Nới lỏng tín dụng hợp lý đối với chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng

Việc mở van tín dụng một cách hợp lý sẽ giúp giải phóng hàng tồn kho bất động sản, tạo ra chu chuyển vốn hiệu quả hơn cho nền kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực khác...

Đây là ý kiến quan trọng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình tại buổi Họp báo của NHNN ngày 11/4 về lĩnh vực tín dụng không khuyến khích (thay cho khái niệm tín dụng phi sản xuất trước đây).

Thống đốc NHNN khẳng định, lần này, sau khi phân tích tình hình hiện tại cũng như dự báo biến động của nền kinh tế, NHNN đã quyết định mở van tín dụng cho lĩnh vực không khuyến khích cho vay bao gồm tín dụng chứng khoán, bất động sản (BĐS) và tiêu dùng.

Dư nợ tín dụng bất động sản cũng được mở với mọi loại hình không chỉ cho vay nhà để ở mà còn vay để mua bán, nhà để đầu tư, mở cho vay xây dựng BĐS để bán. Như vậy, theo Thống đốc NHNN tín dụng cho vay tiêu dùng đã được “mở ” khá mạnh.

Phân tích về nguyên nhân mở tín dụng cho lĩnh vực BĐS, Thống đốc NHNN cho biết dư nợ tín dụng trực tiếp cho vay BĐS chỉ trên dưới 10% nhưng dư nợ trong hệ thống có đảm bảo bằng BĐS rất lớn, khoảng 60%. Do vậy phải từng bước tháo gỡ khó khăn cho tín dụng BĐS, nhất là khi nhu cầu nhà ở rất lớn và mặt bằng giá nhà đã đến mức hợp lý để người dân tiếp cận. Việc mở van tín dụng một cách hợp lý sẽ giúp giải phóng hàng tồn kho bất động sản, tạo ra chu chuyển vốn hiệu quả hơn cho nền kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực khác và giúp giảm nợ xấu trong ngân hàng.

Với tín dụng cho chứng khoán, Thống đốc khẳng định đây vẫn là lĩnh vực không khuyến khích cho vay, vì bản chất đây là thị trường vốn dài hạn nên không thể sử dụng tín dụng ngắn hạn của ngân hàng để đầu tư.

Tuy nhiên, Thống đốc NHNN tin rằng không cần vốn từ ngân hàng thì thị trường chứng khoán vẫn sẽ tăng trưởng. NHNN không tăng thêm “room” cho vay tín dụng, không đổ tiền trực tiếp vào thị trường nhưng do tác động tích cực từ các yếu tố của nền kinh tế như lạm phát và lãi suất giảm sẽ kéo theo sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán, có thể sẽ không nhanh như mong muốn nhưng sẽ phát triển bền vững.

Trước đó, ngày 10/4, Thống đốc NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ đạo về hoạt động tín dụng.

Kiểm soát tỷ trọng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích không vượt quá 16 % tổng dư nợ cho vay, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích…

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, van tín dụng tiêu dùng đã mở hết các loại dư nợ, chỉ trừ dư nợ tiêu dùng ở nước ngoài bao gồm du lịch, chữa bệnh, du học (hoạt động tiêu dùng tại nước ngoài cần hạn chế trong bối cảnh cần tiết kiệm). 

Nguồn www.chinhphu.vn