THỨ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG –THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI NGUYỄN NGỌC PHI:

Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm để giảm nghèo bền vững

(NTO) Ngày 13-4, đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Ngọc Phi, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội làm trưởng đoàn đã đến làm việc tại tỉnh ta về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Võ Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở ngành, địa phương trong tỉnh.

Tại buổi làm việc lãnh đạo Sở Lao động –Thương binh và xã hội đã báo cáo về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh ta thời gian qua. Theo đó để đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm cho người dân tỉnh ta đã ban hành nhiều văn bản đào tạo nghề cho lao động nông thôn như: Phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; Quyết định về việc quy định nội dung và mức chi hỗ trợ lao động nông thôn học nghề ngắn hạn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh…

 
Đồng chí Võ Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại buổi làm việc.
Ảnh: Văn Miên

Vì vậy đã nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong 2 năm 2010 và 2011 tỉnh ta đã tổ chức được 293 lớp dạy nghề, cho gần 8.860 lao động, với tổng kinh phí trên 42 tỷ đồng. Các ngành nghề nông nghiệp đào tạo gắn với chuyển giao kỹ thuật, giống trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phù hợp theo điều kiện của mỗi địa phương, giúp người lao động nông thôn triển khai vận dụng vào thực tế sản xuất. Một số nghề đào tạo ở các xã ven biển đã khuyến khích ngư dân vươn ra khơi xa đánh bắt hải sản, góp phần bảo vệ an ninh và chủ quyền vùng biển. Tỉnh đã huy động được nhiều đơn vị trong và ngoài tỉnh tham gia công tác đào tạo nghề góp phần đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, kịp thời đáp ứng nhu cầu học nghề của lao động nông thôn.

 
Đồng chí Nguyễn Ngọc Phi, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu tại buổi làm việc.
Ảnh: Văn Miên

Trong năm 2012, tỉnh ta tiếp tục tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, tạo việc làm tăng thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn. Phấn đầu đào tạo nghề cho 4.048 lao động nông thôn.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Võ Đại đã đánh giá cao sự quan tâm của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trong việc đầu tư xây dựng các cơ sở dạy nghề và đào tạo nghề, cấp kinh phí giải quyết việc làm cho người lao động để góp phần thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo ở các vùng nông thôn trong tỉnh. Qua công tác đào tạo nghề người dân đã ý thức hơn trong học nghề và vận dụng vào thực tế địa phương, tăng thu nhập ổn định cuộc sống. Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, tỉnh Ninh Thuận nâng cao chất lượng đào tạo nghề không chạy theo số lượng, gắn đào tạo nghề lao động nông thôn với quy hoạch tổng thể của tỉnh được Chính phủ phê duyệt. Để thực hiện tốt Nghị quyết 1956, Ninh Thuận đề nghị với Bộ Lao động-thương binh và Xã hội quan tâm hơn nữa đến kinh phí về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng mức hỗ trợ kinh phí đầu tư với các Trung tâm dạy nghề cấp huyện nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.

Phát biểu tại buổi làm việc đồng chí Nguyễn Ngọc Phi, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ghi nhận những nỗ lực của tỉnh ta trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đã chọn lựa các nhóm nghề đào tạo sát với tình hình thực tế của từng vùng, từng địa phương. Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 1956 của Chính phủ đồng chí đề nghị tỉnh cần chú trọng hơn nữa việc nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người học nghề nhằm góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân. Dạy nghề cho lao động nông thôn phải có điều kiện, nơi được đào tạo nghề xác định đúng đối tượng học nghề, nghề cần đào tạo; cơ sở dạy nghề dạy nghề phải đáp ứng được yêu cầu đào tạo; người học nghề có đủ điều kiện học nghề có như vậy với nâng cao hiệu quả đào tạo nghề; gắn công tác đào tạo nghề cho người lao động với giải quyết việc làm để thực hiện giảm nghèo bền vững ở nông thôn. Đối với các kiến nghị của tỉnh đồng chí ghi nhận và trình lên Chính phủ để xem xét giải quyết trong thời gian tới.