Chợ phiên San Thàng sắc màu văn hoá vùng cao

Chợ San Thàng nằm cách thị xã Lai Châu chừng 5km, trên quốc lộ 4D. Vào những ngày họp chơ nơi đây đông đúc, rực rỡ sắc mầu.

San Thàng là một xã vùng cao thuộc huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Nơi đây có 6 dân tộc anh em cùng sinh sống với những phong tục tập quán khác biệt, tạo nên nét văn hoá đặc sắc của phiên chợ vùng cao nơi đây.

Một số hình ảnh về chợ phiên San Thàng.

Chợ phiên San Thàng được họp vào sáng thứ 5 và chủ nhật hàng tuần. Những ngày thường thì chợ họp từ 5- 9h sáng. Vào những ngày thu hoạch nông sản hay vào những dịp tết, dịp lễ hội thì phiên chợ kéo dài thời gian hơn, có khi đến 11h trưa.

Nơi đây đông đúc người bán, người mua. Họ bán những gì tự sản xuất và lấy được từ thiên nhiên. Họ mua những sản phẩm thiết yếu về cho gia đình. Từ những mớ rau, cu khoai, củ sắn, lạng thịt… đến những chiếc bánh dán, bánh chay, cây mía… và cả những mảnh vải, bộ quần áo, cái kim, sợi chỉ.v.v… về cho gia đình mình.

Theo chị Pàn Thị Nhùn, xã Tà Le, bản Sen Cha, người dân tộc Dao cho biết nhà chị ở gần chợ. Có tiền thì phiên chợ nào cũng đi. Chồng con có rảnh rỗi thì cùng nhau đi, nếu không thì chị đi một mình.

Quanh vùng là đồng bào các dân tộc người Mông, Giáy, Dao, Thái, Kinh… tấp nập kéo về chợ phiên San Thàng. Họ phải dậy từ sáng sớm, và mang theo những sản vật kiếm được từ núi rừng hay những sản phẩm nghề truyền thống: khăn, vải, hương, ghế mây tre đan… về đem bán tại phiên chợ. Những người ở xa, cách chợ trên 40km, chở hàng hoá đến bằng xe máy. Còn đồng bào dân tộc cách đó cả chục cây số, cuốc bộ về họp chợ, trao đổi hàng hoá và mua sắm.

Điều đáng nói là phiên chợ San Thàng vẫn giữ được những nét riêng biệt của một phiên chợ vùng cao. Chợ rực rỡ sắc màu trang phục truyền thống các dân tộc về họp chợ; sắc màu hoa văn lung linh trên khăn, túi, áo, quần, váy con gái người Dao, người Lự; dập dờn cánh bướm khuy áo bạc thiếu nữ Thái trắng; chúm chím nụ cười của cô gái người Mông... Náo nức, rạo rực lòng người.

Với một bộ phận đồng bào, đến chợ không vì mục đích mua bán mà để giao lưu, gặp gỡ bạn bè, đi chơi và xem cảnh đông đúc, tấp nập của chợ phiên với hàng hoá bày la liệt trong các gian hàng từ bên ngoài quốc lộ 4D vào trong chợ, đến các lối ngõ. Họ đi chơi, nhìn ngắm, và thăm lẫn hỏi nhau...

Chợ phiên San không không biết đã có từ bao giờ. Nhưng đối với đồng bào các dân tộc nơi đây, trong tâm thức của họ, phiên chợ diễn ra ngoài việc mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi để gặp gỡ, giao lưu và sinh hoạt văn hoá cộng các dân tộc vùng cao.

Nguồn Báo Nhân Dân