Việt Nam sẽ nỗ lực đóng góp vì hòa bình Biển Đông

Là thành viên của ASEAN, Việt Nam sẽ nỗ lực cùng các nước ở ASEAN đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam diễn ra chiều 5/7, đề cập quan điểm của Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng ASEAN (AMM), diễn đàn an ninh khu vực (ARF) sắp tới tại Campuchia về những tranh chấp gần đây ở Biển Đông, Người phát ngôn Lương Thanh Nghị khẳng định: Hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông là quan tâm chung của ASEAN cũng như của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Lập trường thống nhất của ASEAN là duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, chủ trương giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 và tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Là thành viên của ASEAN, Việt Nam sẽ nỗ lực cùng các nước ở ASEAN đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị. (Nguồn: qdnd.vn)

Trả lời câu hỏi đề nghị cho biết ý nghĩa của việc ngày 3/7 vừa qua, khối thương mại tự do châu Âu (EFTA) đã công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam và khởi động đàm phán về Khu vực mậu dịch tự do (FTA) giữa Việt Nam và khối thương mại tự do châu Âu, ông Lương Thanh Nghị nói: "Việc các nước thuộc khối thương mại tự do châu Âu (EFTA) bao gồm Na Uy, Thụy Sĩ, Iceland và Liechtenstein công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, cùng với khởi động đàm phán FTA là một bước phát triển quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và EFTA trong giai đoạn mới, đặc biệt là kinh tế thương mại, tạo ra khuôn khổ mới giúp mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nhiều mặt, cùng có lợi giữa Việt Nam và EFTA với tư cách là những đối tác bình đẳng.

Đồng thời việc EFTA lần đầu tiên công nhận với tư cách cả khối quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam một lần nữa thể hiện sự ủng hộ tích cực, rộng rãi của cộng đồng quốc tế với công cuộc đổi mới với công cuộc đổi mới, thể chế kinh tế thị trường, định hướng Xã hội Chủ nghĩa và tiến trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam"./.

Nguồn VOV Online