Đồng bào Khmer Nam Bộ vui đón Tết cổ truyền

Tết Cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2012 của đồng bào dân tộc Khmer bắt đầu diễn ra từ ngày 13/4 và kéo dài đến hết ngày 15/4/2012 . Năm nay, trong niềm vui vụ lúa bội thu và tôm được giá, đồng bào Khmer đón một cái Tết ấm áp, no đủ, đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong những ngày qua, lãnh đạo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, lãnh đạo HĐND, UBND, MTTQ các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã đi thăm và chúc Tết bà con.

 
Tết Chôl Chnăm Thmây truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer các tỉnh Nam Bộ
diễn ra vào trung tuần tháng Tư dương lịch hàng năm. - Ảnh: Chinhphu.vn

Tại Cần Thơ, Đoàn công tác đã đến thăm và tặng 26 phần quà cho các vị chức sắc đại diện Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước và chùa Muni Răngsây (quận Ninh Kiều); Học viện Phật giáo Nam tông Khmer và chùa Pôthi Somrôn, chùa Sanvor Pôthinhen (quận Ô Môn). Đồng thời, tặng 650 phần quà trị giá 20 triệu đồng cho các hộ Khmer nghèo ở huyện Cờ Đỏ và quận Ô Môn.

Tại Bạc liêu, ông Phạm Hoàng Bê, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo nhiều công ăn việc làm cho người Khmer, góp phần giúp đồng bào phấn khởi đón một cái tết vui tươi, no đủ.

Năm 2012, Bạc Liêu có 14.678 hộ với 66.176 khẩu người dân tộc Khmer, chiếm 7,66% dân số toàn tỉnh. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh hỗ trợ trực tiếp hộ dân tộc Khmer nghèo ở vùng khó khăn cho 91.908 người tại 32 xã với tổng số tiền hơn 8 tỷ đồng. Kết thúc năm 2011, tỉnh có hơn 400 hộ dân tộc Khmer thoát nghèo và hàng trăm hộ cận nghèo vượt qua cuộc sống khó khăn.

Năm 2012, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 74 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề cho 3.686 hộ với tổng kinh phí 18,2 tỷ đồng.

Tại Vĩnh Long, trong 2 ngày 11 và 12/4, đông đảo đồng bào Khmer cùng đồng bào các dân tộc đã tập trung về chùa Kỳ Son (xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình) tham dự ngày hội văn hóa, thể thao đồng bào Khmer tỉnh Vĩnh Long lần thứ III.

 
Các vị sư sãi cùng đồng bào Khmer đón Tết cổ truyền. - Ảnh: Chinhphu.vn

Ngày hội được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú như đua ghe ngo truyền thống; triển lãm giới thiệu hình ảnh nét văn hóa đặc trưng đồng bào Khmer tỉnh Vĩnh Long; liên hoan nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống; các hoạt động thể dục thể thao, thi đấu bóng đá, bóng chuyền, kéo co, đẩy gậy..

Tại Sóc Trăng, Đoàn công tác đã đến thăm, tặng quà cho Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, Trường Bổ túc Văn hóa Trung cấp Pali Nam bộ, chùa Khleang, chùa Mahatup, chùa Prek On Đơk, chùa Om Pu Year, cùng các vị hòa thượng, thượng tọa của chùa Khleang và các hộ gia đình chính sách Khmer.

Thay mặt Đoàn công tác, đồng chí Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ bày tỏ mong muốn các nhà sư và bà con phật tử người Khmer ngày càng đoàn kết, chung sức cùng chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng quê hương. Các điểm chùa sẽ tiếp tục là đầu tàu trong phong trào vận động và giáo dục đồng bào dân tộc Khmer quán triệt các quan điểm, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tại Trà Vinh, nơi tập trung số lượng rất đông người Khmer sinh sống, trong năm, tỉnh đã thực các chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, giải ngân trên 97 tỷ đồng.

Công tác giáo dục trong đồng bào dân tộc tiếp tục phát triển, chất lượng giáo dục và đào tạo có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ học sinh Khmer vào học ở các cấp ngày càng tăng. Các trường phổ thông ở vùng đồng bào dân tộc đều được dạy song ngữ. Việc dạy và học ngữ văn Khmer trong sư sãi và con em đồng bào được quan tâm đúng mức.

Những ngày gần Tết cổ truyền, lãnh đạo tỉnh đã đi chúc tết, thăm hỏi và tặng hàng trăm suất quà cho những hộ nghèo, khó khăn; gặp mặt và chúc tết tới các vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Acha, sư sãi, các cán bộ, chiến sĩ là người dân tộc Khmer.

Nguồn www.chinhphu.vn