 97).

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định về định giá đất tại khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo hướng giao cơ quan có trách nhiệm xây dựng khung giá đất căn cứ vào nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất để xác định phạm vi, giá đất chuẩn của từng vùng giá đất thuộc khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để làm cơ sở cho các địa phương ban hành giá đất nhằm khắc phục bất cập về chênh lệch giá đất tại khu vực giáp ranh hiện nay (Điều 98).

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, về nguyên tắc xác định giá đất, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định: “Giá đất do Nhà nước xác định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước” vì việc xác định giá đất “sát với giá thị trường” như hiện nay là rất khó do thị trường luôn biến động. Mặt khác, ở nước ta còn có những vùng, những loại đất chưa có thị trường.

Về Nhà nước định giá đất, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành quy định của dự thảo Luật về Nhà nước định giá đất với việc có khung giá của Chính phủ cho từng loại đất phù hợp với từng vùng. Trên cơ sở khung giá của Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành bảng giá của địa phương. Khung giá đất, bảng giá đất ổn định, chỉ điều chỉnh khi giá đất trên thị trường có thay đổi lớn.

Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị quy định rõ giá đất thị trường có thay đổi lớn là bao nhiêu phần trăm, lấy giá thị trường nào để so sánh ngay trong dự thảo Luật. Bảng giá đất ban hành lần đầu thì phải thông qua Hội đồng nhân dân cùng cấp nhưng khi cần thay đổi thì Ủy ban nhân dân chủ động, kịp thời điều chỉnh bảng giá và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất.

Về mục đích xác định giá đất, một số ý kiến cho rằng giá đất vừa phục vụ mục đích tĩnh (tính thuế) song lại dùng cho mục đích động (bồi thường) nên không phù hợp. Đề nghị giá đất do Nhà nước quy định sử dụng cho mục đích tính thuế và các mục đích mang tính ổn định như xác định tiền giao đất, tiền thuê đất v.v… còn đối với xác định giá đất phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất nên xác định giá đất cụ thể theo quy định của Luật giá với sự tham gia của các tổ chức định giá đất tại thời điểm thu hồi.

Cho ý kiến vào dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển phân tích, điểm nút của Luật đất đai cần phải tháo gỡ là giá đất, nhất là phải sát với thị trường. Tuy nhiên, tại dự thảo luật lần này lại đưa ra vấn đề giá đất phải phù hợp nhưng nguyên tắc thế nào là phù hợp thì vẫn chưa được làm rõ. Đồng thời, cần quy định rõ ràng quyền lợi của những đối tượng nộp tiền sử dụng đất, thuê đất 50 năm với những đối tượng nộp tiền thuê đất từng năm một. Ông Hiển cũng tỏ ra băn khoăn khi không có quy hoạch cấp xã mà chỉ có cấp huyện, tỉnh, Trung ương. Theo ông Hiển, nếu chỉ có quy hoạch cấp huyện mà không có cấp xã sẽ dẫn đến quy hoạch treo, sử dụng đất đai không hợp lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo tiến độ trình ra kỳ họp thứ 4 của Quốc hội và thông qua vào kỳ họp thứ 5. “Ban soạn thảo cần đặc biệt lưu ý đến các quy định về sở hữu, về quyền đại diện chủ sở hữu và quyền định đoạt của Nhà nước về đất đai, sự phân cấp quản lý của chính quyền địa phương sao cho phù hợp với nội dung Hiến pháp sẽ sửa đổi”, ông Phan Trung Lý nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, dự án Luật đất đai (sửa đổi) rất quan trọng đối với đời sống nhân dân và sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 tới đây. Hiện nay, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, còn 10 vấn đề của dự án luật (sửa đổi) còn có ý kiến khác nhau./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam