Ðổi thay ở vùng đất những người mang họ Bác Hồ

Dưới cái nắng chói chang, oi ả của những ngày đầu hè, chúng tôi về xã Thượng Nhật, huyện Nam Ðông, tỉnh Thừa Thiên - Huế, nơi có đồng bào dân tộc Cà Tu chiếm số đông, với hơn 40% số người mang họ Hồ. Mặc dù hơn 40 năm đã trôi qua nhưng các thế hệ người Cà Tu vẫn luôn tự hào nhắc nhở con cháu về nguồn gốc được mang họ Bác Hồ.

Sáng nào cũng vậy, người thương binh già Hồ Xuân Hương ở thôn Lập, xã Thượng Nhật, thận trọng gỡ tấm ảnh Bác Hồ ở phòng khách xuống để lau chùi sạch sẽ. Ðôi bàn tay xương gầy, rắn rỏi của người đảng viên 68 tuổi đời, 45 năm tuổi Ðảng này lau qua, lau lại không bỏ sót hạt bụi nhỏ nào trên khung ảnh. Mỗi lần lau ảnh Bác Hồ, bác Hương cảm thấy tâm hồn mình thật thanh thản, trong sáng và thầm hứa với Bác phải sống tốt hơn, làm nhiều việc có ích hơn.

Kinh tế vườn đã góp phần nâng cao thu nhập cho người Cà Tu tại xã Thượng Nhật.

Khi được hỏi về nguyên do được mang họ Bác Hồ của đồng bào Cà Tu, bác Hương thay đổi sắc mặt, đôi mắt rưng rưng. Trầm ngâm một lát, bằng giọng nói ấm áp đặc trưng của người xứ Huế, bác Hương kể rằng: Ðồng bào Cà Tu biết đến Bác Hồ là nhờ cán bộ người Kinh lên công tác, bám đất, bám rừng, giúp đồng bào đoàn kết, chống giặc, cứu nước. Cán bộ còn kể rằng, Bác căn dặn, người Kinh với người Thượng là một, phải coi nhau như anh em ruột thịt, phải chống giặc dốt, giặc đói và giặc ngoại xâm và giữ gìn vệ sinh chung, ăn chín, uống sôi. Những lời căn dặn của Người thật giản dị, sâu sắc và cũng dễ nhớ, dễ làm theo. Trong những ngày tháng đau thương khi Bác Hồ mất, người Cà Tu, Tà Ôi, Pa Cô, Pa Hy ở vùng Nam Ðông, A Lưới cũng như đồng bào cả nước thương nhớ Bác rất nhiều. Sau đó, họ xin được nhận họ Bác làm họ chính thức của mình để luôn ghi nhớ lời dạy của Bác, quyết tâm chiến thắng kẻ địch, thống nhất đất nước.

Rời nhà bác Hương, chúng tôi đến thăm nhiều gia đình họ Hồ khác trong xã. Ở gia đình nào, ảnh Bác cũng được treo trang trọng nơi phòng khách hoặc trên bàn thờ tổ tiên. Theo giải thích của các gia đình, từ lâu nay, người Cà Tu ở Thượng Nhật luôn trân trọng việc treo ảnh Bác Hồ trong gia đình. Ðây là cách ghi nhớ công ơn trời biển của Người và có ý nghĩa thiết thực trong việc giáo dục đạo đức, lòng yêu quê hương đất nước cho con cháu họ.

