Bổ sung thành phần Hội đồng xem xét trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng

Bộ Nội vụ đang đề xuất bổ sung thêm 2 ủy viên trong thành phần Hội đồng kỷ luật khi xem xét xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng.

Đề xuất này được nêu trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2006/NĐ-CP quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Dự thảo đang được Bộ Nội vụ công bố lấy ý kiến nhân dân.

Cụ thể, 2 ủy viên được đề nghị bổ sung trong thành phần Hội đồng kỷ luật nêu trên gồm: một ủy viên là đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng; một ủy viên kiêm Thư ký hội đồng là người phụ trách bộ phận tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng.

Như vậy, theo dự thảo quy định mới, thành phần Hội đồng kỷ luật sẽ gồm 5 thành viên thay vì chỉ có 3 thành viên như quy định hiện hành. 5 thành viên Hội đồng kỷ luật gồm:

- Chủ tịch hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng;

- Một ủy viên là đại diện đảng ủy cấp trên trực tiếp của đảng ủy cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng;

- Một ủy viên là đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng;

- Một ủy viên là đại diện Ban Chấp hành Công đoàn của cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng;

- Một ủy viên kiêm Thư ký hội đồng là người phụ trách bộ phận tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng.

Hình thức xử lý kỷ luật

Cũng theo dự thảo Nghị định mới do Bộ Nội vụ soạn thảo, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nếu để xảy ra vụ, việc tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách thì tùy theo tính chất, mức độ của vụ, việc sẽ bị xử lý kỷ luật.

Dự thảo nêu rõ, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị là cán bộ, công chức, viên chức và người quản lý doanh nghiệp thì bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức: khiển trách; cảnh cáo; cách chức.

Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật và điều lệ của tổ chức đó.

Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị là sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong quân đội nhân dân và công an nhân dân thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong quân đội nhân dân và công an nhân dân.

Trong thời hạn chính thức 30 ngày, kể từ ngày có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 4 Điều 55 Luật Phòng, chống tham nhũng về vụ, việc tham nhũng hoặc từ ngày bản án về vụ tham nhũng có hiệu lực pháp luật, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp có trách nhiệm xem xét xử lý kỷ luật hoặc báo cáo để cấp có thẩm quyền xem xét xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm trực tiếp hoặc trách nhiệm liên đới để xảy ra tham nhũng.

Nguồn www.chinhphu.vn