Khuyến khích mở đại học trong doanh nghiệp

Năm 2015, tất cả các trường ĐH phải chuyển sang đào tạo tín chỉ; 70% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, 90% số người trong độ tuổi được học THCS; bảo đảm tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%…là những mục tiêu Bộ GD-ĐT đặt ra trong chương trình hành động giai đoạn 2011 - 2016 vừa trình làng.

Theo đó, chương trình hành động xuyên suốt thời gian này là đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. Cụ thể là đổi mới cơ chế quản lý giáo dục; Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học...

100% đại học đào tạo tín chỉ

Về đổi mới chương trình giáo dục ĐH sẽ thực hiện theo hướng gắn với nhu cầu xã hội, tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH trong việc xây dựng chương trình.

 

Nhiều ĐH vẫn loay hoay với đào tạo tín chỉ

Đến năm 2015, tất cả các trường ĐH chuyển hoàn toàn sang đào tạo theo học chế tín chỉ. Bộ chủ trương phát triển các chương trình đào tạo trình độ ĐH theo 2 hướng: nghiên cứu và nghề nghiệp ứng dụng; vận dụng có chọn lọc một số chương trình đào tạo tiên tiến của các ĐH có uy tín trên thế giới vào đào tạo của một số trường ở Việt Nam.

Đồng thời, thực hiện phân tầng ĐH, đến năm 2015 hình thành nhóm các trường ĐH định hướng nghiên cứu, ĐH định hướng nghề nghiệp ứng dụng, các trường CĐ cộng đồng. Phát triển các chương trình đào tạo trình độ đại học theo 2 hướng: nghiên cứu và nghề nghiệp ứng dụng...

Khuyến khích mở ĐH trong doanh nghiệp

Song song với việc ban hành quy định trách nhiệm và cơ chế phù hợp để mở rộng các hình thức, nội dung liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong đào tạo, sử dụng nhân lực và nghiên cứu chuyển giao công nghệ; Bộ cũng khuyến khích mở các cơ sở giáo dục ĐH trong các doanh nghiệp lớn nhằm thực hiện có hiệu quả việc cung cấp nhân lực trực tiếp cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo.

Đồng thời có hỗ trợ và khuyến khích các trường ĐH, CĐ liên kết với đối tác nước ngoài trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng công nghệ mới đáp ứng nhu cầu của xã hội. Tập trung đầu tư cho các cơ sở nghiên cứu khoa học mũi nhọn và phòng thí nghiệm trong các trường ĐH trọng điểm.

Ký tương đương bằng cấp với 15 nước

Bộ GD-ĐT cho biết, trong giai đoạn 2011 - 2016 sẽ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án hội nhập quốc tế về giáo dục và khoa học; Đề án đào tạo cán bộ ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước (thay thế Đề án 322); Hoàn thiện quy trình tuyển chọn lưu học sinh đi học nước ngoài.

Đồng thời, xây dựng một số trường ĐH, trung tâm nghiên cứu hiện đại để thu hút các nhà khoa học trong nước và quốc tế đến giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Tổ chức các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, thông tin với các hiệp hội giáo dục khu vực và quốc tế nhằm tăng cường chất lượng đào tạo, đổi mới công tác quản lý, nghiên cứu khoa học, tiến tới thỏa thuận tương đương bằng cấp với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đến năm 2015, sẽ ký kết với 15 nước.

Năm 2015 sẽ hoàn thành việc xây dựng cơ bản 4 trường đại học Việt Nam có cơ sở vật chất - kĩ thuật hiện đại.

Giảng viên trẻ được vay vốn đi học

 

Giảng viên trẻ tự học cao học, nghiên cứu sinh sẽ được vay vốn

Đó là mục tiêu trong kế hoạch hành động đến năm 2016. Bộ GD-ĐT cho biết, ngành giáo dục sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện tốt các chính sách miễn, giảm học phí, chính sách tín dụng sinh viên nhằm đảm bảo học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách, sinh viên hoàn cảnh khó khăn có khả năng học tập đều được đi học. Mở rộng đối tượng cho vay là các giảng viên trẻ tự học cao học, nghiên cứu sinh.

Xây dựng Đề án “Di dời một số trường đại học và cao đẳng từ nội thành thành phố Hà Nội và TP.HCM đến các khu quy hoạch” cùng với việc bố trí đủ nguồn kinh phí và các điều kiện khác phục vụ cho việc tổ chức di dời đạt hiệu quả...

Học sinh dân tộc được cấp sách giáo khoa

Trong chương trình hành động Bộ cũng đặt mục tiêu thực hiện cơ chế học bổng, học phí, tín dụng và mở rộng hệ thống đào tạo dự bị ĐH cho học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số và thuộc diện chính sách xã hội; hỗ trợ giáo dục đặc biệt cho người khuyết tật, trẻ em các dân tộc rất ít người, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV và trẻ em lang thang đường phố; cấp học bổng cho các học sinh, sinh viên xuất sắc.

 

Con đường đến trường (Nguồn ảnh: Báo Lào Cai)

Với những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh ở các vùng cao, vùng sâu, vùng xa được cung cấp sách giáo khoa và học phẩm miễn phí, hoặc giảm giá bán sách giáo khoa.

95% học sinh tốt nghiệp TCCN có việc làm

Theo Bộ GD-ĐT, để đạt mục tiêu đề ra cần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục TCCN để đến năm 2015 thu hút được 15% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học TCCN và đảm bảo 95% học sinh tốt nghiệp TCCN có việc làm được doanh nghiệp và cơ quan sử dụng lao động đánh giá đáp ứng yêu cầu công việc.

Về giáo dục ĐH phấn đấu nâng số sinh viên trên một vạn dân lên 300 vào năm 2015; tăng tỉ lệ sinh viên là người dân tộc thiểu số, đặc biệt là sinh viên dân tộc rất ít người và sinh viên nữ. Phát triển giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp đảm bảo tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 50% vào năm 2015.

100% xã, phường đạt chuẩn phổ cập THCS

Đến năm 2015, 63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục đúng độ tuổi, một số địa phương đạt chuẩn mức độ 2. Xây dựng kế hoạch củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở giai đoạn 2012-2020. Phấn đấu 100% xã, phường trên phạm vi toàn quốc đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2013 và tỉ lệ người trong độ tuổi 15-18 có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở đạt trên 90% vào năm 2015.

Tiếp tục rà soát lại toàn bộ chương trình và sách giáo khoa phổ thông, khắc phục tình trạng quá tải, nặng về lí thuyết, nhẹ về thực hành. Mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ thông qua việc triển khai Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020".

Nguồn VietNamNet