Xuất khẩu gạo - Lượng tăng, giá tăng

Tại buổi họp báo chiều 9-4 tại TPHCM về xuất khẩu gạo, ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, cả quý 1 các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gần 1,1 tiệu tấn gạo, thấp hơn cùng kỳ năm 2011 hơn 41% về lượng, trị giá giảm hơn 40%…

Điều chỉnh giá gạo xuất khẩu

Nhưng tháng 3 lại là tháng có lượng hợp đồng ký kết rất lớn. Chỉ 20 ngày đầu tháng đã có 555.000 tấn gạo được ký hợp đồng xuất khẩu, nên lượng gạo được ký đã tăng hơn so với cùng kỳ năm 2011 khoảng 12%. Điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng vì từ cuối năm 2011 đến 2 tháng đầu năm 2012, việc ký kết hợp đồng thương mại rất ít. Những nước nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam như Philippines, Malaysia, Indonesia… đều đã “ăn hàng trở lại”.

Một thị trường chiếm tỷ lệ gạo xuất khẩu khá lớn hàng năm là châu Phi, từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay gần như bị mất trắng vào tay Ấn Độ cũng đã trở lại mua gạo Việt Nam, cả gạo phẩm chất cao và gạo cấp thấp. Điều này cho thấy, không chỉ do lượng gạo tồn kho đang cạn dần ở các nước và nhu cầu tăng lên mà còn do nhà nhập khẩu không hài lòng mua gạo của Ấn Độ hay Pakistan, bởi việc giao hàng chậm trễ nên phải quay lại mua gạo Việt Nam.

Ngày hôm qua, 9-4, VFA đã điều chỉnh giá gạo xuất khẩu lên 450 USD/tấn gạo 5% và 425 USD/tấn gạo 25%, tăng 15 USD/tấn đến 25 USD/tấn tùy loại.

Nông dân xã Mỹ Lệ (Long An) thu hoạch lúa chế biến gạo thơm Chợ Đào để xuất khẩu.
Ảnh: Cao Thăng

Không tiếp tục mua tạm trữ

Nhưng thị trường hút hàng gạo Việt Nam nhiều nhất là Trung Quốc với việc ký kết 770.000 tấn gạo, chưa kể khoảng 500.000 tấn gạo tiểu ngạch (gạo cấp thấp), góp phần không nhỏ vào việc tiêu thụ lúa IR50404. Hạn chế hiện nay là việc giao hàng vào Trung Quốc gặp khó do thiếu container để vận chuyển nên chỉ giao được 150.000 tấn gạo.

Trong chuyến tham gia hội chợ lương thực thực phẩm cuối tháng 3 vừa qua, đoàn VFA khảo sát một số thị trường như Quảng Đông, Phúc Kiến… và khám phá điều thú vị, 15 năm trước, 45% người Trung Quốc ăn gạo, 65% bột mì thì nay con số này đã chuyển ngược lại. Trong đó, nhu cầu gạo thơm và gạo hạt dài tăng lên rõ rệt và người dân Trung Quốc bắt đầu quen ăn gạo thơm Việt Nam vì so với gạo Thái Lan chất lượng không thua kém nhưng giá cả lại cạnh tranh. Đây là yếu tố căn cơ cho hạt gạo Việt Nam bám được ở thị trường đông dân nhất thế giới này và thuận lợi hơn trong việc vận chuyển so với những quốc gia khác.

Với đầu ra thông thoáng và giá lúa đang ở mức hợp lý, nên VFA quyết định không tiếp tục mua tạm trữ nhưng vẫn đảm bảo giá lúa bà con nông dân bán ra không dưới 5.000 đồng/kg tại kho. Việc mua tạm trữ hiện nay sẽ kết thúc sớm vào giữa tháng thay vì cuối tháng 4 như dự kiến. Các DN đã mua tạm trữ được hơn 69% kế hoạch, tương đương gần 700.000 tấn gạo. VFA khuyến cáo là bà con nông dân nên giảm lượng lúa IR50404 trong vụ hè - thu và tăng cường lúa chất lượng cao, nhất là lúa thơm vụ thu - đông để việc tiêu thụ dễ dàng, được giá hơn. 

Nguồn Báo SGGP Online