Dạy con biết yêu thương

Để dạy con cái biết yêu thương, trước hết, bọn trẻ phải được yêu thương. Nghĩa là, các em được lớn lên trong những gia đình hòa thuận, được chăm sóc, dạy dỗ chu đáo. Trẻ con như những tờ giấy trắng, chúng nhìn vào hành động của người lớn để bắt chước và làm theo.

Vì vậy, bằng tấm gương của chính mình, cha mẹ hãy dạy con tôn trọng các chuẩn mực đạo đức xã hội, những đạo lý làm người. Bên cạnh đó, từ những việc làm hằng ngày, các bậc phụ huynh dạy con thói quen chia sẻ và thông cảm với những người xung quanh.

 

 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cha mẹ hãy dạy con cái biết yêu thương từ khi còn thơ bé. Việc dạy con có thể bắt nguồn từ các câu chuyện nhỏ, hỏi con những câu đơn giản như “Con yêu ai nhất?”, “Con có thương mẹ (cha, ông, bà, anh, chị) không ?”, “Vì sao ?”. Nếu trẻ không biết vì sao, bạn hãy giải thích, vì mẹ (cha, ông, bà, anh, chị) rất yêu thương con, ngày thì bế con, đêm ru con ngủ, cho con ăn uống, chăm sóc con khi ốm đau, rồi còn đi làm vất vả để có tiền nuôi con khôn lớn… Như vậy, bé sẽ hiểu được thế nào là yêu thương. Thực tế cho thấy, những đứa trẻ lớn lên trong môi trường mà mọi người sống hòa thuận, yêu thương đùm bọc nhau, ít khi cãi cọ hay tranh chấp thường ngoan ngoãn, lễ phép và có lòng nhân hậu.

Xóm nhỏ ấy đa phần là những người lao động nghèo. Mỗi gia đình có cách dạy con riêng nhưng ai đến đây đều có nhận xét là bọn trẻ thật ngoan ngoãn, chăm học, biết yêu thương mọi người.

Chị Ba bán ve chai dạy con bằng cách hàng ngày, vào buổi tối, chị cùng các con soạn các thứ mua được trong ngày để đưa đến vựa. Chị lựa ra những thứ còn dùng được như những tờ giấy trắng, cuốn truyện tranh quăn mép, cái cặp học sinh sờn góc… để dành lại. Cứ khoảng một hai tuần, chị cùng các con đem đến cho trẻ mồ côi ở một mái ấm. Mỗi khi thấy chị đến, bọn trẻ ở đó mừng lắm. Chúng tranh nhau những món đồ chơi cũ, khiến các con chị cũng vui lây. Nhìn các em nhỏ mồ côi, các con chị Ba cảm nhận được sự may mắn của mình nên càng yêu thương mẹ hơn và cũng thông cảm với những đứa trẻ bất hạnh kia hơn.

Bé Thu con chị Hậu không chỉ học giỏi mà còn rất siêng năng, đi học về là xắn tay áo dọn dẹp nhà cửa, vào bếp nấu cơm… Có lần, tôi hỏi chị Hậu: “Chị dạy cách gì mà cháu ngoan thế?”. Chị Hậu cười rạng rỡ: “Mẹ góa con côi, khó khăn lắm cô ạ! Ngay từ nhỏ, tôi thường rủ rỉ tâm tình với cháu: “Một mình mẹ làm việc vất vả. Con cố gắng giúp mẹ nhé!”. Khi cháu còn bé, tôi tập cho cháu biết tự lập. Lớn hơn, tôi dạy cháu công việc nhà, cùng làm với mẹ…Chỉ thế thôi!”.

 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Còn chị Thanh, bán rau ngoài chợ, thì dạy các con lòng thương người từ bé bằng những hành động cụ thể như cho tiền người tàn tật hay ăn xin, gom góp các vật dụng cũ, đồ chơi hay quần áo không còn dùng nữa tặng các tổ chức nhân đạo. Chị giải thích với con, họ không được may mắn như mình nên phải thông cảm, yêu thương họ. Qua đó, các con chị sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc khi giúp đỡ người khác.

