Ban Văn hóa-Xã hội; Ban Pháp chế HĐND tỉnh: Giám sát tại huyện Ninh Sơn, Ninh Hải và Bác Ái

(NTO) Ngày 5-6, Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND tỉnh đã giám sát về công tác xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thế dục thể thao trên địa bàn huyện Ninh Sơn.

Trong những năm qua, các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao trên địa bàn huyện đạt được kết quả khá. Giáo dục được quan tâm, trình độ giáo viên chuẩn và trên chuẩn các cấp học đạt tỉ lệ 99%. Hệ thống y tế công lập được tổ chức từ huyện đến thôn, khu phố, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hiện nay, 8/8 xã, thị trấn của huyện đều có đội văn hóa TDTT, góp phần đẩy mạnh phong trào TDTT của huyện nhà. Công tác xây dựng thôn, khu phố, gia đình, cơ quan văn hóa thực hiện tốt.

Thay mặt đoàn giám sát, đồng chí Phạm Văn Muộn, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh ghi nhận kết quả mà huyện đạt được. Đồng chí đề nghị trong thời gian tới huyện cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư; hiểu rõ khái niệm về công tác xã hội hóa, không ỷ lại vào nguồn vốn Nhà nước; xây dựng lộ trình của các lĩnh vực, ngành theo quy hoạch tổng thể chung của huyện; tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về công tác xã hội hóa…

Chiều cùng ngày, đoàn tiếp tục có buổi làm việc với huyện Ninh Hải. Từ năm 2007 đến nay, hệ thống trường lớp trong và ngoài công lập của huyện từng bước phát triển, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Hệ thống y tế từng bước chuẩn hóa các phương tiện kỹ thuật, sử dụng có hiệu quả, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tạo uy tín trong nhân dân. Phong trào văn nghệ quần chúng được duy trì và phát triển mạnh. Hoạt động thể dục thể thao ngày càng đổi mới cả về nội dung và hình thức, huyện có 2 sân vận động và nhà thi đấu đa năng, hơn 120 sân tập khác, đáp ứng nhu cầu luyện tập thể thao của người dân.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh đề nghị huyện cần xác định rõ cơ quan, đơn vị theo dõi công tác xã hội hóa để thực hiện tốt hơn; rà soát lại công tác xã hội hóa, từ đó phát huy hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị sẵn có; chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về công tác xã hội hóa các lĩnh vực trên.

• Cùng ngày, Ban Pháp chế HĐND tỉnh có buổi làm việc với Công an huyện Bác Ái về tình hình trật tự an toàn xã hội và công tác đấu tranh phòng, chống, đẩy lùi các loại tội phạm trên địa bàn.

Đại diện Công an huyện Bác Ái báo cáo tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Ảnh: Bảo Bình

Theo báo cáo, từ năm 2009 đến 2011, toàn huyện xảy ra 62 vụ phạm pháp hình sự; tiếp nhận 90 tin báo tố giác tội phạm và 10 đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết. Huyện đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến đến đông đảo nhân dân trên địa bàn về Luật Giao thông Đường bộ, Luật Cư trú; thông báo các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm và phát động phong trào thi đua toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Tại buổi làm việc, Công an huyện Bác Ái cũng trình bày những khó khăn trong công tác đấu tranh phòng, chống, đẩy lùi các loại tội phạm trên địa bàn hiện nay, đặc biệt là sự thiếu thốn về cơ sở vật chất; nguồn nhân lực …

Đồng chí Lê Đình Cẩn, Phó Ban Pháp chế HĐND tỉnh ghi nhận những kết quả trong công tác đấu tranh phòng, chống, đẩy lùi các loại tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn của Công an huyện Bác Ái thời gian qua; đồng thời đề nghị đơn vị tiếp tục xây dựng các phương án phù hợp để đối phó với tình hình tội phạm đang có chiều hướng gia tăng tại địa phương...