Công đoàn ngành Giáo dục với phong trào thi đua “Lao động giỏi- lao động sáng tạo”

(NTO) Thời gian qua, phong trào thi đua “Lao động giỏi – Lao động sáng tạo ” trong ngành Giáo dục tỉnh nhà luôn gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Hai không”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; “ Hai tốt ”... với nhiều hình thức đa dạng và phong phú, mang lại hiệu quả thiết thực.

Để phát huy tốt khả năng sáng tạo trong mỗi giáo viên, Công đoàn ngành đã phối hợp với chính quyền đồng cấp thành lập Hội đồng nghiên cứu khoa học, Hội đồng sáng kiến các cấp; Hội đồng thi đua-khen thưởng, qua đó tổ chức đánh giá kết quả thực hiện các đề tài sáng kiến, cải tiến hợp lý hoá và khen thưởng động viên kịp thời các cá nhân có thành tích, nên đã tạo môi trường thuận lợi để giáo viên nuôi dưỡng ý tưởng sáng tạo, phát triển thành những sáng kiến, đề tài khoa học có giá trị thực tiễn.

Giờ học của cô và trò Trường THCS Nguyễn Văn Linh, xã Vĩnh Hải, Ninh Hải. Ảnh: V.Miên

Từ đó đã dấy lên phong trào thi đua, học tập, lao động sáng tạo sôi nổi trong đội ngũ giáo viên và người lao động toàn ngành. Kết quả, trong 5 năm qua, đã có 602 sáng kiến, kinh nghiệm được công nhận ở cấp ngành (trong đó có 12 sáng kiến được xếp loại tốt; 148 sáng kiến được xếp loại khá); 1 sáng kiến của thầy giáo Lê Đặng Huỳnh Sơn, Trường THPT Nguyễn Trãi, với đề tài: “Dùng các thiết bị sẵn có để phục vụ cho quá trình dạy học” được xếp loại khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật tỉnh Ninh Thuận tổ chức lần thứ I- năm 2010. Một số đề tài tiêu biểu đang được ứng dụng vào thực tiễn được đánh giá cao như: Đề tài “Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực hóa của học sinh qua tiết dạy Hoán vị - Chỉnh hợp- Tổ hợp” của cô giáo Võ Thị Thái Thủy, Trường THPT Chu Văn An; “Ứng dụng phân tích hệ số phản ứng trong giải các bài toán hóa học” của cô giáo Trần Tâm Thuận, Trường THPT Trường Chinh; “Hệ thống hóa kiến thức trong ôn tập và bồi dưỡng học sinh giỏi môn Lịch sử” của thầy giáo Lương Văn Lân, Trường THPT Chu Văn An; …

Phong trào thi đua “Lao động giỏi-Lao động sáng tạo” đã có sức lan toả sâu rộng, khơi dậy ý thức trách nhiệm, lòng nhiệt tình, tinh thần lao động sáng tạo của đội ngũ giáo viên và lao động. Từ phong trào chung của toàn ngành, các đơn vị đã linh hoạt vận dụng, xây dựng nội dung thi đua gắn với nhiệm vụ chuyên môn cụ thể ở từng đơn vị. Phong trào đã có tác dụng thiết thực trong việc vận động đội ngũ giáo viên và lao động xây dựng chương trình kế hoạch công tác, đăng ký thực hiện các chỉ tiêu thi đua, thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của ngành.

Với những kết quả đã đạt được, trong 5 năm qua, đã có 78 lượt giáo viên và lao động trong ngành đạt danh hiệu CSTĐ cấp tỉnh; 437 lượt cá nhân đạt CSTĐ cấp cơ sở; 125 lượt đơn vị đạt Tập thể Lao động Xuất sắc và 15 lượt đơn vị được tặng Cờ thi đua, Huân chương Lao động hạng Ba; 148 lượt giáo viên tham gia Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp THPT, trong đó có 92 lượt được công nhận giáo viên THPT dạy giỏi cấp tỉnh.

Trong thời gian tới, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh tiếp tục phối hợp với chính quyền tổ chức tốt phong trào thi đua ”Lao động giỏi – Lao động sáng tạo” sâu rộng trong toàn thể cán bộ, giáo viên, viên chức, gắn với thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và các cuộc vận động, các phong trào thi đua của ngành. Đẩy mạnh phong trào viết sáng kiến, kinh nghiệm, làm đồ dùng dạy học; thực hiện đổi mới phương pháp dạy học một cách sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng, đặc điểm tâm- sinh lý của học sinh…đóng góp quan trọng thiết thực vào sự phát triển chung của toàn ngành.