Tọa đàm khoa học “Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam”

Nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn (7/4/1907-7/4/2012), sáng 6-4, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam tổ chức Tọa đàm khoa học “Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam”.

Tham dự buổi Toạ đàm có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các bộ, ban, ngành Trung ương, đại diện gia đình cố Tổng Bí thư Lê Duẩn cùng nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu lý luận, văn hoá, tư tưởng...

Toạ đàm khoa học "Lê Duẩn với văn hoá và con người Việt Nam". Ảnh: ĐP

Khai mạc tọa đàm, GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định tầm thông tuệ văn hóa, sự trân trọng văn hóa và những cống hiến to lớn đối với lĩnh vực văn hóa của đồng chí Lê Duẩn. Cùng với đó là tình yêu thương con người, sự hy sinh, phấn đấu suốt đời vì hạnh phúc con người, cùng chiều sâu và tầm cao tư tưởng về con người của ông.

Trong bài tham luận đề dẫn toạ đàm, GS.Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc Việt Nam nhấn mạnh: Cách đây 105 năm trên đất Quảng Trị anh hùng đã sinh ra một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một nhà chiến lược thiên tài, một nhà văn hoá kiệt xuất, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là đồng chí Lê Duẩn - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, một con người hội đủ phẩm chất của một lãnh tụ cách mạng, một danh nhân văn hoá tiêu biểu.

Cũng theo GS.Hoàng Chương, nói tới Tổng Bí thư Lê Duẩn là nói tới sự tôn vinh truyền thống văn hoá dân tộc, nói tới tình thương và lẽ phải. Có thể nói, Người là một nhà thực tiễn kết hợp với lý luận sắc bén đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, giải phóng dân tộc, đưa Việt Nam lên tầm cao mới.

Buổi Toạ đàm đã tập trung gần 40 bài tham luận của nhiều nhà nghiên cứu được viết rất công phu như: Tổng Bí thư Lê Duẩn với sự nghiệp xây dựng văn hoá Thủ đô Hà Nội, của tác giả Phạm Quang Nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội; Lê Duẩn - Một tấm gương mẫu mực về tư duy biện chứng, sáng tạo của cách mạng Việt Nam, của tác giả Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Lê Duẩn với việc xây dựng văn hoá mới và con người mới, của tác giả Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương; Quan điểm về văn hoá dân tộc và giá trị nhân cách Lê Duẩn, của tác giả Lê Hữu Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Trị...; qua đó đã khắc họa rõ nét chân dung và những đóng góp to lớn của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đối với văn hóa và con người Việt Nam.

Nhiều tham luận cũng cho thấy, tư tưởng đề cao truyền thống, bảo vệ truyền thống hầu như quán xuyến trong những bài viết, bài nói chuyện của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Ông nói “Phải biến mọi giá trị văn hóa thành tài sản của nhân dân và làm cho nhân dân trở thành người sáng tạo trực tiếp mọi giá trị văn hóa”. Luận điểm này có giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn trong tình hình đất nước ta đang hội nhập sâu với quốc tế. Cũng theo quan điểm này, ông nhấn mạnh: “Phải kế thừa những giá trị tinh thần, những cái hay, cái đẹp trong di sản văn hóa dân tộc cũng như trong tâm hồn và cốt cách của con người Việt Nam ta”. Những câu nói, luận điểm về văn hóa của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã trở thành định hướng cho văn hóa Việt Nam phát triển trong hơn nửa thế kỷ qua.

Bên cạnh đó, cố Tổng Bí thư cũng luôn dành một tình cảm đặc biệt cho người phụ nữ Việt Nam, thể hiện trong nhiều lần gặp gỡ với trí thức và văn nghệ sĩ, ông đều lưu ý với việc xây dựng hình tượng người phụ nữ trong văn học nghệ thuật. Ông khuyến khích việc đề cao vai trò của phụ nữ, vấn đề văn hoá và đạo lý truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Có thể khẳng định, vai trò của công tác tư tưởng văn hóa, đặc biệt là truyền thống văn hóa dân tộc là những nội dung lớn trong tầm vóc nhà tư tưởng, nhà văn hóa Lê Duẩn. Đó là vấn đề được đề cập, phân tích, lý giải sâu sắc, khoa học tại cuộc Tọa đàm này nhằm góp phần làm sáng rõ di sản tư tưởng văn hóa Lê Duẩn để hôm nay và các thế hệ mai sau vận dụng, kế thừa.

Buổi Toạ đàm khoa học lần này cũng nhằm tiếp nối những kết quả đạt được tại Hội thảo "Tổng Bí thư Lê Duẩn với truyền thống văn hoá dân tộc" được tổ chức cách đây 5 năm, với hơn 30 bản tham luận đã in thành sách, ghi một dấu ấn đậm nét về một nhân vật lịch sử, một con người đã góp phần làm nên thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ giải phóng dân tộc, đi tới thống nhất đất nước. Thông qua đó, một lần nữa chúng ta có dịp khám phá nét mới trong những đóng góp to lớn của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam và nền văn hoá dân tộc./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam