Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam: “Đất vàng” cần được khai thác

"Để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình" là quan điểm, mục tiêu của Bộ VH,TT&DL ngay từ khi đưa Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (LVH), Đồng Mô, Sơn Tây (Hà Nội) vào vận hành, khai thác. Thế nhưng, sau 3 năm hoạt động, ngôi nhà chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam chưa phải là nơi đồng bào có thể "thường trú" lâu dài và giới thiệu bản sắc văn hóa một cách hấp dẫn.

Giới thiệu bản sắc… theo mùa

Năm 2010, khu nhà Tây Nguyên được hoàn thiện, LVH chính thức "mở cổng" đón khách tham quan. Từ thời gian này, cộng đồng dân tộc Giẻ Triêng, Xơ Đăng, Ba Na, Rơ Măm, B'râu... tới cư trú luân phiên tại LVH và giới thiệu văn hóa dân tộc mình. "Sản phẩm" văn hóa được giới thiệu gồm các hoạt động canh tác, săn bắt, nghề thủ công, hát kể sử thi, trình diễn trang phục… Đáng tiếc là các hoạt động này chỉ được tổ chức đơn lẻ, theo mùa nên chủ thể văn hóa chưa có nhiều cơ hội tự giới thiệu bản sắc văn hóa đặc trưng của cộng đồng mình.

 

Một lễ hội của đồng bào Tây Nguyên được trình diễn tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Ảnh: Nhật Nam

Tại Liên hoan Văn hóa các dân tộc Việt Nam lần thứ ba - diễn ra vào cuối tháng 4-2012, có rất nhiều điều đáng bàn. Đám cưới của người Chăm được tái hiện nhưng do không được thông báo cụ thể, rõ ràng nên đến phút cuối BTC phải vận động người đến xem để động viên đồng bào. Phiên chợ vùng cao Tây Bắc là hoạt động được giới thiệu, quảng bá rầm rộ nhưng hình ảnh đập vào mắt người xem chỉ là vài gian hàng kèm sự lộn xộn, nhốn nháo… Rất khó để trách đồng bào các dân tộc bởi họ được hướng dẫn như thế nào thì làm như thế, vấn đề nằm ở cách thức tổ chức thiếu chuyên nghiệp. Ông Lâm Văn Khang, Phó BQL LVH thừa nhận: Hằng năm, LVH huy động khoảng 30 lượt cộng đồng các dân tộc về tham gia sinh hoạt, song hoạt động tập trung vào Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19-4 và dịp lễ, tết. Như vậy, trong khoảng ba phần tư thời gian còn lại trong năm, LVH có gì đáng để khách tham quan lưu ý?

Du lịch hạn chế

Lẽ ra, với lợi thế có được, LVH phải là "mảnh đất vàng" của du lịch Thủ đô, tuy nhiên, với cách thức hoạt động "theo mùa", điều đó chưa thành hiện thực. Trung bình mỗi tháng, LVH đón khoảng 15.000 lượt khách tham quan, chủ yếu là khách theo đoàn và không phải là khách của các công ty du lịch. "Thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa thể tạo ra các sản phẩm du lịch hoàn hảo, đây mới là giai đoạn đầu của quá trình khai thác" - ông Lâm Văn Khang nói.

Để tạo sự hấp dẫn cho khách tham quan, BQL LVH xây dựng kế hoạch phát triển trong giai đoạn 2013-2015, trong đó có bổ sung thêm một số sản phẩm du lịch, kêu gọi đầu tư vào các hạng mục công trình như khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi, giải trí, khu dịch vụ du lịch tổng hợp. Sau năm 2015, hướng đầu tư là các hạng mục vui chơi giải trí hiện đại theo kiểu Công viên Disneyland (Hồng Kông - Trung Quốc) cùng hệ thống tàu điện trên cao. Tuy thế, về kế hoạch nói trên, đại diện nhiều công ty lữ hành đã bày tỏ băn khoăn. Ông Trần Hùng Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Sòn - Saigontourist nói: "Dự án làm tàu điện trên cao sẽ làm ảnh hưởng tới không gian đặc trưng ở đây. LVH không thể giống khu vui chơi giải trí hiện đại được, thậm chí phải có phương án hạn chế xe cộ đi lại trong LVH vì ô tô, xe gắn máy chạy ầm ầm trong khu sinh thái là không hợp lý".

Hướng đi nào cho Làng văn hóa?

Để LVH ngày càng sinh động, góp phần giới thiệu hình ảnh một "Việt Nam thu nhỏ", trở thành một khu du lịch hấp dẫn, nhiều học giả, nhà nghiên cứu văn hóa và nhân dân đã đóng góp ý kiến cho việc xây dựng LVH. GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, mô hình đưa cộng đồng dân tộc thiểu số về sống luân phiên ở LVH là một hình thức bảo tồn giá trị truyền thống, nhiều nước trên thế giới đã làm. Tuy nhiên, nhìn vào cách giới thiệu văn hóa dân gian mà cộng đồng các dân tộc Việt Nam đang thực hiện, người ta dễ lầm tưởng đó là hoạt động biểu diễn phục vụ khách tham quan chứ không phải là hình thức bảo tồn văn hóa. Từ thực tế này, GS Tô Ngọc Thanh đề nghị BQL LVH tìm cách khơi dậy lòng tự hào và sự nhiệt tình với văn hóa truyền thống ở đồng bào các dân tộc một cách tự nhiên, thay vì tuyên truyền những điều vĩ mô. Bên cạnh đó, LVH cần xây dựng trung tâm nghiên cứu văn hóa các dân tộc, trong đó sử dụng người dân tộc là chính; thường xuyên tổ chức những hoạt động chuyên đề và mời đồng bào cùng tham gia. Chị H'va H'moc, dân tộc Êđê, huyện Buôn Đôn (Đắc Lắc) nói: "Cái khó đối với chúng tôi trong việc giới thiệu bản sắc văn hóa bản địa tại LVH là lượng người luân phiên sinh sống tại đây ít, không gian chưa thực sự phù hợp. Chúng tôi mong muốn Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn nữa về nguồn kinh phí, điều kiện sinh hoạt, ăn ở, đi lại để có thể gắn bó lâu dài với LVH".

Về hoạt động du lịch, ông Trần Hùng Việt kiến nghị: LVH cần có cơ chế chính sách thu hút các nhà đầu tư có thực lực, hiểu biết về văn hóa. Cùng quan điểm trên, ông Phạm Văn Bổng, đại diện Công ty TNHH một thành viên Xúc tiến và Đầu tư du lịch cho rằng, LVH nên liên kết chặt chẽ với các đơn vị làm tour và các địa phương nhằm tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Để 365 ngày trong năm đều là ngày văn hóa ở LVH cần tập trung cho các hoạt động bảo đảm chiều sâu văn hóa chứ không chỉ là các hoạt động hào nhoáng theo mùa vụ như hiện nay.

Nguồn Báo Hànộimới