Khắc phục đồ điện tử ngấm nước

Dưới đây là 1 số mẹo giúp chị em xử lý điện thoại khi bị ngấm nước.

Điện thoại di động: Tháo pin

Thói quen để ĐTDĐ ở túi áo, túi quần của bạn rất dễ khiến chúng bị ướt khi gặp mưa. ĐTDĐ ngấm nước sau 20 giây phần cứng có thể tê liệt, hỏng. Vì vậy bạn không nên bật máy sau khi ĐTDĐ bị dính nước để tránh chập điện. Việc cần làm là phải rút điện, tháo pin nhanh để giữ an toàn cho các bảng mạch (iPhone khó tháo lắp pin cũng phải tháo sớm hoặc tắt nguồn).

Khi bị dính nước, nhiều người hay sơ cứu điện thoại bằng cách lau khô bằng giấy lụa, giấy báo hoặc hong nắng, hong quạt cho bay hơi nhanh hay dùng máy sấy, cho vào tủ lạnh…để hút ẩm. Tuy nhiên, theo kỹ thuật viên Quang Tuấn, nếu bạn không có kiến thức về ĐTDĐ thì không nên tự làm khô, nhất là làm khô bằng cách để vào tủ lạnh, máy làm kem… vì có thể hại cho máy, màn hình LCD. Các cách làm khô trên chỉ làm khô được bề ngoài, nếu nước đã ngấm vào vi mạch thì chỉ có thợ mới xử lý được.

Máy sấy tóc và các biện pháp làm khô khác cũng chỉ làm khô được bên ngoài, độ nóng máy sấy còn nguy hiểm vì có thể làm hư hỏng các chi tiết bằng nhựa, cục pin Lithium-ion rất nhạy cảm với nhiệt, hơi nóng của máy sấy rất dễ bị nổ, chập hoặc hỏng nặng hơn khi bật máy lại. Nguy hiểm hơn, nếu ĐTDĐ rơi vào nước muối, nước canh… càng để lâu thì tinh thể muối càng ăn mòn bảng mạch. Do đó khi máy ngấm nước, nên mang đến hãng, cửa hàng để thợ xử lý. Nếu máy bị ngấm nước muối, canh, đường… khi đưa tới thợ nhớ báo để thợ lưu ý làm sạch kỹ, giảm hỏng hóc sau này. Sau khi làm khô máy, nếu màn hình vẫn mờ là hơi ẩm vẫn còn, không nên lắp pin hay cắm sạc.

Trời mưa màn hình ĐTDĐ dễ bị chập chờn do bộ vi xử lý bị ẩm mốc. Cần cất máy vào túi có chất chống thấm. Để đàm thoại, hãy trang bị loa có âm thanh tốt, hoặc sắm thêm tai nghe không dây (có ướt cũng khó hỏng). Đã có một số trường hợp bị sét đánh khi dùng ĐTDĐ trong trời giông, sét. Do đó khi gặp mưa giông, nên cho ĐTDĐ vào túi rồi bỏ vào cốp xe, hoặc tắt nguồn.

 Laptop bị ướt: Hong bằng máy sấy

Khi lap top bị ngấm nước, một số phụ kiện dễ “chết” như ram, ổ cứng, chip CPU…Vì vậy hãy ngắt ngay nguồn điện, rút pin, sau đó ngắt các kết nối (như thiết bị ngoại vi, cổng USB, Wifi…), tháo rời ổ quang, ổ cứng. Nếu có chút hiểu biết về máy tính hãy lau sạch pin, các loại card nối với máy lau cả bề ngoài và các kẽ, khe cắm bằng bông (nên chụp ảnh, hoặc vẽ lại các vị trí module bộ nhớ, lau sạch và xếp theo thứ tự để nhớ khi lắp ráp lại).

Với màn hình nên dùng vải thật mịn (loại lau màn hình LCD có bán kèm), nhúng dung dịch lau rửa để làm sạch. Hoặc dùng bộ vệ sinh chuyên dụng để làm khô, không gây trầy xước cho màn hình. Bàn phím nếu dính ít chất lỏng thì lau sạch, không nên tháo ra vì các mạch điện bên dưới dễ bị đứt cáp, hoặc gãy, nứt các khớp nối. Nếu chất lỏng đổ vào bàn phím nhiều có thể dùng máy sấy thổi rồi lau khô bằng giẻ mềm mịn, sau đó nhờ thợ tháo ra lau chùi, xịt sạch các khe, hốc.

Nếu laptop bị ướt thì nên hong khô bằng máy sấy. (ảnh minh họa)

Các linh kiện có thể hong nơi khô ráo, tránh nắng trực tiếp. Dù chất lỏng gì cũng nên dùng máy sấy tóc sấy ngay để giảm độ ngấm của nước vào các thiết bị. Nên sấy ở khoảng cách 1 gang tay để hơi nóng không làm cong vênh thiết bị. Sau 24 giờ hãy khởi động lại laptop, chú ý dùng pin trước xem có ổn không, rồi mới cắm điện sau. Nếu chất lỏng có đường, muối, hay nước canh – có tính dẫn điện - thì máy rất dễ hỏng, do đó cần đưa ngay tới cửa hàng để thợ khắc phục ngay.

 Máy ảnh: Không nên tự làm khô

Chi phí sửa chữa và thay thế linh kiện khá cao, chỉ tính riêng chi phí thay main có thể lên đến 40 – 50% giá trị máy. Thậm chí, có khi tiền mất mà máy vẫn hỏng hoặc phụ kiện thay thế không đồng bộ nên trục trặc.

Sau khi lau khô, vệ sinh sạch sẽ các thiết bị không nên lắp lại ngay, mà để ở nơi khô thoáng tối thiểu 24 giờ để không còn hơi nước đọng rồi hãy lắp. Không phải thiết bị điện tử nào ngấm nước sẽ hoạt động bình thường trở lại, nhưng đều cần ngắt nguồn điện, tháo pin sớm, rồi đưa đến hãng hoặc trung tâm bảo hành để được thợ hỗ trợ, giảm thiểu hỏng hóc về sau.

Máy ảnh rất nhạy cảm với hơi ẩm, gây mờ ống kính, cảm biến ảnh, bật máy nhưng hoạt động chập chờn, báo lỗi… Nếu bị nước mưa vào, máy ảnh sẽ nhanh ngấm ướt vào trong. Thậm chí chụp ảnh lúc trời mưa rồi cất máy vào bao, hay tủ quần áo thì máy ảnh cũng bị hấp hơi, gỉ, mốc. Thường ẩm nhẹ người dân hay tự sấy khô bằng máy sấy nấc nhẹ, hoặc đặt lên nóc tivi đang mở để làm khô thiết bị. Nếu máy vẫn chập chờn mới đưa tới hãng để “điều trị”. Nhưng để bảo dưỡng và giữ tuổi thọ cho máy ảnh, bạn không nên tự làm khô bất cứ chi tiết nào, bởi chỉ có thợ mới có đủ dụng cụ, kỹ thuật làm khô các vi mạch trong máy.

Để tránh hư hỏng máy ảnh, sau khi chụp nên dùng khăn cotton ẩm lau sạch, rồi lau lại bằng khăn khô, sấy nóng trên nóc tivi rồi cho túi có gói hút ẩm (hoặc vài viên phấn) gói lại, cất nơi thoáng khí. Không cất máy ảnh trong các tủ quần áo, sách vở vì độ ẩm mùa mưa nhiều, hoặc bị kiến, gián chui vào bài tiết và chết trong đó làm hỏng máy.

Nguồn Eva.vn