Việt Nam- Mỹ Latinh: Hợp tác trên các lĩnh vực lợi thế

Chiều 5/7, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn cấp Bộ trưởng Việt Nam- Mỹ Latinh tập trung vào hai chủ đề: “Kết nối giao thông, hậu cần, viễn thông và dịch vụ” và “Đối tác nông nghiệp và năng lượng”.

Sự kiện này nằm trong chương trình Diễn đàn Việt Nam- Mỹ Latinh về thương mại và đầu tư do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức.

Cơ hội đầu tư vào viễn thông

Tại phiên thảo luận chuyên đề 1 về “Kết nối giao thông, hậu cần, viễn thông và dịch vụ”, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Việt Nam Nguyễn Hồng Trường cho biết nhiều năm qua Chính phủ Việt Nam đã chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, vận tải theo hướng hiện đại, bền vững. Đầu tư cho giao thông tại Việt Nam đang chiếm 9% GDP…

Với nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm tới việc phát triển hạ tầng giao thông ở các loại hình hàng không, đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa. Qua Diễn đàn này, ngành giao thông Việt Nam hy vọng sẽ tạo dựng được những hợp tác với các nước Mỹ Latinh trong lĩnh vực hạ tầng giao thông vận tải.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nicaragua Samuel Santos cho biết đang kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào dự án xây dựng kênh đào lớn kết nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, có thể cho phép tàu 250.000 tấn lưu thông và bổ trợ rất lớn cho kênh đào Panama.

Trong lĩnh vực viễn thông, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cũng nêu bật tiềm năng và thành tựu của Việt Nam trong thời gian qua. Đó là điều kiện thuận lợi để các nước Mỹ Latinh đến đầu tư, đồng thời cho thấy các doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam có đủ năng lực để tham gia đầu tư tại các nước Mỹ Latin.

Thể hiện mong muốn được đầu tư vào khu vực Mỹ Latinh, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel thời gian qua đã dành nhiều công sức nghiên cứu thị trường này. Bên cạnh những thuận lợi về mức thu nhập của người dân, tỷ lệ điện thoại trên dân số khá cao, nhưng ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Viettel, cũng chỉ ra những hạn chế của thị trường viễn thông Mỹ Latinh như giá rất cao (đa số trên 20 Cent/phút) nên người nghèo chưa sử dụng được điện thoại, hệ thống cáp quang chưa đạt chuẩn thế giới, thị trường mạng di động vẫn còn độc quyền…

Tăng cường hợp tác trong nông nghiệp

Tại phiên họp chuyên đề 2 “Đối tác nông nghiệp- năng lượng Việt Nam- Mỹ Latinh”, đại diện lãnh đạo các Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, một số địa phương, cơ quan nghiên cứu phát triển nông nghiệp của Việt Nam và đại diện một số quốc gia, các lĩnh vực liên quan của các nước Mỹ Latinh đã nêu bật những cơ hội hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực này.

Thứ trưởng Ngoại giao Brazil Hadil da Rocha Viana đã chỉ ra cơ hội hợp tác đầu tư, phát triển nông nghiệp với Việt Nam khi hai quốc gia đều có cùng khí hậu nhiệt đới, dân số đông. Đối với Việt Nam, nhu cầu phát triển nông nghiệp hàng hóa nhằm đảm bảo lương thực trong nước và xuất khẩu sẽ là một đối tác quan trọng đối với khu vực Mỹ Latinh.

Hơn nữa, theo ông Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, một số nước Mỹ Latinh và Việt Nam đã có truyền thống về hợp tác phát triển các loại giống cây trồng, đây sẽ là cơ sở để mở rộng quan hệ hợp tác, thúc đẩy sự phát triển ngành nông nghiệp của mỗi bên.

Trong lĩnh vực năng lượng, Việt Nam và các các nước Mỹ Latinh cũng đều có lợi thế với nguồn tài nguyên dầu mỏ dồi dào. Theo ông Nguyễn Quốc Thập, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, từ năm 2009 đến nay Việt Nam đã ký kết 6 hợp đồng khai thác chung dầu khí với các nước Mỹ Latinh. Đại diện của Tổng cục Đầu tư nước ngoài Venezuela cũng cho biết quốc gia này đang cùng Việt Nam triển khai hiệu quả một số dự án khai thác chung dầu khí ở Venezuela. Venezuela mong muốn mối hợp tác này tiếp tục được phát triển, nhằm đem lại lọi ích chung cho hai nước.

Về các nguồn năng lực tái tạo (phong điện, điện mặt trời,…) Việt Nam và các quốc gia Nam Mỹ cũng có rất nhiều tiềm năng dựa vào vị trí địa lý của mình. Bằng kinh nghiệm phát triển các nguồn năng lượng mới này, một số nước Mỹ Latinh như Brazil, Argentina mong muốn được đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, đại diện các nước này cũng cho rằng việc triển khai sẽ không đơn giản khi giá điện tại Việt Nam hiện còn thấp.

Nguồn Chinhphu.vn