Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết riêng về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Vấn đề tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2012 diễn ra trong hai ngày 3-4/5.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Cần chủ động tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe
các phản ứng chính sách từ các doanh nghiệp, điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tế.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sau khi phân tích thực trạng, nguyên nhân khó khăn của doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, các Bộ, ngành chức năng cần hết sức lưu ý tới việc tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Có chính sách thuế phù hợp đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.

Đồng thời, trong chính sách tiền tệ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, tiếp tục thực hiện lộ trình hạ lãi suất theo xu hướng giảm dần của lạm phát; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được với vốn vay để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bộ, ngành, địa phương phải chủ động tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe các phản ứng chính sách từ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để có các biện pháp tháo gỡ khó khăn, điều chỉnh chính sách phù hợp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị quyết riêng, trong đó tập trung vào các gói giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp phát triển.

Theo đó, sẽ áp dụng linh hoạt các chính sách, biện pháp thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như gia hạn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng...

Cùng với đó, hỗ trợ các doanh nghiệp khơi thông tiêu thụ hàng tồn kho, gắn với đầu tư chiều sâu tái cơ cấu doanh nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho thông qua các chương trình như khuyến khích tiêu dùng, đưa hàng về nông thôn, giải ngân nhanh vốn phát triển cơ sở hạ tầng, chương trình nhà ở xã hội...

Đồng thời, sẽ tăng ngân sách cho hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hỗ trợ tín dụng cho sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản xuất khẩu...

Báo cáo tình hình doanh nghiệp 4 tháng đầu năm 2012 và một số biện pháp tháo gỡ khó khăn tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2012, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, nhờ việc thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong 4 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất kinh doanh của một số ngành đã được cải thiện đáng kể như ngành thủy sản, nông nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, một số ngành hàng xuất khẩu,…

Tuy nhiên, tình hình vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức như lãi suất tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn hạn chế, hàng tồn kho lớn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động cao hơn so với cùng kỳ năm trước,…

Trong 4 tháng đầu năm 2012 tổng số doanh nghiệp đã thực hiện việc giải thể và dừng hoạt động tiếp tục tăng lên. Trong số các doanh nghiệp gặp khó khăn, giải thể, có nhiều doanh nghiệp năng lực tài chính yếu, sản phẩm kém khả năng cạnh tranh cần phải được cơ cấu lại, đồng thời bổ sung một lực lượng mới doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư của khu vực doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, tỷ lệ số lượng doanh nghiệp còn hoạt động trên tổng số doanh nghiệp đã thành lập từ khi đổi mới nền kinh tế cho đến nay là tỷ lệ chấp nhận được ở mức trung bình so với thế giới. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại là hiện nay xu thế doanh nghiệp thành lập mới giảm, trong khi đó số lượng doanh nghiệp đã phải thu hẹp, ngừng, thậm chí chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh tăng.

Tình hình khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có nguyên nhân từ bối cảnh kinh tế thế giới, nguyên nhân từ diễn biến kinh tế trong nước và nguyên nhân nội tại trong bản thân các doanh nghiệp.

Trên cơ sở đánh giá thực trạng, nguyên nhân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 5 giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Giải pháp thứ nhất là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục kiềm chế lạm phát, đồng thời với lộ trình giảm lãi suất. Cụ thể, tiếp tục lộ trình giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn đối với danh nghiệp; từng bước hạ mặt bằng lãi suất cho vay đồng thời với nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm khả năng thanh khoản và giảm tỷ lệ nợ xấu; thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả…

Thứ 2, triển khai một số biện pháp cấp bách nhằm nhanh chóng tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng ở mức hợp lý nhưng không làm bất ổn kinh tế vĩ mô và lạm phát quay trở lại.

Thứ 3, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường cho hoạt động của doanh nghiệp. Theo đó, Chính phủ cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường cho hoạt động của các doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ dàng gia nhập và rút lui khỏi thị trường; tiếp tục có các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh; đảm bảo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; xác lập rõ quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức đối với tài sản trong doanh nghiệp, nghĩa vụ của họ đối với doanh nghiệp và trách nhiệm đối với kết quả kinh doanh;…

Thứ 4, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh.

Thứ 5, tăng cường năng lực dự báo tình hình kinh tế trong và ngoài nước. Việc nâng cao năng lực cơ quan dự báo tình hình kinh tế trong và ngoài nước, nắm bắt những diễn biến của thị trường thế giới và trong nước để phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; hỗ trợ doanh nghiệp thông tin định hướng thị trường; thiết lập cơ chế cung cấp công khai, miễn phí các thông tin về dự báo tình hình kinh tế-xã hội trên mạng để mọi tổ chức, cá nhân có thể tham khảo, chủ động xây dựng các kế hoạch kinh doanh linh hoạt và phù hợp hơn với những biến đổi nhanh chóng của tình hình thị trường trong nước và quốc tế.

Cũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2012, bên cạnh tập trung vào phân tích sâu những khó khăn của doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, qua khảo sát của VCCI, mặc dù trong bối cảnh kinh tế khó khăn và sự lạc quan có phần giảm sút, nhưng phần lớn các doanh nghiệp vẫn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, một bộ phận doanh nghiệp có khả năng mở rộng quy mô.

Các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn đánh giá cao triển vọng trung và dài hạn của nền kinh tế và tin tưởng Chính phủ đang có những bước đi đúng hướng. Các doanh nghiệp xác định việc chịu đựng khó khăn trong ngắn hạn để kiềm chế lạm phát là cần thiết để có được một môi trường kinh tế vĩ mô tốt hơn trong tương lai. Hơn nữa, áp lực khó khăn cũng là cơ hội để tái cấu trúc, nâng cao năng lực cạnh tranh và một bộ phận doanh nghiệp đang làm rất tốt điều này.

Trong bối cảnh khó khăn chung, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn các nỗ lực điều hành của Chính phủ nên tập trung vào việc có các biện pháp giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, cũng như hỗ trợ giải quyết vấn đề thị trường đầu ra song song với việc tiếp tục thực hiện cải cách hành chính và tạo niềm tin cho doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Nguồn www.chinhphu.vn