Những điểm mới trong quy định về những điều đảng viên không được làm

Từ năm 2001 đến nay, sau mỗi kỳ đại hội của Đảng, Trung ương đều ban hành quy định về những điều đảng viên không được làm. Theo đó, mỗi đảng viên cùng với việc gương mẫu chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước, điều lệ và các quy định của mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội mà mình là thành viên còn phải chấp hành nghiêm chỉnh những điều đảng viên không được làm.

Sau Đại hội IX của Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 19-QĐ/TW ngày 3-1-2002 quy định cụ thể 19 điều đảng viên không được làm. Sau Đại hội X, tháng 3-2007 Bộ Chính trị lại ban hành Quy định số 115-QĐ/TW và sau Đại hội XI, ngày 1-11-2011 Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 47-QĐ/TW thay thế Quy định số 115.

Có một điểm chung là cả 3 quy định trên đều có 19 điều đảng viên không được làm và nhất quán trước sau về quan điểm đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ, vai trò tiên phong gương mẫu và phẩm chất đạo đức của người đảng viên. Song quy định sau so với quy định trước đều thể hiện rõ tính kế thừa, phát triển, được bổ sung những điểm mới, đáp ứng yêu cầu giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên trong điều kiện mới. Theo đó, Quy định số 115 so với Quy định số 19 và Quy định số 47 so với Quy định số 115 đều đã được bổ sung những điểm mới, hoàn thiện hơn nội dung quy định của từng điều. Chẳng hạn, Điều 1, Quy định số 47 so với Điều 1, Quy định số 19 đã được bổ sung những nội dung mới, đầy đủ hơn: Đảng viên không được nói, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép. Cũng như vậy, nội dung cấm ở Điều 2 trong cả 3 quy định (19, 115, 47) đều nhằm đề cao ý thức, trách nhiệm của đảng viên trước việc phát ngôn, cung cấp thông tin, giữ gìn bí mật… nhưng Điều 2 của Quy định 47 đã bổ sung thêm những nội dung cụ thể, sát với thực tế hơn, xác định đảng viên không được: Cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước hoặc những việc chưa được phép công bố; tàng trữ, tuyên truyền, tán phát hoặc xúi giục người khác tuyên truyền tán phát thông tin, tài liệu dưới mọi hình thức để truyền bá những quan điểm trái với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Nội dung ở Điều 3, Quy định số 47 so với những điều ở Quy định số 19 gần như hoàn toàn mới; không chỉ yêu cầu đảng viên, nhất là những đảng viên hoạt động trong lĩnh vực báo chí truyền thông, trong lĩnh vực văn học nghệ thuật phải trung thực, khách quan, không được viết bài, cho đăng tải tin bài sai sự thật, vu cáo, bịa đặt hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử, không đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định. Sáng tác, sản xuất, tàng trữ, tán phát các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật không lành mạnh, mang tính kích động, gây ảnh hưởng xấu trong xã hội…

Nghiên cứu từ Điều 4 đến Điều 10 cho thấy, so với Quy định số 19 thì những nội dung ở Điều 4, Quy định số 47 có nhiều điểm mới, đầy đủ, toàn diện hơn. Đảng không chỉ cấm đảng viên không được tổ chức, xúi giục, tham gia các hoạt động bè phái, chia rẽ, cục bộ, gây mất đoàn kết nội bộ mà còn cấm đảng viên không được lợi dụng việc phát ngôn, nhân danh việc phản ánh, góp ý kiến đối với Đảng để đả kích, vu cáo, xúc phạm người khác hoăc trù dập, trả thù người tố cáo, phê bình, góp ý. Hoặc so với Quy định số 19, số 115 thì Điều 8 trong Quy định số 47 được bổ sung những nội dung mới, xác định rõ hơn trách nhiệm của đảng viên. Ví như: Biết mà không báo cáo, phản ánh, xử lý các hành vi tham nhũng, không thực hiện các quy định về bảo vệ người chống tham nhũng. Ở cả 3 bản quy định, Điều 9 đều nhấn mạnh trách nhiệm của người đảng viên có chức vụ, quyền hạn trong quản lý kinh tế, tài chính; trước việc bố trí cán bộ. Ở Quy định số 47 được viết cô đọng, chặt chẽ, bao quát và đầy đủ nội dung hơn, phù hợp với hoạt động của đảng viên trong điều kiện kinh tế thị trường. Cũng như vậy, Điều 10 của Quy định số 47 đã được bổ sung: đảng viên không được lợi dụng chức vụ để vay mượn tiền, tài sản của đối tượng trực tiếp quản lý.

Tương tự, các Điều 12, 13, 14, 15, 16 của Quy định 47 so với Quy định số 19, 115 cũng được bổ sung, cụ thể hóa, làm rõ hơn các nội dung. Chẳng hạn: Quy định 47, cấm đảng viên đưa, nhận, môi giới hối lộ; lợi dụng vị trí công tác để môi giới đòi công, hoa hồng, đòi thù lao trái quy định (Điều 12). Quy định 19 trước đây chưa đề cập sâu và đầy đủ những nội dung cấm trên. Điều 13, Quy định số 47, bên cạnh nội dung đã có trước là, đảng viên không được kê khai tài sản, thu nhập không đúng quy định, mở tài khoản ở nước ngoài trái quy định, tham gia hoạt động rửa tiền cũng đã được bổ sung: không được báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch, lịch sử bản thân không trung thực.

Hoặc Điều 16, Quy định 47 xác định: Đảng viên không được tự mình hoặc để người trong gia đình, đi du lịch, học tập, tham quan, chữa bệnh ở trong nước hoặc ngoài nước bằng nguồn tài trợ của tổ chức trong nước, hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyên. Trong đó, cụm từ người trong gia đình đã rõ ràng hơn, được cụ thể hóa gồm bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột.

Nếu so với Quy định số 19, thì Điều 17 ở Quy định 47 cũng đã được bổ sung thêm nội dung: Đảng viên không được vi phạm đạo đức nghề nghiệp, có hành vi bạo lực trong gia đình, vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, sống chung với người khác như vợ chồng; bản thân hoặc để con kết hôn với người nước ngoài trái quy định.

Nét chung Điều 18, 19 của Quy định 47 xác định trách nhiệm của đảng viên trong việc xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh, đời sống văn hóa lành mạnh. Theo đó, đảng viên không được mê tín, hoạt động mê tín, lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để trục lợi. Tổ chức việc cưới, việc tang, ngày lễ, ngày tết, sinh nhật, mừng thọ, tân gia, lên cấp, lên chức xa hoa, lãng phí...

Mọi đảng viên chấp hành nghiêm túc quy định về những điều đảng viên không được làm chính là góp phần tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng và giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, tính tiên phong gương mẫu của đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng.

Nguồn Tạp chí Xây dựng Đảng