Gắn quyền tự chủ tài chính với trách nhiệm người đứng đầu trong khoán chi khoa học-công nghệ

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đồng tình với đề xuất của Chính phủ cần xây dựng cơ chế khoán chi trong nghiên cứu khoa học, công nghệ nhưng phải gắn với quyền tự chủ tài chính và trách nhiệm người đứng đầu, chủ nhiệm đề tài, chương trình.

Chiều 14-9, UBTVQH đã thảo luận dự án Luật Khoa học-Công nghệ (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ Nguyễn Quân thay mặt Chính phủ trình bày.

Bộ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ Nguyễn Quân trình bày dự thảo Luật Khoa học-Công nghệ (sửa đổi) - Ảnh: TTXVN

Theo đánh giá của Chính phủ, khoán chi cho các nhiệm vụ KHCN đến sản phẩm cuối cùng là một trong những giải pháp đổi mới đồng bộ cơ chế tài chính, góp phần tiết kiệm chi phí đầu vào, nâng cao chất lượng của các sản phẩm nghiên cứu.

Tuy nhiên, do đặc thù của hoạt động KHCN, việc áp dụng chế độ khoán chi đến sản phẩm cuối cùng không thể áp dụng máy móc đối với tất cả các nhiệm vụ KHCN mà chỉ áp dụng đối với những trường hợp có đủ các điều kiện như: có các định mức kinh tế - kỹ thuật; có chỉ tiêu, yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm dự kiến; tính đầy đủ chi phí đầu vào trên cơ sở thẩm định nội dung và tài chính cho việc thực hiện nhiệm vụ; cam kết của bên nhận đặt hàng bảo đảm sản phẩm dự kiến sẽ đạt được các chỉ tiêu, yêu cầu kỹ thuật đã được xác định và được bên đặt hàng thẩm định.

Còn các nhiệm vụ KHCN khác vẫn áp dụng cơ chế khoán chi đối với những nội dung chi cho hoạt động sáng tạo của người làm nhiệm vụ nghiên cứu.

Đồng tình với đề xuất của Chính phủ nhưng các ý kiến của UBTVQH và cơ quan thẩm định là Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị cần gắn cơ chế khoán chi với quyền tự chủ về tài chính và trách nhiệm của người đứng đầu, của chủ nhiệm đề tài, chương trình. Chỉ nên áp dụng cơ chế khoán chi với những điều kiện xác định, đồng thời cần quy định tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý KHCN trong thực hiện cơ chế này.

Cả cơ quan soạn thảo cũng như thấm tra đều cho rằng dự Luật này chỉ quy định nguyên tắc chung và điều kiện áp dụng chế độ khoán chi đối với nghiệm vụ KHCN. Chính phủ sẽ có trách nhiệm quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành.

Bên cạnh việc khoán chi, theo Chính phủ, đổi mới cơ chế tài chính trong KHCN còn phải thực hiện huy động tối đa nguồn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước (chủ yếu là từ doanh nghiệp) cho phát triển KHCN; đổi mới việc phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước một cách hiệu quả.

Giải pháp được đưa ra là dự Luật quy định rõ vai trò, quyền hạn của Bộ KHCN, Bộ Tài Chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong công tác xây dựng dự toán ngân sách và thẩm quyền quyết định phương án phân bổ ngân sách nhà nước hàng năm dành cho KHCN, gắn quyền hạn với trách nhiệm về phân bổ, sử dụng ngân sách Nhà nước cho KHCN; thống nhất cơ chế để có thể điều tiết ngân sách khoa học và công nghệ phân bổ cho các địa phương và các Bộ ngành trực thuộc Trung ương cho giai đoạn sau căn cứ vào kết quả và hiệu quả sử dụng ngân sách của giai đoạn trước…

Theo Chính phủ, các giải pháp trên sẽ khắc phục được những hạn chế hiện nay như không kiểm tra, giám sát nguồn ngân sách cho KHCN, không làm rõ được trách nhiệm về hiệu quả đầu tư, nhất là trong lúc chế độ báo cáo và thống kê không được địa phương thực hiện nghiêm túc…

Do đó không cần tăng thêm mức đầu tư 2% tổng chi ngân sách hàng năm cho hoạt động KHCN (theo quy định hiện hành) và đề nghị giữ nguyên mức này.

Đồng tình với đề xuất và các giải pháp của Chính phủ, UBTVQH lưu ý việc thay đổi cơ chế tài chính cần được nghiên cứu kỹ để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về ngân sách.

Một số ý kiến cho rằng dự Luật quy định nguồn vốn phát triển KHCN được thu hút từ xã hội của các tổ chức, cá nhân nhưng chưa có chính sách ưu đãi với các chủ thể của nguồn vốn này. Để khuyến khích việc đóng góp tài chính cho các hoạt động KHCN, cần chỉnh sửa quy định trong các luật có liên quan về thuế đối với tài sản, tài sản thừa kế như quy định của pháp luật một số nước phát triển hiện nay.

Nguồn chinhphu.vn