Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII sẽ xem xét Đề án tái cơ cấu kinh tế

Chiều 17-5, tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo giới thiệu về chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, khai mạc vào ngày 21-5 và dự kiến kết thúc vào ngày 21/6/2012.

Họp báo giới thiệu về chương trình Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII - Ảnh VGP/Thành Chung

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng cho biết, Kỳ họp thứ 3 sẽ có 42 phiên họp toàn thể tại hội trường (trong đó có 15 phiên được truyền hình và phát thanh trực tiếp trên Đài truyền hình và Đài phát thanh quốc gia). Số phiên thảo luận toàn thể như vậy là tăng lên so với con số trung bình 38,5 phiên ở khóa Quốc hội XII. Do đó, số phiên thảo luận tại tổ giảm chỉ còn 8 phiên.

Kỳ họp này sẽ thông qua 13 dự án luật, 7 Nghị quyết của Quốc hội, cho ý kiến 6 dự án luật.

Quốc hội sẽ thảo luận và cho ý kiến 10 nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng. Trong đó có Tờ trình của Chính phủ và báo cáo các ý kiến của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về Đề án tổng thế tái cơ cấu nền kinh tế. Ông Nguyễn Sỹ Dũng cho biết đây là vấn đề lớn, vẫn còn thời gian để Quốc hội xem xét, cho ý kiến, trên cơ sở đó hoàn thiện Đề án này.

Tiếp đến, Quốc hội cho ý kiến về các giải pháp thuế của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012; đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011 và việc triển khai thực hiện năm 2012; báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri, kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2…

Đối với báo cáo về tình hình khiếu nại, tố cáo, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Ban công tác đại biểu sẽ có văn bản trình trước Quốc hội cùng với báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ gửi đến các đại biểu tự nghiên cứu về công tác phòng, chống tham nhũng, để thảo luận vào kỳ họp cuối năm nay.

Đối với việc bỏ phiếu tín nhiệm (một trong những nội dung của Đề án đổi mới hoạt động Quốc hội sẽ được thông qua bằng một Nghị quyết tại Kỳ họp này), Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết sẽ sửa quy định 20% tổng số đại biểu đồng ý bỏ phiếu tín nhiệm thì Quốc hội mới thực hiện để việc này được diễn ra hàng năm. Tuy nhiên, dù Quốc hội thông qua được nội dung này thì vẫn chưa thể bỏ phiếu tín nhiệm được ngay vì cần phải có quy chế, quy trình.

Đối với chức danh nào sẽ trả lời chất vấn tại Kỳ họp này, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Đoàn thư ký Kỳ họp sẽ tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội để chọn ra những ai sẽ trả lời chất vấn.

Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến trường hợp đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến (đoàn Long An), ông Trần Hạnh Phúc cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội bãi miễn tư cách đại biểu đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến. 

13 dự án Luật dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp lần này gồm: Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật Phòng chống rửa tiền; Luật Giáo dục đại học; Luật Phòng chống tác hại thuốc lá; Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật giá; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Giám định tư pháp; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Quảng cáo; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Luật Biển Việt Nam.
Nguồn www.chinhphu.vn