Đường ven biển-Tuyến đường chiến lược thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội tỉnh nhà

(NTO) Được khởi công từ tháng 10 – 2009, đến nay tuyến đường ven biển Bình Tiên – Cà Ná, dài trên 110 km cơ bản được khai thông toàn tuyến. Đây là tuyến đường giao thông chiến lược, đáp ứng cùng lúc nhiều nhiệm vụ: Mở hướng liên kết vùng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh và bảo đảm giao thông thông suốt trong mùa mưa lũ. Dự kiến đến giữa năm 2013, tuyến đường sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng.

Mạch đường nối những bờ vui

Đã nhiều lần tháp tùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh đi kiểm tra tuyến đường ven biển, có điều kiện ghi dấu kỷ niệm trên cung đường, nhưng cứ mỗi lần trở lại chúng tôi vẫn bị “lạc” hẳn trong niềm hân hoan và vẻ đẹp tráng lệ của thiên nhiên nơi đây. Đứng trên cao nhìn xuống, tuyến đường ven biển đoạn Bình Tiên - Vĩnh Hy uốn lượn như một dải lụa mềm vắt ngang sườn núi. Nhìn xuống đại dương bao la bên dưới, những bãi đá bởi sóng biển bào mòn, tạo nên bao hình hài kỳ thú, lãng mạn.

Thi công tuyến đường ven biển, đoạn Mũi Dinh - Phú Thọ. Ảnh: Văn Miên

Anh Phạm Văn Đình, Giám đốc Ban quản lý Dự án giao thông tỉnh cho biết: Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III, với hai làn xe. Riêng đoạn đi qua khu dân cư từ Phan Rang đến Mũi Dinh có quy mô 4 làn xe, theo tiêu chuẩn đường đô thị thứ yếu. Qua hơn 2 năm khởi công, dù phải thực hiện trong điều kiện địa hình cách trở, nhưng các đơn vị thi công đã tích cực đẩy nhanh tiến độ, nhờ đó đến nay đã khai thông toàn tuyến. Trong đó, một số gói thầu như: gói thầu số 18 (đoạn từ Km0 – Km3+560) do Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Hướng Dương và Công ty Cổ phần An Khánh thi công; gói thầu số 19 (đoạn từ Km3+560) do Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Hoàng Nhân thi công và gói thầu số 21 (đoạn từ Km12 +280 đến Km15 + 854) do Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Sơn Long Thuận thi công đã thực hiện đạt 80% giá trị hợp đồng.

Dù tuyến đường chưa được hoàn thành, nhưng kể từ khi được thông xe, đã có rất nhiều du khách trong và ngoài nước “chinh phục” con đường bằng nhiều loại phương tiện. Anh Nguyễn Tuấn Anh trước ở Ninh Hải, sau chuyển vào Tp.Hồ Chí Minh sinh sống. Trong lần về thăm nhà mới đây, anh cùng với người bạn thân của mình du khảo bằng xe máy để thưởng thức vẻ đẹp của tuyến đường. Anh bảo, chưa rõ cuộc sống bà con sung túc thế nào, nhưng chỉ riêng việc đi lại đã thấy sướng rồi, bởi trước đây từ Ninh Hải muốn sang thăm bà con ở Bình Tiên phải đi đường vòng hết cả nửa ngày, nhưng nay Nhà nước quan tâm đầu tư tuyến đường ven biển không chỉ thuận lợi trong việc đi lại mà đây còn là tuyến đường huyết mạch tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của tỉnh nhà.

