Đẩy mạnh việc phân luồng học sinh học nghề trong các trường THCS và THPT

(NTO) Trong những năm gần đây, công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông được xã hội đặc biệt quan tâm. Công tác hướng nghiệp đã góp phần quan trọng vào việc hướng học, hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau cấp học THCS và THPT nhằm mục đích tạo nguồn đào tạo nhân lực theo yêu cầu phát triển KT-XH. Tuy nhiên, vấn đề phân luồng học sinh sau THPT, THCS vào học nghề ở tỉnh ta hiệu quả vẫn thấp.

Khi học sinh “thờ ơ” học nghề: Tại hội thảo “Chính sách và giải pháp thu hút người lao động vào học nghề” do tỉnh ta phối hợp với Tổng cục Dạy nghề, Hội Dạy nghề Việt Nam và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức trong tháng 4-2012, nhiều đại biểu cho rằng đến nay hoạt động giáo dục hướng nghiệp (GDHN), tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS, THPT của tỉnh ta còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, hiệu quả thấp. Phần lớn học sinh thiếu những hiểu biết về nghề nghiệp để định hướng phát triển, lựa chọn ngành nghề phù hợp sở thích cá nhân, cũng như năng lực bản thân và nhu cầu xã hội.

 
Giờ thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận.
Ảnh: Văn Miên

Công tác GDHN còn mang nặng lý thuyết, hình thức, chiếu lệ và chưa được xem trọng. Nhận thức của phụ huynh và học sinh đối với giáo dục nghề nghiệp chưa thật sự đúng đắn. Người tốt nghiệp các cơ sở giáo dục, đặc biệt là đối tượng sau THCS khó tìm việc sau khi ra trường. Bên cạnh đó, quy mô và điều kiện của các cơ sở dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) chưa đáp ứng nhu cầu phân luồng học sinh...

Thực tế cho thấy, phần lớn học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đều có xu thế học lên THPT, bổ túc THPT. Chỉ xét riêng năm học 2011 – 2012, trong tổng số 8.092 học sinh tốt nghiệp THCS, đã có 6.980 học sinh vào học tiếp lớp 10 (công lập và ngoài công lập), chiếm tỷ lệ 86,26%. Còn 1.112 (3,74%) học sinh, thì đa số vào học bổ túc THPT, một số nghỉ học hoặc đi học các trường TCCN, số học sinh vào học trong các cơ sở dạy nghề rất ít (chỉ khoảng 1%). Đối với học sinh tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT, phần lớn (trên 70%) đăng ký dự thi và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ (trung bình mỗi thí sinh nộp 2 hồ sơ). Trong đó có 22,74% thí sinh trúng tuyển vào hệ chính quy ĐH, CĐ; trên 5% trúng tuyển vào hệ dự bị ĐH dân tộc và hệ cử tuyển (từ năm 2012 diện này sẽ tăng hơn). Ngoài ra, có khoảng 12% đi học theo hình thức vừa làm vừa học và học từ xa. Như vậy, toàn tỉnh có khoảng 40% học sinh tốt nghiệp THPT, BT THPT học tiếp ĐH, CĐ, số còn lại thì khoảng 20% vào học các trường TCCN, 15% đi học các trường dạy nghề, còn lại chờ thi tiếp trong năm sau hoặc làm các công việc khác.

Chính vì vậy, nếu cộng cả số học sinh tốt nghiệp chưa tiếp tục học và số học sinh trượt tốt nghiệp và bỏ thi hàng năm thì con số này không nhỏ. Điều này gây lãng phí lớn vì nếu những đối tượng học sinh này được học nghề từ sớm thì hiệu quả kinh tế, xã hội sẽ cao hơn nhiều. Chính từ thực trạng trên, việc đẩy mạnh và đổi mới công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS và THPT là một nhiệm vụ cấp bách cần làm ngay để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước và địa phương trong thời gian tới.

“Khơi thông” cách nào: Phát biểu tại hội thảo “Chính sách và giải pháp thu hút người lao động vào học nghề”, bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hội Dạy nghề Việt Nam cho rằng: “Việc phân luồng học sinh sau THCS và THPT sẽ tạo nền tảng quan trọng cho việc chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của đất nước nói chung và từng địa phương nói riêng. Đây là vấn đề bức xúc cần phải giải quyết, có sự quan tâm vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương và tất cả các ngành”.

Có thể nói việc phân luồng học sinh THCS, THPT sẽ tạo nền tảng quan trọng cho việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh ta. Thiết nghĩ, để việc phân luồng đạt hiệu quả cần có sự cộng đồng trách nhiệm trong công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh. Trong đó, đối với cơ sở đào tạo, phải biết nhạy cảm với thị trường lao động và nguồn nhân lực, luôn tạo sự hấp dẫn về ngành nghề, nội dung, chương trình đào tạo. Đào tạo phải gắn với doanh nghiệp và phải mang tính thực tiễn cao. Công tác tư vấn tuyển sinh của các cơ sở đào tạo phải hướng đến chuyên nghiệp để giúp học sinh không chỉ biết mà còn hiểu rõ về ngành, nghề đào tạo. Đối với các trường phổ thông, phải thực hiện tốt giờ dạy giáo dục hướng nghiệp và tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh một cách đầy đủ về nghề nghiệp. Nhà trường phải có trách nhiệm giới thiệu, hướng dẫn để học sinh tìm hiểu, tham khảo nhiều kênh thông tin khác nhau về ngành, nghề đào tạo, nhu cầu nguồn nhân lực hiện tại và tương lai để học sinh có thêm thông tin chọn đúng ngành, nghề. Đối với gia đình, các bậc cha mẹ phải biết lượng được sức học, năng lực, sở trường và nguyện vọng của con em mình để định hướng chọn ngành, nghề. Đối với doanh nghiệp, cần cung cấp thông tin về nhu cầu lao động ngành nghề và có thể đặt hàng đào tạo, giải quyết việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp. Các trung tâm cần chủ động phối hợp vói các trường phổ thông tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề về hướng học, hướng nghiệp, với mục đích giúp học sinh đánh giá đúng năng lực bản thân để lựa chọn hướng đi đúng đắn. Tăng cường hoạt động các trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm GDTX và Trường Cao đẳng Nghề trong việc phối hợp giúp phân luồng học sinh sau THCS và THPT. Các cơ sở dạy nghề đề xuất kế hoạch và chính sách thu hút học sinh tốt nghiệp THCS một cách có hệ thống và xây dựng cơ chế liên thông hợp lý để học sinh có thể đạt trình độ văn hóa THPT cùng với học nghề trong vòng 3 - 4 năm.