Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ: Bình Thuận xác định 3 lĩnh vực trọng tâm

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, Tỉnh ủy đã ban hành chương trình hành động để triển khai thực hiện Nghị quyết.

Theo đánh giá của Tỉnh ủy, chất lượng quy hoạch, kế hoạch đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn còn thấp. Công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng chưa tốt, có nơi còn lãng phí; việc bố trí vốn còn dàn trải nên kết quả còn nhiều hạn chế. Nếu so với nhu cầu thì nguồn lực huy động còn ít, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước. Chính vì vậy mà thực trạng kết cấu hạ tầng của tỉnh còn thiếu đồng bộ, lạc hậu, nhất là giao thông, thủy lợi, đặc biệt là giao thông nông thôn.

Với mục tiêu đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ đến năm 2020, Tỉnh ủy xác định 3 lĩnh vực trọng tâm, đó là: Giao thông, thủy lợi và điện. Đối với các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn, tỉnh sẽ phối hợp tốt với trung ương trong việc đầu tư, nâng cấp, mở rộng tuyến đường sắt TP.HCM – Phan Thiết – Nha Trang; đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết – Nha Trang. Riêng hạ tầng giao thông thuộc tỉnh quản lý sẽ tiến hành đầu tư đường Lê Duẩn, Trần Phú nối dài, đường và cầu Hùng Vương, cầu Văn Thánh, tuyến Hòa Thắng – Hòa Phú và một số tuyến huyết mạch của tỉnh. Tiếp tục duy tu bảo dưỡng và nâng cấp cảng Phan Thiết, cảng Phú Quý; đầu tư hoàn thành cảng chuyên dùng phục vụ trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, cảng Kê Gà. Tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư các dự án tưới Phan Rí – Phan Thiết, hồ Sông Dinh 3, hồ Sông Móng, hệ thống thủy lợi Tà Pao, kênh tiếp nước Biển Lạc – Hàm Tân, hồ Sông Lũy. Các hệ thống đê, kè xung yếu để phòng tránh thiên tai sẽ được đầu tư nhiều hơn; tập trung nâng cấp hệ thống cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh bão; triển khai đầu tư dự án phòng chống lũ lụt, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu gắn với cải tạo môi trường sông Cà Ty. Tỉnh sẽ đôn đốc và tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy triển khai các dự án thủy điện, nhiệt điện, điện gió đã được chấp thuận đầu tư; thu hút đầu tư Trung tâm Điện khí Sơn Mỹ; kêu gọi phát triển nguồn năng lượng mặt trời tại các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Phú Quý và ở những địa bàn phù hợp. Cải tạo, nâng cấp hệ thống cung cấp điện, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và sinh hoạt.

Để thực hiện Nghị quyết trung ương 4 đạt kết quả cao, Tỉnh ủy đã đề ra nhiều giải pháp như: Nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện quy hoạch đầu tư kết cấu hạ tầng. Theo đó, rà soát quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực đến năm 2020 đã được phê duyệt. Xây dựng kế hoạch trung, dài hạn, với phân kỳ đầu tư hợp lý, sắp xếp thứ tự danh mục công trình ưu tiên đầu tư, xác định rõ nguồn vốn đầu tư, bảo đảm tính khả thi cao. Thu hút mạnh mẽ và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài ngân sách; khuyến khích đẩy mạnh hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Xây dựng danh mục các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng bằng nguồn vốn ODA và các dự án theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển), BT (xây dựng – chuyển giao), PPP (mô hình đầu tư công – tư) để tìm kiếm, vận động các nhà tài trợ, nhà đầu tư triển khai thực hiện. Và một vấn đề đặc biệt nữa là tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư kết cấu hạ tầng, đảm bảo chất lượng công trình, kiểm soát chặt chẽ suất đầu tư, rút ngắn tiến độ thi công.

Nguồn Báo Bình Thuận