Bình Thuận: Vùng cao giờ đã khác xưa

Chỉ lấy cột mốc cách đây hơn 10 năm, nếu có dịp ghé đến 3 xã miền núi Đông Tiến, Đông Giang, La Dạ của huyện Hàm Thuận Bắc (không tính xã Đa Mi có quyết định thành lập vào tháng 1/2001) ngoài sự hoang sơ của núi rừng, du khách còn cảm nhận rõ sự hoang sơ trong cuộc sống của đồng bào vùng cao nơi đây. Mức hưởng thụ cả tinh thần lẫn vật chất còn quá chênh lệch so với vùng đồng bằng. Dù đã được đầu tư nhiều, nhưng đâu đó vẫn còn ám ảnh về cái đói giáp hạt, thói quen sản xuất lạc hậu và một số phong tục lâu đời, đã tác động không nhỏ cho lời giải của bài toán “tự túc lương thực” của đồng bào miền núi.

Cao su của đồng bào vùng cao Hàm Thuận Bắc đã xanh tốt. Ảnh: N.L

Những năm gần đây, bài toán trên đã từ từ được hóa giải, đầu tiên là chuyện thủy lợi, phải có nước để tăng canh, tăng vụ thì lương thực mới tăng. Các công trình thủy lợi được đầu tư, nâng cấp như thủy lợi Đagury, đập Đatrian (La Dạ) Saloun ( Đông giang)… Nhưng điều lớn nhất mà chính quyền các cấp đã làm là thay đổi được thói quen sản xuất của đồng bào, tập làm ruộng nước để trong nhà có nhiều hạt lúa hơn. Khó nhất là địa bàn xã La Dạ, đồng bào ở đây vốn không mặn mà lắm với chuyện trồng lúa nước. Năm 2012, cánh đồng Đatrian ở xã được tiếp tục đầu tư và đã hoàn thành với diện tích 34 ha, kinh phí hết 2.743 triệu đồng. Hiện nay, diện tích trồng lúa nước ở các cánh đồng Đalanh, Đatrian, Đagury thuộc xã La Dạ đã có hơn 83 ha. Riêng xã Đông Giang có 82 ha và Đông Tiến có 45 ha. So với mật độ dân số và diện tích sản xuất hiện có thì nếu đồng bào chịu khó làm, chuyện giải quyết lương thực không còn là chuyện lớn.

Mới đây, trong chuyến đi thị sát tình hình sản xuất ở 4 xã vùng cao với các đồng chí lãnh đạo huyện, anh nguyễn Văn Tấn, Trưởng Ban DTMN Hàm Thuận Bắc đã lạc quan cho tôi biết, thời điểm này, đồng bào ở 3 xã thuần dân tộc thiểu số (DTTS) đã hoàn tất việc thu hoạch vụ lúa đông xuân 2011 - 2012. Năng suất rất khả quan, xã Đông Giang bình quân được 55 tạ/ha, Đông Tiến 45 tạ/ha, La Dạ thấp hơn nhưng cũng được 40 tạ/ha. Nhưng vẫn không chủ quan với kết quả đã đạt, huyện đã trực tiếp chỉ đạo các xã hối thúc đồng bào tiếp tục gieo trồng vụ hè thu. Trên các cánh đồng Đatrian, Đalanh ngày nào còn khô cằn, hoang hóa, giờ đồng bào đã hăng hái cày xới đất để xuống giống vào giữa tháng 5. Trong diện tích trên 200 ha đồng bào đã gieo trồng ở 2 xã Đông Giang và Đông Tiến, có trên 70 ha lúa nước, chưa kể gần 3.000 ha trồng cây bắp lai ở 3 xã, tiến độ sản xuất trên của đồng bào hứa hẹn sẽ thêm 1 vụ mùa có sản lượng lương thực ổn định. Anh Tấn cho biết thêm: Ở 3 xã vùng đồng bào DTTS hiện nay, tuy vẫn còn một số hộ nghèo và khó khăn, nhưng tình hình đói giáp hạt là chuyện đã đi vào dĩ vãng…

Nói đến việc sản xuất ở 3 xã vùng đồng bào DTTS ở Hàm Thuận Bắc, không thể không nhắc tới cây cao su, loại cây đã đem lại sự đổi đời cho nhiều hộ đồng bào. Chưa kể thu hoạch từ các loại cây lương thực khác, có hộ thu hoạch từ cây cao su gần 200 triệu đồng/năm là chuyện bình thường. Những con số sau đây cho thấy đồng bào giờ đã thay đổi cách nghĩ, thích ứng với thói quen lao động có hiệu quả. Trong tháng 5 vừa qua, số tiền mà 150 hộ đồng bào ở 2 xã Đông Giang và La Dạ đã nộp để mua cây cao su giống lên đến gần 600 triệu đồng.

Ngoài việc quan tâm đầu tư tạo điều kiện để đồng bào tăng gia sản xuất, có đủ cái ăn, cái mặc, Hàm Thuận Bắc cũng làm tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai, bảo vệ rừng, giữ cho màu xanh của núi rừng được bình ổn và tài nguyên của nhà nước không bị xâm phạm. Đến tháng 5, đã đo đạc được 36 ha đất phát triển trồng cây cao su ở xã Đông Giang, chuẩn bị cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ cho đồng bào. Ngành chức năng cũng đã xử lý nghiêm 4 vụ vi phạm lâm luật ở 2 xã Đông Giang và La Dạ. Kiểm tra khu vực rừng Ông Bà (La Dạ) bị tàn phá trước đây, đã phát hiện thêm khoảng 2 ha đất rừng bị lấn chiếm trái phép và một số trường hợp vi phạm ở các địa bàn khác đang được củng cố hồ sơ chờ xử lý.

Qua sự quan tâm đầu tư của nhà nước ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đồng bào ở các xã vùng cao Hàm Thuận Bắc bây giờ đã giảm nhiều về thói quen phá rừng làm rẫy. Nhưng niềm vui lớn nhất của những người quan tâm đến đời sống của đồng bào ở các xã vùng cao là vấn đề ý thức. Khi một thói quen lâu đời trong sản xuất đã thay đổi, biết áp dụng những cái mới để đem lại nhiều hiệu quả hơn, thì chuyện tính toán để vươn lên làm giàu bằng sức lực của mình đối với đồng bào trong tương lai là chuyện không xa vời.

Nguồn Báo Bình Thuận