Tiềm năng du lịch Di tích văn hóa lịch sử cần được đánh thức

(NTO) Cùng với hệ thống danh lam thắng cảnh phong phú, du lịch sinh thái đa dạng, tỉnh ta còn có rất nhiều điểm đến là các di sản văn hóa hấp dẫn du khách. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc gắn kết du lịch với các di tích văn hóa lịch sử hiện nay chưa được chú trọng, lượng du khách đến với di sản văn hóa ở tỉnh ta còn hạn chế

Trên địa bàn tỉnh hiện có 40 di tích văn hóa và lịch sử, trong đó có 14 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Đây là tiềm năng du lịch lớn nhưng đến nay vẫn chưa thể phát huy hết. Theo thống kê của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong 7 tháng đầu năm, tỉnh ta đón 92.000 lượt du khách đến tham quan du lịch. Ngoại trừ, di tích tháp Pôklon Garai có khách du lịch đến tham quan thường xuyên, còn lại các di tích văn hóa, lịch sử nổi tiếng khác như: hệ thống tháp Chăm Pô rô mê, Hòa Lai, đền Pônư Ga…; hệ thống đình làng ven biển, bẫy đá Pi năng Tắc… được xếp hạng di tích cấp quốc gia nhưng “dường như” du khách không biết đến! Có di tích gần như không có khách tham quan.

Tháp Poklong Garai được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang đáp ứng tốt nhu cầu tham quan của du khách.
Ảnh: Sơn Ngọc

Theo ông, Phạm Hiếu Thành, Phó Tổng Giám đốc Khách sạn Sài Gòn- Ninh Chữ: Quảng bá di sản văn hóa về di tích trên địa bàn tỉnh là yếu tố quan trọng để phát triển loại hình du lịch văn hóa. Ông Thành băn khoăn, tại sao khách du lịch vẫn nườm nượp kéo đến các di tích lịch sử ở các địa phương khác… trong khi rất nhiều di tích văn hóa lịch sử có giá trị trên địa bàn tỉnh lại chưa thể phát huy tiềm năng. Do đó, tỉnh Ninh Thuận cần đẩy mạnh quảng bá du lịch để thu hút du khách thì mới làm tăng được thêm giá trị, ý nghĩa của các di tích văn hóa. Đồng thời, khai thác các điểm di tích thành những tour, tuyến phục vụ khách du lịch cũng là cách để kéo dài thời gian lưu trú và nâng cao mức chi tiêu của du khách khi đến Ninh Thuận.

Trao đổi với lãnh đạo Sở VHTT&DL được biết: Trong thời gian qua, hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, giới thiệu tiềm năng du lịch về di tích văn hóa, lịch sử đã được tỉnh ta quan tâm triển khai bằng các hình thức như: Xây dựng các chuyên mục tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng, phát hành đĩa phim tài liệu, sách ảnh du lịch, tờ rơi, bản đồ du lịch, xây dựng pa nô quảng cáo, triển lãm… Tuy nhiên, trong thực tế việc triển khai quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch di tích còn chậm, chưa tạo được môi trường kinh doanh thực sự hấp dẫn để thu hút các tổ chức, cá nhân có năng lực về tài chính, có uy tín trong kinh doanh vào đầu tư. Hoạt động du lịch di tích văn hóa lịch sử chưa mang tính chuyên nghiệp, chưa tạo được các tour, tuyến du lịch liên thông với các tỉnh, thành phố bạn. Ban quản lý các khu di tích chưa thực sự phát huy hết chức năng, nhiệm vụ quản lý hoạt động kinh doanh du lịch, các hoạt động xúc tiến, quảng bá, liên kết với các tỉnh trong khu vực. Nhiều di sản văn hóa rơi vào trạng thái “ngủ quên” do lâu nay số đông người dân cũng như các ngành chức năng có liên quan cho rằng “di tích là nơi lưu giữ chứng tích qua các giai đoạn lịch sử, là nơi lưu giữ những tinh hoa văn hóa, linh hồn của địa phương, dân tộc”, vậy nên không thể gắn kết hoạt động kinh doanh với những giá trị tinh thần đó. Chính cách nhìn phiến diện này đã khiến nhiều di tích ở tỉnh bị lãng quên đối với ngành du lịch.

Thiếu nữ Chăm xinh tươi  trong điệu múa truyền thống làm say lòng du khách. Ảnh: Sơn Ngọc

Đồng chí Hồ Sỹ Sơn, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL, cho biết: “Để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch từ các di tích văn hóa, lịch sử, trong thời gian đến, ngành sẽ đẩy nhanh tiến độ tu bổ, tôn tạo, phục hồi các di tích, hình thành các tổ quản lý ở các di tích trọng điểm. Ngoài công tác quản lý, thuyết minh, sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa phù hợp tại di tích để phục vụ du khách và nhằm quảng bá, thu hút khách tham quan du lịch. Bên cạnh đó, ngành sẽ phối hợp với các địa phương trong tỉnh trong công tác bảo tồn, tổ chức hoạt động lễ hội tại di tích; phối hợp với các đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành để quảng bá giá trị đặc sắc về lịch sử - văn hóa của các di tích, giới thiệu những di sản văn hóa của tỉnh nhà với du khách trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức, trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

Thiết nghĩ, trong thời gian tới, tỉnh ta cần tăng cường đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng các dự án khu du lịch di tích; tập trung đầu tư phát triển mạnh loại hình du lịch các di tích lịch sử văn hóa…; đổi mới phương thức tuyên truyền, quảng bá du lịch kết hợp với các hoạt động văn hóa, thể thao lớn và đào tạo đội ngũ làm du lịch có trình độ cao.