Cần xây dựng thương hiệu Biển Ninh Thuận

(NTO) Xây dựng và phát triển thương hiệu biển là động lực quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững, phát huy thế mạnh kinh tế biển của Việt Nam nói chung và mỗi địa phương có biển nói riêng.

Xây dựng và phát triển thương hiệu biển Việt Nam cũng là một trong những nội dung quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X): “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”; và Quyết định số 373/QĐ-TTg ngày 23-3-2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam”.

 
Bãi tắm Bình Sơn - Ninh Chử thu hút đông khách. Ảnh: Văn Miên

Đối với tỉnh ta, chiều dài bờ biển và vùng đặc quyền kinh tế, vùng lãnh hải thuộc loại lớn của cả nước, cộng với các đặc điểm địa lý, khí hậu đã tạo cho tỉnh ta nhiều tiềm năng, lợi thế về tài nguyên biển, là yếu tố quan trọng để xây dựng thương hiệu biển cho địa phương. Vùng biển tỉnh ta nằm trong vùng nước trồi có nhiều cửa sông, cửa vịnh nên rất phong phú các chủng loài sinh vật, thủy sản; là một trong bốn ngư trường lớn nhất của cả nước. Là địa phương nằm trong vùng có nhiệt độ cao, cường độ bức xạ lớn là điều kiện lý tưởng để sản xuất muối, là điều kiện cơ bản để tỉnh ta trở thành tỉnh có diện tích đồng muối lớn và sản lượng nhiều nhất nước, gắn liền với địa danh sản xuất muối lâu đời bậc nhất của Việt Nam: Đồng muối Cà Ná, Tri Hải... Bên cạnh đó, vùng biển và ven biển còn được biết đến với các kỷ lục như: có rạn san hô rộng và đa dạng về chủng loài thuộc bậc nhất Việt Nam; trung tâm tôm giống có số lượng con giống nhiều nhất nước; có ngọn Hải đăng Mũi Dinh là một trong ba ngọn hải đăng nằm trên đường hàng hải quốc tế của Việt Nam; có ngành nghề khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản, nông sản ven biển có truyền thống lâu đời với nhiều sản vật có giá trị kinh tế cao, thương hiệu được nhiều người biết đến: nước mắm Cà Ná, Đông Hải; rong sụn Sơn Hải; tôm hùm Vĩnh Hy; hành, tỏi Văn Sơn...Về lịch sử, địa lý tỉnh ta có những địa danh gắn liền với các giai đoạn lịch sử của đất nước; là vùng đất có nhiều đền tháp Chăm cổ với nét kiến trúc độc đáo; và gần đây là tỉnh duy nhất trong cả nước được đầu tư dự án xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân có vị trí ven biển; có Vườn Quốc gia Núi Chúa với đa dạng chủng loài sinh vật của khí hậu bán sa mạc và các thắng cảnh tuyệt đẹp...Có thể nói, với những yếu tố lịch sử, địa lý, kinh tế của tỉnh, có đầy đủ các cơ hội, điều kiện để xây dựng một thương hiệu biển cho tỉnh, làm động lực thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững, phát huy thế mạnh của kinh tế biển địa phương. Điều đáng bàn ở đây là cần phải làm thế nào để thương hiệu đó thật sự bền vững, thật sự nổi tiếng và có nét đặc thù, “hình thành rõ nét những sản phẩm mũi nhọn, những vùng động lực của tỉnh trên cơ sở lợi thế, tiềm năng về kinh tế biển” như quan điểm và mục tiêu phát triển của quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 đã đề ra.

 
Du khách tham quan vịnh Vĩnh Hy bằng tàu đáy kính. Ảnh: Văn Miên

Nói đến thương hiệu biển, là nói tới những sản phẩm, những cái tên gắn liền với các lĩnh vực hàng hải, hải sản, du lịch biển, các ngành công nghiệp liên quan đến biển, các khu bảo tồn biển, các sản phẩm nông nghiệp ven biển... Những sản phẩm đặc trưng này, nếu trở nên nổi tiếng, trở thành thương hiệu sẽ làm cho tên của các doanh nghiệp, các địa phương ven biển của tỉnh ta nói riêng và cả tỉnh nói chung, nơi cung cấp các dịch vụ, sản xuất ra các sản phẩm đó trở nên nổi tiếng, trở thành thương hiệu; và khi nhắc đến các sản phẩm, dịch vụ đó người ta sẽ nhớ ngay đến Ninh Thuận.

Để làm được điều đó, thiết nghĩ ngoài việc tăng cường xây dựng và phát triển thương hiệu của các sản phẩm hiện có…. tỉnh cần có kế hoạch tôn tạo, xây dựng các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ cụ thể cho các địa danh nổi tiếng (Bình Tiên, Vĩnh Hy, Cà Ná, Cồn cát Nam Cương, ngọn Hải đăng Mũi Dinh, Vườn Quốc gia Núi Chúa …), gắn liền với các địa phương, thắng cảnh ấy là  những sản phẩm đặc trưng: sản phẩm từ nuôi trồng thủy sản (tôm hùm, tôm sú, rong sụn…), sản phẩm từ nông nghiệp ven biển (hành, tỏi, nho…), sản phẩm từ các hoạt động văn hóa (văn hóa ẩm thực, văn hóa làng biển, văn hóa phi vật thể…), sản phẩm từ diêm nghiệp (muối và sản phẩm sau muối…), sản phẩm từ dịch vụ, du lịch (các resort, khu nghỉ dưỡng cao cấp mang tầm quốc tế, các cảng biển phục vụ khai thác, đánh bắt thủy sản, vận chuyển hàng hóa, dịch vụ hậu cần nghề cá…).

Thương hiệu biển là điều kiện cơ bản, là động lực để tỉnh ta thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển, thực hiện nhanh mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển với cả nước và các tỉnh trong khu vực, xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến của Việt Nam trong tương lai.