An ninh nông thôn - Vấn đề cần trong xây dựng nông thôn mới

(NTO) Toàn tỉnh có 65 xã, phường, trong đó có 47 xã được nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), với dân số chiếm khoảng 64,3%; ngoài 1 xã thuộc địa bàn thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, còn lại 46 xã thuộc địa bàn 6 huyện.

Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, tiêu chí cuối cùng phải đạt là an ninh, trật tự xã hội được giữ vững. Vì vậy trong tiến trình triển khai xây dựng NTM, an ninh nông thôn đang là vấn đề được cấp ủy, chính quyền các cấp hết sức quan tâm.

Lực lượng Công an và Dân phòng thị trấn Tân Sơn (huyện Ninh Sơn) thường xuyên họp giao ban
nắm tình hình an ninh- trật tự tại địa phương. Ảnh: Sơn Ngọc

Theo đề án Xây dựng NTM của tỉnh, đảm bảo an ninh nông thôn chính là việc phòng ngừa, phát hiện và giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện, “điểm nóng”. Những năm qua, kết quả công tác này của các cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng Công an (CA) ngày càng được cải tiến, nâng cao hiệu quả và góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa phương tiếp tục phát triển, huy động được sức mạnh của nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. CA các đơn vị, địa phương đã tăng cường lực lượng bám sát địa bàn, kịp thời phát hiện tình hình, huy động các ngành, các đoàn thể xã hội tham gia gặp gỡ, vận động các chức sắc, trưởng tộc họ, người có uy tín trong nhân dân đứng ra giải quyết tình hình phức tạp về an ninh-trật tự (ANTT) nổi lên ở nông thôn như tại các xã Phước Thái (Ninh Phước), Phước Nam (Thuận Nam), Nhơn Sơn (Ninh Sơn). Từ đầu năm đến nay, các ngành, các đoàn thể của các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Hải, Thuận Bắc, Ninh Phước thường xuyên phối hợp với lực lượng CA tổ chức các buổi họp phát động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, kết hợp đưa những đối tượng vi phạm pháp luật ra kiểm điểm trước dân, đồng thời phối hợp với CA tham gia giải quyết các vụ mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện trong nhân dân, không để phát sinh “điểm nóng”. Lực lượng CA xã đã phối hợp với lực lượng dân phòng, dân quân tổ chức trên 2.500 ca tuần tra, kiểm soát trên các địa bàn giáp ranh, kịp thời phát hiện 20 vụ trộm cắp, giải tán gần 150 nhóm thanh thiếu-niên hư, tụ tập đánh nhau.

Thôn Văn hóa Chất Thường (xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước). Ảnh: Duy Anh

Qua đánh giá bước đầu, về cơ bản 100% xã xây dựng NTM hiện nay đều giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, việc giải quyết những phức tạp nảy sinh trong quá trình phát triển ở khu vực nông thôn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đòi hỏi. Nhiều vụ không được giải quyết dứt điểm, để kéo dài tích tụ thành vấn đề lớn và từ một vài người khiếu kiện kéo theo đông người, ảnh hưởng đến ANTT ở từng địa phương. Thượng tá Nguyễn Hữu Chung, Trưởng phòng xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

(PV 28- CA tỉnh) cho biết: “Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh ta thời gian gần đây rất đáng lo, ở nông thôn hoạt động của các loại tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp; ý thức tự quản, tự phòng của từng gia đình, thôn xóm chưa cao.” Về trật tự xã hội nổi lên tình trạng cướp, cướp giật, trộm cắp xe máy, trộm cắp tài sản, vật nuôi của nhân dân; tình trạng thanh-thiếu niên côn đồ, càn quấy, tụ tập thành nhóm, dùng hung khí đánh nhau gây thương tích, làm mất ANTT; tình trạng thanh-thiếu niên đi xe máy phóng nhanh, vượt ẩu, nẹt pô xe làm náo loạn khu đông dân cư, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội. Tệ nạn cờ bạc, đá gà ăn tiền… vẫn diễn biến phức tạp, nhất là các địa bàn giáp ranh như xã Phước Trung (Bác Ái), Xuân Hải, Thanh Hải (Ninh Hải), An Hải (Ninh Phước).