Trao đổi ý kiến với đồng chí Bí thư Ðảng ủy xã Lê Thanh Họt chúng tôi được biết, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhiều người con ưu tú của Thượng Nhật đã chiến đấu anh dũng, không tiếc máu xương. Nhiều người trong số họ đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Người trở về thì mang trong mình những thương tật do chiến tranh để lại. Nhưng dù trong thời chiến hay thời bình, họ luôn xứng đáng là những người Cà Tu đầu tiên được mang họ Bác Hồ; là tấm gương sáng để các con cháu học tập và noi theo. Tiêu biểu như các thương binh Hồ Xuân Hương, Hồ Nam, Hồ Văn Thuân... Hết chiến tranh, nhớ lời Người dặn "Thương binh tàn nhưng không phế", các đồng chí đã biến mảnh đất khô cằn này thành những ruộng lúa, rừng cây keo, cao-su xanh mát. Nhiều trang trại VACR đã mọc lên theo mô hình kết hợp nuôi cá chình, lợn, gà, bò và trồng rừng mang lại hiệu quả cao. Bình quân thu nhập các gia đình đạt từ 80 đến 100 triệu đồng/năm. Học tập cách làm ăn của những thương binh mang họ Bác Hồ, nhiều gia đình trong xã đã thoát nghèo và vươn lên trở thành hộ khá như hộ anh Hồ Văn Lùng, Hồ Văn Ðoàn... Bộc bạch với chúng tôi, anh nông dân Hồ Văn Sành cho biết: Gia đình mình bây giờ đã có gạo trắng để ăn, không phải ăn khoai, sắn độn cơm như trước nữa. Nghe lời cán bộ xã, mình chăm chỉ làm ăn, cho con đi học lấy cái chữ dưới trường huyện. Bà con xã mình được như ngày hôm nay là do biết đoàn kết, một lòng theo Ðảng, theo Bác Hồ...

Ðảng bộ xã Thượng Nhật hiện có 105 đảng viên sinh hoạt ở mười chi bộ, trong đó có bảy chi bộ thôn, khu dân cư; 7/17 đồng chí cán bộ chủ chốt các ngành, đoàn thể của xã mang họ Bác Hồ. Tiếp nối truyền thống anh dũng, kiên trung của cha anh trong kháng chiến, những đồng chí cán bộ, lãnh đạo xã như: Hồ Thị Hòa, Hồ Thành Lợi, Hồ Văn Duyệt... đã không ngừng học tập, nâng cao trình độ học vấn; làm tốt vai trò tiền phong gương mẫu của người cán bộ, đảng viên; tích cực tuyên truyền xóa bỏ các tập tục, hủ tục lạc hậu, vươn lên cuộc sống văn minh; giúp nhiều hộ thoát nghèo bằng cách trồng trọt, chăn nuôi theo phương pháp mới; hằng năm bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng được gần mười đảng viên cho Ðảng bộ... Một niềm vui lớn đến với Thượng Nhật là vào giữa năm 2010, xã được tỉnh chọn làm điểm về xây dựng nông thôn mới. Khi bắt đầu thực hiện, xã đạt được ba tiêu chí, đến nay cơ bản đạt 8/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới của T.Ư; diện tích trồng cây lương thực đạt 304 ha; năng suất lúa đạt gần năm tấn/ha; diện tích trồng cây cao-su đạt 345 ha; diện tích rừng trồng đạt gần 530 ha; tổng đàn trâu, bò là gần 400 con. Không bằng lòng với những kết quả đã đạt được, Ðảng bộ và nhân dân xã phấn đấu đến hết nhiệm kỳ cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ðể đạt được mục tiêu đề ra, Ðảng ủy xã đã sớm quán triệt, thực hiện nghị quyết về xây dựng nông thôn mới; phân công các đồng chí Ðảng ủy viên tích cực chỉ đạo các ngành, lĩnh vực, địa bàn; ban hành các giải pháp cụ thể như, trước mắt phấn đấu hết năm 2012 bình quân thu nhập đầu người đạt 11,5 triệu/người/ năm; vận động các gia đình tham gia mở đường liên thôn theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm; đẩy mạnh sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng hàng hóa để nâng cao thu nhập cho nhân dân; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 5%.

Giờ đây, đêm đêm bên bếp lửa bập bùng, những già làng, trưởng bản của đồng bào Cà Tu ở Thượng Nhật thường nhắc nhở các thế hệ con cháu mang họ Bác Hồ của mình về lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Ðồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Ðê, Xê Ðăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau"...

Nguồn Báo Nhân Dân Online