Ngược lại, ở những gia đình bố mẹ thường xuyên cãi nhau, thậm chí đánh nhau, hàng xóm hay mắng chửi, gây gổ nhau… thì con cái họ cũng ngỗ nghịch, hỗn hào từ bé; lớn lên sẽ dễ đi vào con đường phạm tội.

Có lần, một cô giáo cấp 2 kể chuyện: “Trong lớp cô có một học sinh cá biệt, không chỉ học dốt mà tính tình hung dữ, thường xuyên gây gỗ, thậm chí đánh bạn. Mỗi khi cô giáo phê bình hay nhắc nhở là cãi ngang hoặc bỏ đi không thèm nghe… Cô giáo mời phụ huynh đến thì không ai đến. Một buổi tối, cô quyết định đến nhà em. Khi nghe cô than phiền về con, chẳng nói một lời, ông bố rút thắt lưng, quật tới tấp vào người thằng bé rồi quay sang nói với cô: “Lần sau nó hư, tôi cho phép cô đánh cho què giò đi, khỏi phải méc tôi, mất công!”. Cô kết luận: “Bố mẹ như thế thì làm sao con cái họ biết yêu thương ai?”.

Yêu thương con không phải là lúc nào cũng chiều chuộng con, bỏ mặc những sai lầm, những khi bọn trẻ làm việc xấu như nói bậy, cãi lại cha mẹ…Nếu như vậy, trẻ sẽ trở nên ích kỷ, chỉ yêu bản thân mình chứ không biết yêu thương người khác.

Thảo, chị họ tôi, lấy chồng muộn nên cưng bé Lan Chi như vàng, luôn đáp ứng mọi đòi hỏi, đôi khi rất vô lý của Chi với lý do: “Có mình nó, sao không cưng được?”. Cô bé không bao giờ phải mó tay vào bất cứ việc gì, từ quét nhà đến rửa chén, nấu cơm. Mỗi khi có món gì ngon, nó ăn tranh hết, với cái lý đơn giản: “Trước sau gì mẹ cũng cho mình”. Lần nào đến nhà chơi, tôi cũng nhắc nhở chị: “Chị đừng chiều quá mà Chi hư đó!”, chị chỉ cười “Em đừng lo! Lớn lên nó sẽ ngoan!”. Lan Chi thì có vẻ không vui, quay sang nhìn tôi: “Mấy đứa trong lớp còn sướng hơn cháu nhiều”. Tôi lắc đầu, nghĩ bụng: “Mẹ Thảo sẽ chẳng trông mong được gì vào con đâu”. Y như rằng, lần đó, chị Thảo bị cảm, đắp chăn nằm nhà, đi học về, thấy chưa có cơm, Chi cằn nhằn: “Đói muốn chết mà không ai nấu cơm”, rồi bỏ ra quán ăn; chẳng thèm hỏi thăm mẹ một câu. Lần khác, bà ngoại bị té gãy tay, chị Thảo bảo con sang thăm, Lan Chi cương quyết không đi: “Tay của bà bó bột sẽ khỏi. Việc gì phải thăm”. Không biết thương yêu cả những người ruột thịt thì làm sao con bé có thể thương yêu người khác?

 

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Dạy con biết yêu thương cũng là cách để con bạn yêu thương và hiếu thảo với bố mẹ. Có được tình yêu thương trong gia đình, khi ra ngoài xã hội trẻ cũng sẽ học được cách yêu thương những người xung quanh, biết quan tâm và chia sẻ. Một con người trưởng thành nếu biết yêu thương người thân, bạn bè thì cũng sẽ nhận lại được nhiều yêu thương, đồng cảm. Yêu thương chính là động lực để con bạn vững vàng hơn trên bước đường đời và thành đạt trong cuộc sống.

Nguồn Phunuonline.com.vn