Trước những vấn đề đặt ra về an ninh nông thôn, theo Thượng tá Nguyễn Hữu Chung, điều trước tiên là phải làm chuyển biến nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân dân địa phương về trách nhiệm bảo vệ trật tự trị an tại địa phương. Trong thực tế nhiều nơi vẫn còn cho rằng giữ gìn an ninh nông thôn là chuyện của CA nên đã không tích cực phối hợp. Kinh nghiệm ở xã Phước Thái và thôn Lương Tri (Nhơn Sơn) đã chứng minh nếu có sự phối hợp giữa các tổ chức đoàn thể và CA sẽ giải quyết hiệu quả các mâu thuẫn trong nhân dân. Mặt khác, người dân phải tích cực hợp tác, cung cấp thông tin cho CA và chủ động tham gia các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm. Tâm lý chung của người dân là sợ bị trả thù nên không dám mạnh dạn tố giác tội phạm với CA nên việc điều tra, truy bắt luôn gặp nhiều khó khăn. Ngược lại nếu có sự tham gia của người dân, như ở xã Hòa Sơn và thôn Nha Húi ( Mỹ Sơn), việc truy bắt tội phạm sẽ nhanh chóng và ANTT được giữ vững.

Hiện nay, để rút kinh nghiệm chỉ đạo nhân rộng việc thực hiện các chỉ tiêu đảm bảo ANTT xã hội nông thôn theo tiêu chí 19 ở các xã, CA tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện ở 2 xã điểm xây dựng NTM của tỉnh là Xuân Hải và Phước Thái. Trong đó trọng tâm là xây dựng Tổ nhân dân tự quản hoạt động hiệu quả, thực sự là cầu nối giữa chính quyền với nhân dân trong việc giữ gìn an ninh nông thôn.

Đại tá Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Công an tỉnh:

Nhìn chung thời gian qua lực lượng CA các cấp đã chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, biết vận dụng, lồng ghép phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” với phong trào cách mạng khác đang triển khai thực hiện ở địa phương, chăm lo xây dựng nhân rộng các mô hình quần chúng tự quản về ANTT ở cơ sở. Trong thời gian tới, để làm tốt hơn việc ổn định ANTT vùng nông thôn, CA tỉnh đang triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tham mưu chính quyền các cấp tổ chức tổng kết 6 năm thực hiện Quyết định 133/QĐ-UB của UBND tỉnh về "Phối hợp giải quyết tình hình ANTT vùng giáp ranh”, phối hợp với Hội Phụ nữ tỉnh tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01/NQLT về “Quản lý giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” giai đoạn 2008-2012, triển khai kế hoạch phối hợp giai đoạn 2012-2017. Đặc biệt tiếp tục chỉ đạo triển khai xây dựng, củng cố mô hình “Tổ nhân dân tự quản về ANTT” theo Quyết định số 63/QĐ ngày 18-11-2011 của UBND tỉnh, chỉ đạo các địa phương củng cố, xây dựng, nhân rộng các mô hình như: Tộc họ (dòng họ) tự quản vế ANTT, cụm liên kết an toàn về ANTT giữa các cơ quan, doanh nghiệp, trường học và chính quyền địa phương trên cùng địa bàn.
Đồng chí Hoàng Sinh, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hải (Ninh Hải):

Là xã điểm xây dựng chương trình nông thôn mới của tỉnh, Xuân Hải đã tổ chức quán triệt các văn bản pháp luật liên quan đến công tác đảm bảo ANTT để mọi người dân cùng biết, tích cực tham gia thực hiện. Trên địa bàn cũng còn xảy ra một số vụ việc liên quan đến ANTT …Chính quyền xã đã phối hợp với đoàn thể, ban, ngành kịp thời xử lý các đối tượng vi phạm. Xã đã thành lập tổ phản ứng nhanh ở 3 thôn Phước Nhơn 1, 2, 3 và hoạt động rất hiệu quả, góp phần ổn định tình hình địa phương. Hiện nay, địa phương tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân; vận động quần chúng tích cực tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nâng cao tinh thần đấu tranh tố giác tội phạm; củng cố các mô hình tộc họ tự quản về ANTT; nắm chắc các đối tượng thường xuyên vi phạm về ANTT để theo dõi, phối hợp với gia đình có biện pháp giáo dục răn đe.
Đồng chí Thành Thanh Luyện, Phó Trưởng Công an xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn):

Là địa bàn có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, nên việc đảm bảo ANTT có ý nghĩa hết sức quan trọng. Ban CA xã phối hợp với CA huyện tổ chức các đợt cao điểm tuần tra trên địa bàn từ 22h đến 3h sáng hôm sau vào các ngày trong tuần; đẩy mạnh công tác dân vận, tuyên truyền lồng ghép vào hoạt động của các hội, đoàn thể, ban, ngành tại địa phương để giáo dục, nâng cao tinh thần cảnh giác, tích cực tham gia phòng, chống tội phạm của người dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để xây dựng nông thôn mới.