Nắm chắc tình hình tội phạm để chủ động đấu tranh ngăn chặn

Lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, phiên trả lời chất vấn của Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, chiều 14/6 được các đại biểu Quốc hội đánh giá là “rất rõ ràng, thẳng thắn” và đã “cung cấp nhiều thông tin cụ thể, chi tiết” về tình hình tội phạm và vấn đề làm trong sạch lực lượng CAND.

Bộ trưởng Trần Đại Quang trả lời chất vấn trước Quốc hội. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Chỉ rõ nguyên nhân, thủ đoạn của nhiều hình thức tội phạm

Trả lời chất vấn của các đại biểu về tình hình tội phạm nói chung, Bộ trưởng Trần Đại Quang đã khái quát toàn cảnh tình hình tội phạm của nước ta hiện nay. Theo đó, tình hình tội phạm ở nước ta ở mức trung bình với các nước trên thế giới, mỗi tháng xảy ra khoảng 68 vụ án/100.000 dân. “Tuy nhiên, tình hình tội phạm đang diễn biến rất phức tạp”, Bộ trưởng nói.

Năm 2011 cũng nảy sinh nhiều loại tội phạm mới như tội phạm công nghệ cao, trộm cắp cáp viễn thông, tội phạm có yếu tố người nước ngoài… Năm 2011, lực lượng công an đã bắt giữ 448 đối tượng người nước ngoài phạm tội tại nước ta, còn từ đầu năm đến nay đã bắt giữ 168 đối tượng.

Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng tội phạm đang diễn ra phức tạp là do tình hình kinh tế, xã hội khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản, lao động mất việc làm; sự xuống cấp đạo đức xã hội nhất là ở đối tượng thanh thiếu niên khi tiếp xúc không chọn lọc các yếu tố văn hóa nước ngoài; hệ thống văn bản pháp luật bất cập trong xử lý vi phạm; hiệu quả phòng ngừa xã hội còn thấp ở các chiến sỹ công an và phong trào toàn dân đoàn kết bảo vệ an ninh tổ quốc chưa sâu rộng; sự vào cuộc các đoàn thể còn hình thức, hiệu quả chưa cao.

Đặc biệt những năm qua, tội phạm vị thành niên cũng gia tăng. Đây là vấn đề đang được cả xã hội quan tâm. Nguyên nhân của tình trạng này, theo Bộ trưởng có phần do sự buông lỏng công tác giáo dục quản lý của gia đình, nhà trường và của cộng đồng. Bộ trưởng dẫn thí dụ: Sân chơi cho các cháu ít, lại bị tác động của game online, các hình thức bạo lực trên mạng Internet…; rồi cũng có nhiều bậc cha mẹ không theo dõi sát sao các hoạt động con em mình… Vì vậy, Bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh cần tăng cường giải pháp phòng ngừa, quản lý từ phía gia đình và nhà trường đối với trẻ vị thành niên. Lực lượng Công an tăng cường nắm tình hình. Số trẻ em nếu phải đưa vào trường giáo dưỡng thì sẽ tập trung giáo dục, giúp đỡ để các em có cơ hội quay lại con đường tốt.

Về công tác phòng chống tội phạm nói chung, Bộ trưởng cho biết, Bộ Công an đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước xây dựng các văn bản pháp luật, thực hiện các đề án phòng chống tội phạm và ngành đã triển khai có hiệu quả bước đầu.

Về tình hình lao động nước ngoài vào nội địa nước ta lao động hoặc thu mua hàng hóa trái phép, có thể có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề nghị Bộ trưởng nêu cách xử lý.

Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết, lực lượng chức năng đã phát hiện trường hợp người nước ngoài đi du lịch nhưng vào Việt Nam rồi ở lại (họ làm việc ở một số công trường lao động, thu mua hải sản, nông sản). Có tình trạng khi thu mua nông sản, họ mua giá cao hơn rồi ghi nợ và sau đó bỏ trốn gây thiệt hại cho bà con nông dân. Ngành đã chỉ đạo công an địa phương quan tâm xử lý để có thể giảm thiệt hại cho người dân, đồng thời tăng cường nắm tình hình để phòng ngừa”.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) chất vấn Bộ trưởng Công an. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Với loại tội phạm công nghệ cao, đại biểu Huỳnh Thành Đạt (TP Hồ Chí Minh) quan tâm đến tính chất nghiêm trọng của loại hình này. Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết thủ đoạn của các loại tội phạm này là vào Việt Nam du lịch, móc nối với người Việt, thuê nhà trọ ở khu vực vắng người, yêu cầu chủ nhà thay đổi đồng hồ đo điện để đánh lừa khả năng tiêu thụ nhiều điện năng, tránh sự chú ý của lực lượng chức năng, sau đó thực hiện hành vi lừa đảo tiền, tài sản của người dân. Bộ trưởng cho biết lực lượng công an đã trao đổi thông tin với các nước để chống loại tội phạm này. Bên cạnh đó, ta còn phát hiện, trục xuất và bàn giao cho các nước nhiều đối tượng.

