Đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở

(NTO) Trong năm qua, nhìn từ các xã, phường, thị trấn, có thể thấy việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở của tỉnh ta đã có nhiều cố gắng, thể hiện qua phân công các thành viên phụ trách địa bàn, cụ thể hóa QCDC và công khai cho dân biết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và nhiều lĩnh vực hoạt động khác. Hình thức công khai cũng rất đa dạng như: Niêm yết tại trụ sở UBND, thông báo trên đài truyền thanh, qua các cuộc họp của Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội, qua họp thôn, khu phố, tổ tự quản và họ tộc tự quản.

Cán bộ phòng tiếp dân phường Phủ Hà (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) giải quyết hồ sơ của công dân.

Tìm hiểu việc thực hiện QCDC ở cơ sở trên các địa bàn huyện, thành phố, chúng tôi được biết nhiều nơi đã đưa vấn đề ra cho nhân dân thảo luận, lựa chọn, quyết định; đồng thời tham gia trực tiếp giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án đầu tư góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Đa số xã, phường, thị trấn tiếp tục triển khai và hoàn thiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại của công dân và hòa giải các mâu thuẫn trong nhân dân. Đặc biệt gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều xã điểm của tỉnh như Phước Thái (Ninh Phước), Xuân Hải (Ninh Hải), Nhơn Sơn (Ninh Sơn) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thông báo đến nhân dân để lấy ý kiến tham gia vào quy hoạch xây dựng hạ tầng nông thôn, quy hoạch khu dân cư và các kế hoạch sản xuất.

Không chỉ xã, phường, thị trấn, ngay các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trong tỉnh cũng duy trì hiệu quả việc triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở, thể hiện qua việc tiếp tục rà soát, bổ sung cụ thể quy chế làm việc, quy chế chi tiêu tài chính nội bộ, quy chế về quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ, quy chế quản lý tài sản công…Nhiều cơ quan, đơn vị đã xây dựng mạng thông tin điện tử để quản lý công việc, quản lý cán bộ, công chức, công khai tài chính, công khai các thủ tục hành chính, công khai các công trình dự án, hạng mục đầu tư, đánh giá sự hài lòng của người dân và tổ chức. Có cơ quan, đơn vị đã tổ chức đối thoại trực tiếp để giải thích, hướng dẫn và vận động tuyên truyền nhân dân khi có đông người thắc mắc, khiếu nại hoặc chưa rõ việc thực thi các chính sách, quy định của Nhà nước. Đáng nói các thủ tục hành chính ở tỉnh ta đã được cải cách theo hướng thuận lợi, đơn giản, giảm phiền hà để phục vụ nhân dân tốt hơn; công tác tiếp nhận giải quyết khiếu nại, tố cáo được chú trọng hơn. Tính trong năm qua, toàn tỉnh đã tiếp nhận 2.346 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, tăng 530 lượt người, chủ yếu liên quan đến việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư trong quá trình thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội. Trong các đơn, thư khiếu nại, tố cáo có 1.313 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính các cấp trong tỉnh. Kết quả đã có 1.290 đơn được giải quyết, đạt 98%.

Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện QCDC ở cơ sở vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Chẳng hạn một số xã, phường, thị trấn mới chia tách, thành lập chưa quan tâm thành lập Ban chỉ đạo QCDC ở cơ sở; có xã chưa kịp thời bổ sung, thay thế để kiện toàn ban chỉ đạo; có nơi thành lập ban chỉ đạo nhưng còn hình thức, không có kế hoạch triển khai cũng như không thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Mặt khác, ý thức của người dân cũng là vấn đề cần được quan tâm. Nhiều người dân không nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của mình trong thực thi pháp luật, lợi dụng việc khiếu nại theo pháp luật để gây khó khăn, kéo dài, không chấp hành các quy định, triển khai của chính quyền. Nhiều nơi có tình trạng nhân dân ít tham gia các cuộc họp, giả dụ có đi họp cũng chẳng màng tham gia góp ý xây dựng địa phương.

Theo Ban chỉ đạo Tỉnh ủy về thực hiện QCDC ở cơ sở, trong thời gian tới nhiệm vụ đầu tiên là phải tiếp tục củng cố, kiện toàn, bổ sung quy chế hoạt động và phân công các thành viên của ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở các cấp. Các cơ quan nhà nước từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục cụ thể hóa các quan điểm của Đảng về thực hiện QCDC ở cơ sở và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Trong đó điều tiên quyết là phải nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể xã, phường, thị trấn trong việc đảm bảo thực hiện QCDC ở cơ sở; đặc biệt là hướng dẫn thôn, khu phố điều chỉnh, bổ sung quy ước, hương ước, đồng thời tổ chức cho người dân ký cam kết trong việc thực hiện đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự và đóng góp xây dựng phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Đồng chí Trần Minh Lực, Ủy viên Ban Thường vụ- Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy - kiêm Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo Tỉnh ủy thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở:

Để tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện QCDC ở cơ sở theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, đối với địa bàn dân cư, đề nghị Sở Tư pháp có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn việc rà soát quy ước, hương ước thôn, khu phố, căn cứ thực tế hiện nay trên từng địa bàn để bổ sung cho phù hợp. Trong đó có hướng dẫn thực hiện thí điểm “bản cam kết” trong cộng đồng dân cư trên một số nội dung quy ước. Trong năm nay, Sở Tư pháp cần chọn thực hiện thí điểm một số cơ sở thôn, khu phố thực hiện các cam kết nêu trên. Đề nghị Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận kịp thời biểu dương, khen thưởng các điển hình về thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đồng thời phê phán, đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng; lợi dụng dân chủ để kích động, lôi kéo nhiều người gây mất an ninh trật tự xã hội.
Đồng chí Trần Hoài Tài, Chủ tịch UBND phường Mỹ Hương ( Tp. Phan Rang – Tháp Chàm):

Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, trong tất cả mọi hoạt động, cấp ủy, chính quyền địa phương đều chủ động công khai lấy ý kiến của nhân dân. Nhờ vậy, vai trò tích cực của người dân trong thực hiện QCDC được phát huy tối đa. Thực tế, những chương trình mục tiêu tại địa phương như xây dựng hạ tầng cơ sở (hệ thống chiếu sáng, đường giao thông, công trình công cộng, vệ sinh môi trường,…), xây dựng quy ước khu dân cư, tuyên truyền và phổ biến pháp luật,… đều được thực hiện rất tốt, có hiệu quả. Để làm được điều đó, chúng tôi luôn coi trọng việc đối thoại trực tiếp với nhân dân, xây dựng khối đoàn kết, đẩy mạnh cải cách hành chính, gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phước Hải (Ninh Phước):

Để thực hiện một cách có hiệu quả về thực hiện QCDC ở địa phương, Ban chỉ đạo thực hiện QCDC cơ sở ở xã luôn quan tâm xây dựng hương ước, quy ước phù hợp với từng thôn; thực hiện công khai các khoản hỗ trợ, chương trình dự án để dân biết, lấy ý kiến của nhân dân, nhân dân đồng tình. Qua thực hiện QCDC ở cơ sở, đại bộ phận quần chúng nhân dân tỏ ra phấn khởi khi biết rõ quyền và nghĩa vụ của mình trong việc tham gia giám sát hoạt động ở địa phương, tích cực tham gia cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Từ đó củng cố, tăng cường tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong nội bộ nhân dân, giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.