“Học kỳ trong quân đội” - Giám sát thế nào?

Cuối tháng 5-2012, TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam đã có Hướng dẫn liên tịch về việc tổ chức chương trình "Học kỳ quân đội" (HKQĐ) trong thanh thiếu niên (TTN) giai đoạn 2012-2015. Đây là việc làm thiết thực nhằm chuẩn hóa các lớp HKQĐ, bảo đảm quyền lợi cho học viên và cả đơn vị tổ chức.

Thí điểm tổ chức năm 2007 tại khu vực miền Nam và được nhân rộng trong toàn quốc năm 2008, mô hình HKQĐ đã thu hút sự quan tâm của nhiều học sinh và phụ huynh vào các dịp hè. Điểm nổi bật của chương trình là giúp các em trải nghiệm cuộc sống làm chiến sĩ, giáo dục kỹ năng sống, biết chia sẻ, vượt qua khó khăn… đến việc vui chơi tập thể, múa hát, dân vũ… Vì vậy, ngày càng nhiều gia đình đăng ký cho con em tham gia.

Những chiến sĩ “nhí” hành quân về đơn vị. Ảnh: Bá Hoạt

Có cầu ắt có cung, sự bùng nổ của phong trào cho con em tham gia HKQĐ khiến cho nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN) "vào cuộc" tổ chức rầm rộ, có năm làm hai, ba khóa. Điều đáng nói ở đây là khung chương trình mỗi nơi một khác, tên gọi, thời gian tổ chức cũng khác nhau, tiền thu mỗi nơi một kiểu, kèm theo là sự phụ thuộc vào sự tài trợ của các đơn vị, DN khiến nhiều người lo ngại chương trình bị thương mại hóa. Ở một số địa phương, tên chương trình thường là: "Trại kỳ quân đội", "Trại hè kỹ năng sống", "Trại hè xanh", "Trải nghiệm làm chiến sĩ". Đơn vị chủ trì phổ biến là Đoàn Thanh niên nhưng một số nơi còn cả DN, trường học… tham gia. Do không có khung chuẩn, thậm chí có nơi còn đưa cả nội dung lễ hội của nước ngoài vào chương trình, thiếu đi nét văn hóa đặc sắc các vùng miền của Việt Nam.

Trước sự không đồng nhất về khung chương trình, ngày 25-5 mới đây, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã ban hành Hướng dẫn liên tịch số 723 HDLT/TCCT- TƯĐTN về việc tổ chức chương trình HKQĐ trong TTN giai đoạn 2012- 2015, làm cơ sở để thống nhất trong công tác chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện chương trình này trên phạm vi cả nước. Theo đó, HKQĐ là mô hình giáo dục tổng hợp dành cho TTN tại đơn vị quân đội do Đoàn Thanh niên phối hợp với các đơn vị thuộc LLVT và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức. Các đơn vị này phải có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nơi ăn, nghỉ, thao trường, bãi tập, dụng cụ huấn luyện và bảo đảm được các nội dung huấn luyện nêu trong chương trình khung (gồm 3 phần: 40% giáo dục quốc phòng, 40% giáo dục kỹ năng và 20% hoạt động bổ trợ).

Thiếu tá Thái Đức Hạnh, Trưởng ban Thanh niên Quân đội - cơ quan thường trực tổ chức chương trình HKQĐ trong toàn quân cho biết, kinh phí, vật chất phải bảo đảm thực hiện đúng quy định, an toàn, tiết kiệm, thống nhất. Không sử dụng ngân sách quốc phòng chi cho các hoạt động của HKQĐ. Cán bộ, giáo viên, hướng dẫn viên, tình nguyện viên là CBCS của các đơn vị bộ đội chủ yếu hoạt động theo chế độ tình nguyện (không trả và nhận tiền thù lao). Đặc biệt, các đơn vị quân đội không được sử dụng các loại vũ khí (trừ súng trường CKC và tiểu liên AK), trang bị kỹ thuật huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị cho lớp học; không để các học viên ngủ giường tầng; không tổ chức luyện tập ngoài trời khi thời tiết quá nắng nóng, mưa; không tập bơi trong các đơn vị quân đội, không tổ chức các hoạt động khi không bảo đảm các điều kiện an toàn… Các đơn vị quân đội đăng cai chỉ được thu các khoản tiền vật chất tiêu hao như điện, nước, chi phí sinh hoạt.

Có thể khẳng định, mô hình này thực sự có ý nghĩa, hiệu quả thiết thực, giúp TTN làm quen với môi trường quân đội, rèn luyện tính tự chủ, bản lĩnh, nền nếp, kỷ luật, tác phong của người chiến sĩ, đồng thời giúp các em tìm hiểu về truyền thống lịch sử, văn hóa Việt Nam, từ đó thêm tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và truyền thống anh hùng của QĐND Việt Nam. Vì thế, trung tuần tháng 5-2012, khi có thông tin tạm dừng triển khai chương trình HKQĐ để chờ một khung chuẩn đã khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Bởi thực tế hiện nay, chưa có mô hình giảng dạy bổ trợ nào vừa bồi đắp tình yêu Tổ quốc, vừa bồi dưỡng kỹ năng xã hội, kỹ năng sống, có trách nhiệm với bản thân, với bạn bè, gia đình, lại còn được vui chơi, dã ngoại… như mô hình HKQĐ đã được tổng hợp qua sự trải nghiệm thực tiễn cuộc sống người lính; do vậy, rất cần được nhân rộng trong các cấp bộ đoàn. Tuy nhiên, để tránh được thương mại hóa chương trình, hạn chế việc tổ chức lộn xộn, kém hiệu quả, gây ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và QĐND Việt Nam, ngoài việc kiểm tra, giám sát tổ chức chương trình, thì công tác tuyên truyền cũng cần đẩy mạnh trong hệ thống đoàn, hội, nhất là trong TTN và phụ huynh học sinh, giúp họ tiếp cận đúng khung chuẩn HKQĐ.

Nguồn Báo Hànộimới