Người có công tiếp tục nêu gương sáng, đóng góp cho quê hương, đất nước

Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7), ngày 7-7 tại Đà Nẵng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Quốc phòng, Báo Nhân Dân và UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2012.

Gần 400 đại biểu về dự hội nghị là những thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công tiêu biểu, đại diện cho hàng triệu người có công của cả nước. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự.

 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Đến nay, cả nước có trên 8,8 triệu đối tượng người có công, chiếm gần 10% dân số. Trong đó, 1,14 triệu liệt sĩ; trên 3.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống và hàng trăm ngàn thương binh, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động trong kháng chiến, người có công với cách mạng; người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày... Bên cạnh chế độ trợ cấp ưu đãi của Nhà nước, các hoạt động chăm sóc đời sống người có công được duy trì thường xuyên. Hầu hết người có công và thân nhân được hưởng các chế độ ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, đào tạo nghề, tạo việc làm, vay vốn ưu đãi... Cùng với chính sách của Nhà nước, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" cũng được phát triển rộng khắp. Chỉ tính riêng từ năm 2007 đến nay, Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" cả nước đã vận động được hơn 1.200 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, các địa phương đã xây mới, sửa chữa nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách, ủng hộ gia đình chính sách gặp thiên tai, bão lụt...

Phát biểu tại hội nghị, thay mặt Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ lòng tri ân và biết ơn sâu sắc người có công trong toàn quốc đã có những đóng góp đặc biệt to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch nước nhấn mạnh: Đền ơn đáp nghĩa đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Hệ thống văn bản pháp luật về ưu đãi đối với người có công ngày càng hoàn thiện, cơ bản đã thể chế hóa được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công. Bản thân các gia đình có công cũng tự lực vươn lên trong cuộc sống. Trong điều kiện hết sức khó khăn, bằng ý chí nghị lực của mình, người có công đã ý thức vươn lên trong học tập, công tác. Không những chăm lo cho gia đình mình mà còn tiếp tục có những đóng góp cho quê hương, đất nước, tiếp tục phát huy phẩm chất cao đẹp và nêu gương sáng cho mọi người noi theo.

Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, mặc dù đã có nhiều chính sách chăm lo đời sống người có công, tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận gia đình chính sách cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Chủ tịch nước kêu gọi các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các đoàn thể xã hội huy động sức mạnh toàn xã hội chung tay cải thiện đời sống gia đình chính sách.

* Chiều 7-7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm và làm việc với Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân và Bộ Tư lệnh Quân khu 5.

Nguồn Báo Hànộimới