Để hội nghị tiếp xúc cử tri là ngày cử tri mong đợi

(NTO) Mỗi năm thông thường, một đại biểu HĐND các cấp tiếp xúc cử tri 2 lần: trước kỳ họp và sau kỳ họp, nhằm lấy ý kiến đóng góp của cử tri và báo cáo kết quả kỳ họp HĐND cho cử tri nơi mình ứng cử. Theo tôi với số lượng tiếp xúc cử tri (TXCT) hàng năm như vậy là quá ít.

Bởi TXCT là chức năng, nhiệm vụ, là quyền và trách nhiệm của đại biểu HĐND; thực hiện tốt TXCT là làm tốt vai trò cầu nối giữa đại biểu dân cử và cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương với cử tri; làm tốt việc TXCT sẽ tổng hợp được nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri và thông báo kết quả giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền đến cử tri là góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin của cử tri, của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Do đó mỗi đại biểu HĐND phải xem TXCT là nhiệm vụ thường xuyên, không đóng khung trong một số lần nhất định, phải gắn với hoạt động công tác chuyên môn, cũng như các mối quan hệ nơi công tác và nơi cư trú.

Lâu nay, Thường trực HĐND các cấp đều tạo điều kiện cho các đại biểu HĐND khi tiến hành TXCT (về nội dung và sự phối hợp, về phương pháp v.v…) có nơi do chuẩn bị tốt nên đạt được kết quả; nhưng cũng còn không ít nơi do chuẩn bị chưa kỹ, nên hình thức, phương pháp TXCT còn đơn điệu, chưa thực sự cải tiến, chưa hấp dẫn. Phần nhiều TXCT theo kiểu hội nghị. Thời gian TXCT có tính cách chia đều (trung bình mỗi nơi một buổi) do vậy một số nơi, số người được bày tỏ ý kiến còn ít và chất lượng thông tin trao đổi ít được dồi dào. Năng lực, trình độ của một số đại biểu chưa thật đáp ứng với yêu cầu, đòi hỏi của cử tri, một phần do thiếu thông tin; mặt khác, kỹ năng, phương pháp có phần hạn chế. Cách ứng xử, đối thoại với cử tri, nhất là những vấn đề bức xúc, gay góc… còn lúng túng, nên phải “hứa” sẽ phản ảnh lên trên để giải quyết.

Để khắc phục những hạn chế trên, không ngừng nâng cao chất lượng các cuộc TXCT, nên ngay từ đầu năm, Thường trực HĐND phối hợp với các đoàn thể quần chúng xây dựng kế hoạch TXCT cả năm, căn cứ tình hình thực tế mà bàn về nội dung, phương pháp và thời gian cụ thể.

Ngoài TXCT theo định kỳ, cần chọn khu vực có nhiều vấn đề bức xúc, theo từng địa bàn, theo chuyên đề; chú ý đến các đối tượng nêu vấn đề. TXCT là đồng bào dân tộc thiểu số, tránh dùng nhiều từ khó hiểu, sao cho khi họ ra về, còn đọng trong họ những việc làm cụ thể. Bản thân mỗi đại biểu HĐND phải thường xuyên học tập các chủ trương, chính sách, về sự hiểu biết pháp luật để khi TXCT mà ứng dụng giải quyết đúng và trúng vấn đề mà cử tri nơi ấy yêu cầu. Ngày nay cuộc sống xã hội có nhiều biến đổi, sự hiểu biết của cử tri luôn không ngừng được nâng cao… theo đó yêu cầu đòi hỏi cũng có sự phát triển. Vì vậy đòi hỏi đại biểu phải luôn sát cơ sở, hiểu vấn đề mong đợi của cử tri để đáp ứng một cách chủ động… Quá trình TXCT, người đại biểu phải bình tĩnh ứng phó linh hoạt, gợi mở vấn đề để cử tri tham gia, tạo điều kiện về thời gian để cử tri bày tỏ những ý kiến, tâm tư nguyện vọng, những chính kiến của mình, không nên kết thúc buổi tiếp xúc khi cử tri đang còn ý kiến… Trường hợp này người đại biểu không nóng vội, mà phải với thái độ lắng nghe, cởi mở. Sau TXCT, người đại biểu cần phân loại, đâu là tâm tư, nguyện vọng; đâu là những kiến nghị yêu cầu giải quyết. Chú ý những kiến nghị, phản ảnh của cử tri chỉ mới nghe nói, có biết nhưng chưa thật rõ lắm… nên khi tổng hợp ý kiến cần thận trọng xem xét. Nên khuyến khích đại biểu chủ động TXCT độc lập; hạn chế tiếp xúc tập thể. Kết hợp tiếp xúc với “đại cử tri” và tiếp xúc với các tầng lớp lao động, để đảm bảo tính đại diện và tính xác thực với phương châm gần dân, sát dân hơn để sao cho ngày TXCT là ngày cử tri luôn mong đợi.