Cú “hích” phát triển kinh tế

Dự án xây dựng tuyến đường ven biển Bình Tiên – Cà Ná có tổng nguồn vốn gần 5.000 tỷ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Dự án có 8 hợp phần, gồm: Hiệp Kiết – Bình Tiên dài 8,2 km; Bình Tiên – Vĩnh Hy dài 19,5 km; Vĩnh Hy – Ninh Chử dài 27,77 km; Ninh Chử - Phan Rang dài 3,8 km; Phú Thọ - Mũi Dinh dài 19,6 km; Mũi Dinh – Cà Ná dài 20,5 km; cầu An Đông dài 3,5 km và cầu Ninh Chử dài 1,7 km. Mục tiêu chính của tuyến đường chiến lược ven biển là nhằm liên kết vững chắc về an ninh, quốc phòng, kinh tế - xã hội giữa các địa phương ven biển của Tp.Phan Rang – Tháp với các huyện Thuận Bắc, Ninh Hải, Ninh Phước và Thuận Nam. Đồng thời sắp xếp lại vùng định cư cho người dân các xã ven biển, phòng tránh thiên tai và sử dụng hiệu quả quỹ đất, tạo điều kiện trong việc triển khai các dự án đầu tư có quy mô lớn như du lịch biển, điện gió, sản xuất muối... và đặc biệt là phục vụ cho việc triển khai xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân quốc gia.

Các đơn vị thi công đoạn Bình Tiên – Vĩnh Hy.

Đồng chí Phạm Đồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Theo tính toán về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, ngoài việc ưu tiên phát triển nhóm ngành năng lượng, tỉnh ta sẽ tập trung mọi nguồn lực để xây dựng và phát triển năng động theo hướng tăng nhanh tỷ trọng giá trị công nghiệp và du lịch. Vì vậy, việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường ven biển là động lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế cả tỉnh phát triển. Trước mắt, từ nay đến năm 2015 cùng với việc tiến hành quy hoạch lại tổng thể dải đất ven bờ biển, tỉnh sẽ tăng cường xúc tiến thu hút đầu tư, huy động tối đa nguồn vốn FDI để đẩy nhanh việc xây dựng dự án các Nhà máy điện gió, năng lượng mặt trời ở những khu vực đã được quy hoạch. Cùng với đó, tỉnh sẽ tập trung triển khai có hiệu quả những công trình, dự án có tiềm năng nằm dọc theo tuyến đường ven biển như: Khu đô thị du lịch biển Bình Sơn, Nam Núi Chúa... Đây là những dự án mang dấu ấn trong bức tranh du lịch và đô thị xanh của tỉnh.

Lợi thế của tỉnh ta là có bờ biển dài, đẹp, có rừng núi, đồi cát bao quanh tạo nên những thắng cảnh đẹp như: Bãi biển Bình Tiên, Ninh Chử, Bình Sơn, Mũi Dinh, vịnh Vĩnh Hy, Khu du lịch sinh thái Nam Núi Chúa... Vì thế, trong tương lai khi tuyến đường ven biển đưa vào sử dụng sẽ mở ra một không gian hợp lý cho cả ba lĩnh vực kinh tế công nghiệp – du lịch – nông nghiệp nông thôn, tạo thành “cầu nối” trong mối quan hệ gắn kết hài hoà với thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa) và các tỉnh lân cận như Bình Thuận, Lâm Đồng đang trong thế mạnh phát triển. Và những khu du lịch như Bình Tiên, Mũi Dinh, Cà Ná, Nam Cương, Hòn Đỏ... rồi đây sẽ được đánh thức, trở thành vùng đất năng động thu hút du khách; còn dọc hai bên đường, nhiều mô hình khai thác, nuôi trồng thủy sản, làm kinh tế vườn đã bắt đầu xuất hiện đầy hứa hẹn.

Với chúng tôi, những người nặng nợ với nghề viết lách, sau một ngày trên nẻo đường tác nghiệp, thật tình tôi mới hiểu thế nào là ý tưởng bắt nhịp, đón đầu của những người làm công tác quản lý. Bởi tuyến đường ven biển hôm nay như vòng tay lớn ôm lấy quê hương, đang từng ngày, từng giờ làm hồi sinh bao làng quê vùng ven biển.