Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030

Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2015 đạt 80% trở lên hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa (khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn đạt 70% trở lên). Đến năm 2020, tỷ lệ này tăng lên tương ứng là 85% và 75% trở lên.

 
Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sư là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội
Ảnh minh họa

Hằng năm, trung bình giảm từ 10 - 15% hộ gia đình có bạo lực gia đình, hộ gia đình có người mắc tệ nạn xã hội.

Phấn đấu đến năm 2015 đạt 85% và năm 2020 đạt 95% hộ gia đình dành thời gian chăm sóc, dạy bảo con, cháu, tạo điều kiện cho con, cháu phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, đạo đức và tinh thần, không phân biệt con, cháu là trai hay gái...

Đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sống cho các thành viên gia đình

Để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, cần đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức truyền thông về xây dựng gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình. Chú trọng hình thức tuyên truyền bằng các thông điệp trên các phương tiện thông tin đại chúng; chú trọng đối tượng tuyên truyền là nam giới.

Bên cạnh đó, tích cực đẩy mạnh tuyên truyền nêu gương người tốt, việc tốt, phê phán những biểu hiện không đúng trong việc xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, phê phán những biểu hiện không lành mạnh ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, cảnh báo các nguy cơ và hậu quả về mất cân bằng giới tính khi sinh.

Chiến lược cũng đặt nhiệm vụ phải đẩy mạnh giáo dục, cung cấp cho các thành viên gia đình về chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến gia đình; kỹ năng sống (kỹ năng làm cha mẹ, nâng cao chất lượng mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình với nhau và với cộng đồng, xây dựng gia đình là một môi trường an toàn cho trẻ em); trách nhiệm của nam giới đối với công việc trong gia đình, đối với việc bảo đảm quyền của phụ nữ trong gia đình;...

Lồng ghép kiến thức xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, phòng, chống bạo lực gia đình vào các chương trình giáo dục, đào tạo phù hợp với yêu cầu của từng ngành học, cấp học.

Trợ giúp xã hội thường xuyên cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Một trong các giải pháp quan trọng được Chiến lược đưa ra là rà soát tổng thể các chính sách để điều chỉnh và mở rộng về trợ giúp xã hội thường xuyên cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ưu tiên hỗ trợ trẻ em hộ nghèo ở vùng dân tộc miền núi; hoàn thiện cơ chế, chính sách và phương thức tổ chức thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả trợ giúp đột xuất để giúp các hộ gia đình gặp rủi ro, thiên tai... kịp thời khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

Bên cạnh đó, bảo đảm cho các hộ gia đình tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu về giáo dục, y tế, nhà ở nước sạch, thông tin. Ưu tiên cho gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình ở huyện nghèo, xã nghèo vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Nguồn www.chinhphu.vn