Thị trường vật liệu xây dựng: Giá giảm, sức mua yếu

(NTO) Vật liệu xây dựng là một trong những mặt hàng phục vụ nhu cầu xây dựng các công trình dân sinh, công cộng. Những tháng cuối năm, thị trường vật liệu xây dựng(VLXD) thường vào mùa làm ăn, nhưng vào thời điểm này, hầu như các cửa hàng kinh doanh VLXD trên địa bàn tỉnh đều trong tình trạng “ế ẩm”.

Trái với quy luật mọi năm, thị trường VLXD đang rơi vào tình trạng ế ẩm. Theo khảo sát, năm nay là năm làm ăn không có lãi của nhiều doanh nghiệp (DN) trong tỉnh, bởi từ đầu năm đến nay, sức mua giảm đã khiến lượng hàng tồn kho của nhiều đơn vị tăng lên, tác động tiêu cực tới hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là ở những ngành có năng lực sản xuất lớn như xi-măng, gạch nung.

Ảnh: Uyên Thu

Tuy nhiên, điểm mấu chốt và rào cản của các DN hiện nay là giá các vật tư nhiên liệu đầu vào chính đều tăng: điện tăng hơn 15%, vỏ bao tăng khoảng 25%... càng đẩy các doanh nghiệp vào cảnh khó. Theo Cục Thống kê tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh ta có 45 doanh nghiệp khai thác và sản xuất VLXD, 79 DN kinh doanh về VLXD. Từ đầu năm đến nay có 2 DN khai thác và sản xuất VLXD, 4 DN kinh doanh về VLXD giải thể.

Khảo sát tại một số cửa hàng VLXD trên đường Trần Phú, Thống Nhất, Ngô Gia Tự (Phan Rang – Tháp Chàm) cho thấy sức mua không đáng kể, nhất là ở nhóm hàng sắt, thép, xi-măng. Hiện giá bán nhiều mặt hàng giảm 3-5% so với thời điểm đầu năm 2012 như: sắt Ø12(Ý) giá 176.000 đồng/cây; sắt Ø14(Ý) giá 240.000/cây; xi-măng Kim Đỉnh PCB40 giá 1.530.000 đồng/tấn; xi-măng Hà Tiên PCB40 giá 1.650.000 đồng/tấn; đá chẻ lớn trắng 7.000 đồng/viên.

Ông Đỗ Ngọc Quang, Giám đốc DN Anh Quân, chuyên kinh doanh về sắt thép, sau khi đưa cho chúng tôi xem báo giá các loại vật liệu xây dựng, ông thổ lộ: “Năm nay dù giá “mềm” nhưng hàng tiêu thụ vẫn chậm. Sức mua ở thời điểm này giảm tới 40-50% so với cùng thời điểm năm ngoái, trong khi mọi chi phí vận tải, thuê nhân công, điện, nước,... đều tăng, rất khó khăn cho cả nhà sản xuất lẫn nhà phân phối.”

Trong tình trạng chung của thị trường xây dựng, các loại gạch hoa, thiết bị vệ sinh cũng trầm lắng, giá ổn định. Các loại gạch men của Granite, Ceramics, có giá từ 75.000 - 300.000đồng/m2 tùy chất liệu, kích thước; bộ thiết bị vệ sinh giá 1,7 triệu đồng đến hơn 4 triệu đồng/bộ với loại trung bình. Anh Phan Minh Dũng, Giám đốc Công ty TNHH TM và Xây dựng Minh Dũng cho biết: “Bắt đầu kinh doanh từ năm 2004, nhưng chưa năm nào rơi vào tình trạng “ế ẩm” như năm nay. Doanh thu từ đầu năm đến nay của công ty khoảng 10 tỷ đồng, chỉ đạt 40% so với năm ngoái. Hiện công ty khuyến khích lấy hàng với số lượng lớn sẽ được khuyến mãi hoặc chiết khấu 5-10% so với giá niêm yết.”

Có thể thấy, thị trường VLXD trầm lắng ở thời điểm hiện tại là tình trạng khó khăn chung của các DN sản xuất, kinh doanh trong tỉnh. Theo báo cáo của Sở Công Thương, trong tháng 8, một số sản phẩm về VLXD tiếp tục gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ như xi-măng giảm 24,75%, gạch nung giảm 7,85%.

Ông Vũ Hữu Tuân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Ninh Thuận chia sẻ: Thị trường VLXD thời gian qua tiêu thụ khó khăn làm ảnh hưởng đến nhiều DN trong tỉnh. Công ty chúng tôi đã phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp để tránh lượng hàng tồn. Tính đến nay, riêng nhà máy sản xuất gạch Tuynen đã giảm 25% công suất và dừng một dây chuyền tại Nhà máy gạch Tuynen Du Long. Chúng tôi có một chính sách về giá cả, chiết khấu hợp lý cho các đại lý và các khách hàng để đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng hóa.Việc sức mua giảm đã khiến hàng tồn kho của nhiều đơn vị tăng lên, tác động tiêu cực tới hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là những ngành có năng lực sản xuất lớn như xi-măng, gạch ốp lát, sắt thép… Khó khăn lớn nhất là luồng tiền thu về không đáp ứng được nhu cầu phát triển doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khó khăn khác là không có nguồn cầu nên sản phẩm bị tồn kho cho dù đã giảm giá sản phẩm. Để tháo gỡ cho các DN trước khó khăn hiện nay, theo ông Vũ Hữu Tuân , bên cạnh việc hạ lãi suất, thì cần khoanh nợ, giãn nợ cho các DN và phải có chính sách kích cầu mới giải quyết tận gốc vấn đề tồn kho vật liệu xây dựng. Trong đó, chủ trương xây dựng cơ sở hạ tầng bằng bê-tông xi-măng của Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải cần sớm được triển khai. Về phía các DN, phải cơ cấu lại sản xuất, liên kết với nhau, tạo dựng những thương hiệu mạnh, chuyển hướng đầu tư sản xuất các chủng loại. Cần quyết liệt giảm chi phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó giúp hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.Thực hiện Nghị quyết 13 của Chính phủ, tỉnh ta đã có nhiều giải pháp hỗ trợ khó khăn cho DN, trong đó có DN khai thác, sản xuất, kinh doanh VLXD để duy trì sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy thị trường. Theo dự báo, thị trường VLXD tỉnh ta vẫn chưa thể cải thiện trong thời gian ngắn hạn khi tình hình kinh tế còn khó khăn... vì vậy đòi hỏi các DN sản xuất, kinh doanh VLXD phải nỗ lực hơn nữa để vượt qua thời điểm khó khăn này.