Bộ trưởng cũng cảnh báo “nguy cơ chiến tranh mạng” đối với nước ta là có thể xảy ra. Nguyên nhân là do các thế lực thù địch lợi dụng công nghệ thông tin chống phá Việt Nam, trong khi chúng ta vẫn còn sơ hở cần khắc phục về an ninh mạng.

Coi trọng công tác làm trong sạch lực lượng Công an

Trước những băn khoăn về những tiêu cực của một bộ phận cảnh sát giao thông của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Trần Đại Quang nói đa số các chiến sỹ cảnh sát giao thông vẫn giữ được phẩm chất của người chiến sỹ công an nhân dân. Còn tiêu cực chỉ xảy ra ở một số bộ phận thuộc lực lượng cảnh sát giao thông do môi trường công tác có thể khiến sai phạm dễ nảy sinh.

Bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh: Từ lâu nay, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an đặc biệt coi trọng việc xây dựng đội ngũ cảnh sát giao thông trong sạch, vững mạnh... Thời gian qua, công tác xây dựng lực lượng này đã chuyển biến tích cực. Hàng trăm cảnh sát giao thông không nhận hội lộ và nộp lại hàng trăm triệu đồng. Trong những năm qua, 11 chiến sỹ đã hy sinh và hàng trăm chiến sỹ bị thương khi làm nhiệm vụ. Đây là những kết quả rất đáng chú ý để ghi nhận.

Còn với những trường hợp cảnh sát giao thông có tiêu cực, Bộ trưởng cho biết, lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo xử lý nghiêm không chỉ các cá nhân mà cả cấp quản lý, lãnh đạo liên quan.

Bộ trưởng bày tỏ cảm ơn báo chí, dư luận cả nước đã nêu những thông tin về các sai phạm để Bộ Công an có thể xem xét và xử lý theo quy định của pháp luật. Bộ trưởng cho rằng, việc xỏa bỏ tiêu cực trong lực lượng cảnh sát giao thông cũng chưa thể giải quyết ngay trong một sớm một chiều. Bộ Công an đang tiếp tục chỉ đạo thanh tra, kiểm tra trong lực lượng, kêu gọi báo chí, cử tri và người dân cả nước tiếp tục cung cấp thông tin để Bộ xác minh, xử lý.

Đại biểu Huỳnh Thành Đạt (TPHCM). (Ảnh: Chinhphu.vn)

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, công tác xây dựng lực lượng Công an trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ của toàn ngành chứ không riêng của lực lượng cảnh sát giao thông. Chỉ có như vậy, lực lượng Công an mới trở thành chỗ dựa vững chắc cho cuộc vận động toàn dân tham giao bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Trả lời một số đại biểu về nguyên nhân của tình trạng một số phạm nhân bị chết trong các trại giam, trại tạm giam, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết các phạm nhân này chết do bệnh tật. Đồng thời Bộ trưởng nhận trách nhiệm ở khâu khám sức khỏe trước khi vào trại tạm giam, trại giam của ngành còn thiếu sót để hạn chế các trường hợp này.

Bộ trưởng cho biết thêm hiện số bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo ở trong trại chiếm 10% tổng số phạm nhân bị giam giữ. Ngoài ra các phạm nhân đánh nhau trong tù dẫn đến tử vong cũng xảy ra.

Công an không phải là lực lượng cưỡng chế, giải phóng mặt bằng

Đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) hỏi ý kiến của Bộ trưởng về việc một số địa phương sử dụng lực lượng mạnh, trong đó có cả công an tham gia cưỡng chế, giải phóng mặt bằng.

Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết việc xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu đô thị là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên việc “công an tham gia công tác thu hồi gây bức xúc là một thực tế".

Bộ trưởng cho biết, quan điểm của lãnh đạo Bộ Công an là tăng cường công tác nắm tình hình để tham mưu cho chính quyền địa phương, đơn vị kinh tế, doanh nghiệp trong việc minh bạch hóa dự án, có chính sách đền bù thỏa đáng, đồng thời lắng nghe kiến nghị của người dân và kiên quyết không để xảy ra điểm nóng về tranh chấp, ảnh hưởng an ninh trật tự.

Bộ trưởng Trần Đại Quang nói rõ: Công an có nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trong các vụ việc cần phải cưỡng chế theo quyết định của cơ quan thẩm quyền. Công an không phải là lực lượng cưỡng chế giải phóng mặt bằng. Công an chỉ xử lý các hành vi chống người thi hành công vụ trong những vụ cưỡng chế.

Nguồn www.chinhphu.vn